<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Báo cáo đánh giá hệ sinh thái quốc gia

23/02/2022

Báo cáo đánh giá hệ sinh thái quốc gia được công bố tháng 12/2021, thuộc Dự án Hỗ trợ xây dựng năng lực để giải quyết các mối quan hệ giữa khoa học - chính sách - thực tiễn, được thực hiện bởi Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Báo cáo cũng là một phần của Sáng kiến về xây dựng năng lực để đánh giá hệ sinh thái quốc gia: liên kết khoa học và chính sách với Mạng lưới Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái (BES-Net). Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) của Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân của Cộng hòa Liên bang Đức là cơ quan hỗ trợ tài chính để thực hiện báo cáo này.

Báo cáo được tổng hợp, đánh giá dựa vào thông tin, dữ liệu thứ cấp, là kết quả đóng góp của nhiều chuyên gia thuộc lĩnh vực môi trường và đa dạng sinh học (ĐDSH) từ các tổ chức trong nước và quốc tế, được tham vấn qua nhiều cuộc họp, hội thảo trong nước.

Báo cáo cho biết, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có ĐDSH cao của thế giới với sự đa dạng về các hệ sinh thái (HST), loài sinh vật, và nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm. Trong các HST, HST rừng, đất ngập nước, biển và ven biển có mức ĐDSH và năng suất sinh học cao nhất, đồng thời là những HST chính cung cấp các dịch vụ quan trọng nhất cho con người. Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế-xã hội của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ là động lực, áp lực làm suy giảm tài nguyên ĐDSH và suy thoái các HST.

Việt Nam đã quan tâm, ưu tiên ban hành nhiều chính sách về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH và HST. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển bền vững các HST có giá trị, cần phải nghiên cứu và áp dụng cách tiếp cận mới, các công cụ kinh tế trong quản lý và bảo tồn, nhằm đánh giá các HST và dịch vụ của chúng để xác định các nhu cầu bị thiếu hụt trong công tác quản lý, xác định các công cụ hỗ trợ chính sách. Diễn đàn Liên Quốc gia về ĐDSH và dịch vụ HST (IPBES) được thành lập vào năm 2012 là công cụ hiệu quả nhằm hợp tác và bảo vệ ĐDSH, HST ở quy mô toàn cầu sẽ đáp ứng các nhu cầu trên. Chức năng của IPBES nhằm tiến hành đánh giá HST; thúc đẩy áp dụng các công cụ hỗ trợ chính sách; xây dựng năng lực và tri thức cho đội ngũ cán bộ liên quan.

Đánh giá HST sẽ cung cấp thông tin hỗ trợ các quá trình ra quyết định để đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia và các kế hoạch, chiến lược quốc gia về ĐDSH; đáp ứng nhu cầu về thông tin của các nhà hoạch định chính sách ở các lĩnh vực khác nhau; tăng cường năng lực thông qua mối liên kết khoa học-chính sách và thúc đẩy việc lồng ghép ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái vào các kế hoạch hành động.

Trong khuôn khổ hỗ trợ tài chính của CHLB Đức cho Dự án “Hỗ trợ xây dựng năng lực để giải quyết các mối quan hệ giữa khoa học-chính sách-thực tiễn” tại 11 nước thông qua Trung tâm Quan trắc Bảo tồn Thế giới của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP-WCMC). Tại Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường triển khai các hoạt động của dự án từ năm 2017-2021. Mục tiêu của dự án nhằm đánh giá thí điểm HST quốc gia (đánh giá các HST quy mô toàn quốc) với mục tiêu tăng cường năng lực quốc gia về đánh giá HST; cung cấp cơ sở khoa học cho quá trình hoạch định chính sách; và hỗ trợ tham vấn lồng ghép ĐDSH và dịch vụ HST vào chính sách, quy hoạch ở các cấp.

Đánh giá HST quốc gia được thực hiện theo nguyên tắc, quy trình, cách tiếp cận và khung logic của IPBES. Theo hướng dẫn, đánh giá HST quốc gia dựa vào khung phân tích để giải quyết từng vấn đề và các mối quan hệ của chúng theo khung logic DPSIR (động lực-áp lực-hiện trạng-tác động-đáp ứng). Các phương pháp được sử dụng để đánh giá HST quốc gia bao gồm: xác định các đối tác liên quan và khuyến khích họ tham gia vào quá trình đánh giá hệ sinh thái; thu thập thông tin, dữ liệu, tài liệu; tham vấn các đối tác thông qua các cuộc phỏng vấn, cuộc họp, hội thảo và đối thoại với các bên liên quan; và nghiên cứu, phân tích, tổng hợp tài liệu và lập bản đồ.

Quy trình đánh giá HST gồm 5 bước sau: giai đoạn đánh giá phạm vi (xác định nhu cầu đánh giá, các câu hỏi để đánh giá và thiết kế các câu trả lời, cân nhắc những trở ngại tiềm tàng); giai đoạn thiết kế đề cương báo cáo; giai đoạn viết báo cáo (bao gồm cả tham vấn các đối tác liên quan); giai đoạn tiền thẩm định và thẩm định báo cáo; và truyền thông và xuất bản.

Báo cáo góp phần cung cấp cơ sở dẫn liệu cơ bản về 3 HST chính (HST rừng; đất ngập nước; biển và ven biển) ở Việt Nam cho các nhà hoạch định chính sách, nhằm thúc đẩy việc lồng ghép ĐDSH và dịch vụ HST vào quá trình xây dựng chính sách, quy hoạch của các lĩnh vực liên quan.

Báo cáo gồm có 2 phần chính: thông điệp chính và dẫn liệu cơ bản với 5 nội dung về: (i) hiện trạng ĐDSH và xu hướng của các HST; (ii) sự đóng góp của các HST cho kinh tế-xã hội; (iii) những động lực và áp lực làm thay đổi các dịch vụ HST; (iv) kịch bản tương lai về các HST; và (v) khung chính sách, thể chế về ĐDSH và dịch vụ HST - Những tác động, khoảng trống và một số đề xuất nhằm duy trì và tăng chất lượng các dịch vụ HST.

Báo cáo cho biết, mặc dù đã ban hành nhiều chính sách về bảo tồn ĐDSH và HST, tuy nhiên, chất lượng của một số chính sách chưa cao, một số quy định chưa phù hợp hoặc mâu thuẫn với thực tế do được xây dựng không dựa vào mối tương tác khoa học, chính sách và thực tiễn, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện. Báo cáo đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách về ĐDSH và các dịch vụ hệ sinh thái, đề xuất nhằm tăng chất lượng HST. Để duy trì và phát triển các HST nhằm tăng cường các dịch vụ quan trọng phục vụ kinh tế - xã hội, Báo cáo khuyến nghị cần triển khai đồng thời nhiều biện pháp từ hoàn thiện hệ thống chính sách, bộ máy tổ chức quản lý, thực thi pháp luật, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng đến tìm kiếm huy động các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức và cải thiện mức sống của người dân (nhất là đối với các cộng đồng sinh sống gần các HST quan trọng) để giảm bớt các áp lực lên các HST.

P.A.T (Nguồn: BÁO CÁO TÓM TẮT ĐÁNH GIÁ HỆ SINH THÁI QUỐC GIA - Dự án Hỗ trợ xây dựng năng lực để giải quyết các mối quan hệ giữa khoa học-chính sách-thực tiễn, 12/2021)