<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Các mối đe dọa đối với quần xã san hô Vịnh Nha Trang

23/10/2018

Sự phong phú của quần xã san hô vịnh Nha Trang được nghiên cứu và mô tả lần đầu vào những năm 80 của thế kỷ trước. Cho đến giữa những năm 90, ở khu vực phía Nam vịnh có độ phủ san hô rất cao (đến 100%). Tính đa dạng của các loài san hô tạo rạn trong vịnh Nha Trang được xem là cao nhất đối với toàn bộ vùng nước của Việt Nam (250 loài thuộc 60 giống).

Trong 3 thập kỷ qua, các rạn san hô vịnh Nha Trang phải chịu những tác động ngày càng tăng của con người do việc phát triển các tuyến đường ven biển, xây dựng các khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, hoạt động nạo vét trong khu vực cảng và vùng cửa sông Bé làm tăng lượng bùn lắng trong vịnh, đánh bắt quá mức các loài cá và động vật không xương sống có giá trị kinh tế. Từ năm 1994 đến năm 2007, độ phủ của san hô tạo rạn trong vịnh suy giảm trung bình 13,1% và hàng năm mức giảm trung bình ở mức 1,25%. Việc công bố phần lớn vùng vịnh là một khu bảo tồn biển vào năm 2002 không làm thay đổi được nhiều tình trạng sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vịnh.

Từ năm 2013 đến năm 2016, trong khuôn khổ đề tài khoa học “Nghiên cứu tổ chức cấu trúc – chức năng các quần xã sinh vật phục vụ bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái biển ven bờ” của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, đã tiến hành đánh giá trạng thái và phân tích ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên và nhân sinh đến các quần xã san hô vịnh Nha Trang. Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ khu vực phía ngoài vịnh (đảo Hòn Mun, phía Đông và Đông Nam đảo Hòn Tre) về phía bờ biển thành phố Nha Trang và khu vực cửa sông Cái, sông Bé, độ phủ san hô tạo rạn giảm từ 75 đến 0,6%, tỷ lệ san hô bị phá hủy tăng từ 0,3 đến 20,3% và tương ứng với diện tích che phủ của rong biển tăng từ 0 đến 56%. Diện tích nền đáy (đá và cát) tăng tự nhiên từ 0,3 đến 67,4%. Theo đó, mức độ phong phú các loài san hô tạo rạn suy giảm 12 lần và chỉ số đa dạng sinh học Shannon cũng giảm 5 lần. Phần lớn các rạn san hô ở phía Tây của vịnh bị suy thoái hoàn toàn.

Những nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái các quần xã san hô vịnh Nha Trang là do ảnh hưởng của sự gia tăng quá trình lắng đọng trầm tích và phú dưỡng, xây dựng các tổ hợp nghỉ dưỡng và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên mặt nước. Bên cạnh các tác động tiêu cực trực tiếp của con người, một nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ suy thoái sinh học quần xã san hô trong vịnh là sự bùng phát về số lượng loài sao biển ăn thịt Acanthaster planci – kẻ thù tự nhiên chính của san hô tạo rạn. Nếu duy trì mức khai thác các rạn và tốc độ xây dựng ở bờ đảo như hiện nay, cùng với việc nếu không có những hành động kịp thời của con người nhằm hạn chế số lượng sao biển ăn thịt thì phần lớn các quần xã san hô khỏe mạnh còn lại ở phía Đông của vịnh Nha Trang có thể bị suy thoái trong vòng 10 năm tới./.

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nhiệt đới số 14. Tháng 11/2017

Britaev T.A.