<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Chế tạo máy ép tạo khối chất thải rắn phù hợp điều kiện thực tế trên Quần đảo Trường Sa

17/06/2022

Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế tại một số điểm đảo khu vực quần đảo Trường Sa và thông tin về nhu cầu của đơn vị, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã giao Trung tâm Chuyển giao công nghệ mới nghiên cứu chế tạo máy ép tạo khối chất thải rắn phù hợp với điều kiện thực tế các đảo. Nhóm nghiên cứu do đồng chí Thượng tá Phan Thanh Xuân làm chủ nhiệm nhiệm vụ đã hoàn thành việc chế tạo máy và lắp đặt, vận hành thử nghiệm thực tế tại đảo Trường sa từ tháng 12 năm 2021.

Qua các chuyến công tác khảo sát thực tế tại thực địa và chia sẻ của cán bộ, chiến sĩ thuộc một số đảo như Trường Sa Đông, Trường Sa, Đá Tây A…, nhóm thực hiện nhiệm vụ nhận thấy việc xử lý rác thải trực tiếp tại các đảo rất khó khả thi do có không gian nhỏ hẹp, không đủ chỗ chứa rác. Lượng chất thải rắn từ sinh hoạt tại chỗ của bộ đội trên mỗi đảo bình quân 100 - 150 kg/ngày, ngoài ra còn lượng đáng kể rác thải rắn dạt từ biển vào. Việc thu gom và xử lý rác thải vô cơ trên các đảo thường được bộ đội thu gom và vận chuyển đến nơi tập kết chờ vận chuyển vào đất liền xử lý, tuy nhiên lại chưa có máy ép tạo khối chất thải rắn để giảm thể tích các loại vỏ lon, đồ hộp, chai nhựa; đồng thời, trong thời gian chờ tàu đưa về đất liền có thể tiếp tục gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí xung quanh. 

Với đặc điểm tình hình như vậy, phương pháp xử lý tại chỗ đối với chất thải rắn được lựa chọn cho các đảo là sử dụng thiết bị máy ép tạo khối để giảm thể tích, dễ bao gói, thuận tiện khi vận chuyển, tập kết và giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong khi chờ tàu chở về đất liền để xử lý. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các nguyên liệu chế tạo máy có độ bền cao, phù hợp với điều kiện biển đảo như: thép tấm AH36 (theo Tiêu chuẩn ASTM - A131) chế tạo khung máy; Inox 304 (theo tiêu chuẩn JIS-G4 305-SUS 304) chế tạo thùng dầu; các mạch điện tử, giắc kết nối, tiếp điểm…của hệ thống điều khiển điện được phủ các lớp phủ chống ăn mòn để giúp cho máy có độ bền cao, chống chịu được những ảnh hưởng từ nước biển, axit, đảm bảo an toàn cho sử dụng lâu dài, ngoài ra còn chịu được nhiệt độ cao, chịu va đập mạnh, chịu được áp lực lớn và khối lượng nặng.

Thử nghiệm tại đảo Trường Sa

Kết quả ghi nhận tại thực địa sau 6 tháng lắp đặt, vận hành hệ thống cho thấy hoạt động của các xi lanh ép thủy lực, các bộ phận điều khiển, van an toàn, các thiết bị báo hiệu hoạt động ổn định. Không có các hư hỏng như nứt, biến dạng trên các kết cấu thép. Không có dấu hiệu rò dầu ở các ống dẫn, đầu nối và các phần tử dẫn động thủy lực khác. Các lớp phủ nhiệt đới hóa cho các mạch điện tử, giắc kết nối, tiếp điểm… ở trạng thái bình thường, không bong tróc, bám bụi, các mạch không xuất hiện các điểm ăn mòn, phá hủy. Máy chạy ổn định, không bị sự cố. 

Máy ép vận hành đơn giản, dễ sử dụng tiêu thụ công suất điện … Tuỳ theo lượng rác thải rắn được thu gom, phân loại, đơn vị thực hiện vận hành máy ép đối với vỏ lon, đồ họp bằng kim loại khoảng 3-7 ngày/lần, mỗi lần khoảng 50-60 lượt ép, mỗi lượt ép trong thời gian khoảng 5 phút, cho khối rác dạng hộp chữ nhật, kích thước …cm, khối lượng khoảng 10 kg. Khối rác sau khi ép được bao gói kín bằng túi nilon để gửi theo các tàu đưa về đất liền xử lý, tái chế.

Trung tâm Chuyển giao công nghệ mới và nhóm thực hiện nhiệm vụ đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để có thể cung cấp số lượng lớn cho các đảo.
Một số hình ảnh thử nghiệm thực tế máy ép rác tạo khối do Trung tâm Trung tâm Chuyển giao công nghệ mới/ Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga chế tạo:

Hình ảnh thử nghiệm tại Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân

Hình ảnh thử nghiệm tại đảo Trường Sa

Tin bài: Phan Thanh Xuân (Trung tâm Chuyển giao công nghệ mới)