<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

COP28 tập trung đặc biệt vào các giải pháp dựa vào tự nhiên

27/12/2023

Từ ngày 30/11 đến 12/12/2023, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để tìm cách giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Hội nghị hướng đến 5 nội dung quan trọng: 1/Về giảm phát thải khí nhà kính; 2/Về thích ứng với biến đổi khí hậu; 3/Về tài chính khí hậu; 4/Về các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và 5/ Về đánh giá nỗ lực toàn cầu. Với sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra hiện nay, việc tìm ra giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ vấn đề này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Một trong những giải pháp được tập trung thảo luận tại Hội nghị lần này là các giải pháp dựa vào tự nhiên (Nature-based solutions - NBS). Đây cũng được xác định là công cụ chính để giải quyết hai cuộc khủng hoảng kép là biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.

Khai mạc COP28 ngày 30/11/2023 tại Dubai. (Ảnh: Giuseppe CACACE /AFP).

NBS là gì?

NBS là các phương pháp sử dụng hệ thống và quy trình tự nhiên nhằm giải quyết các thách thức môi trường. Những giải pháp này có thể bao gồm khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái đến tăng cường đa dạng sinh học và thúc đẩy các hoạt động sử dụng đất bền vững[1].

NBS được coi là công cụ hữu hiệu giúp đạt được các mục tiêu về khí hậu toàn cầu[1]. Chúng hướng tới cách tiếp cận bền vững và tiết kiệm chi phí để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời mang lại nhiều lợi ích bổ sung như bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý nước và tăng cường khả năng phục hồi trước thảm họa thiên nhiên.

COP28 khẳng định cần phải tạo ra nhận thức và cơ sở bằng chứng về tiềm năng cũng như các lợi ích chung của NBS. Đặc biệt, điều này phải diễn ra song song do yêu cầu cấp bách từ các cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay.

Lợi ích của NBS

Tại COP28, một số lợi ích của NBS trong giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu đã được đưa ra như:

Giảm nhẹ biến đổi khí hậu: Các giải pháp dựa vào tự nhiên, chẳng hạn như trồng rừng và phục hồi hệ sinh thái, có thể đóng vai trò là bể chứa carbon, hấp thụ và lưu trữ một lượng đáng kể khí nhà kính[2]. Những giải pháp này có thể giúp giảm nồng độ CO2 trong khí quyển và góp phần vào nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Bảo tồn đa dạng sinh học: NBS thúc đẩy việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, có thể giúp bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng[3]. Bằng cách bảo vệ và khôi phục môi trường tự nhiên, những giải pháp này hỗ trợ việc bảo tồn hệ động thực vật đa dạng.

Thích ứng và phục hồi: NBS tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái và cộng đồng trước tác động của biến đổi khí hậu[4]. Chúng có thể giúp giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của các khu vực ven biển trước bão và lũ lụt bằng cách khôi phục rừng ngập mặn và vùng đất ngập nước ven biển, đóng vai trò là vùng đệm tự nhiên chống lại những mối nguy hiểm này[2]. Những giải pháp như vậy cũng có thể cải thiện việc quản lý nước, giảm xói mòn đất và tăng khả năng phục hồi của cộng đồng trước thiên tai.

Đồng lợi ích cho cộng đồng: NBS mang lại nhiều lợi ích đồng thời cho cộng đồng địa phương. Khôi phục hệ sinh thái mang lại cơ hội sinh kế thông qua nông nghiệp bền vững, du lịch sinh thái và doanh nghiệp dựa vào thiên nhiên[2]. Những giải pháp này cũng cải thiện chất lượng không khí và nước, nâng cao cơ hội tiếp cận văn hóa, giải trí và cung cấp không gian cho các hoạt động văn hóa và tâm linh[3].

Hiệu quả về chi phí: NBS thường có hiệu quả về mặt chi phí so với các phương pháp tiếp cận cơ sở hạ tầng truyền thống. Việc thực hiện các giải pháp này có thể ít tốn kém hơn trong khi mang lại nhiều lợi ích, bao gồm giảm thiểu khí hậu, thích ứng và bảo tồn đa dạng sinh học[2].

Khả năng mở rộng và tính bền vững: Các giải pháp dựa vào tự nhiên có thể được mở rộng và nhân rộng ở các khu vực và hệ sinh thái khác nhau. Đây cũng là cách tiếp cận bền vững để hành động vì khí hậu, thúc đẩy cân bằng sinh thái lâu dài và hỗ trợ lợi ích của cả thế hệ hiện tại và tương lai[4].

Điều quan trọng cần lưu ý là lợi ích của các giải pháp NBS có thể khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh, hệ sinh thái và chiến lược thực hiện cụ thể.

Một số kết quả đạt được của NBS tại COP28

Tài chính: Một trong những kết quả đáng chú ý của COP28 là công bố khoản tài trợ mới trị giá 186,6 triệu USD cho thiên nhiên và khí hậu, đặc biệt hướng tới phục hồi rừng, rừng ngập mặn và đại dương[5]. Khoản tài trợ này sẽ góp phần thực hiện các giải pháp NBS và hỗ trợ các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Trong Tuyên bố chung của COP28 về việc mở rộng quy mô tài chính và đầu tư cho khí hậu và thiên nhiên cũng yêu cầu cần sử dụng hiệu quả nguồn quỹ đầu tư thông qua các giải pháp dựa vào tự nhiên và cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái và tiếp cận tài chính một cách toàn diện và công bằng [6].

Cam kết: Nhiều quốc gia và tổ chức phi chính phủ bày tỏ cam kết coi các giải pháp dựa vào tự nhiên là chiến lược hiệu quả để chống biến đổi khí hậu. Hoa Kỳ, dưới thời Chính quyền Biden-Harris, cũng bày tỏ cam kết mở rộng việc sử dụng NBS để bảo vệ cộng đồng tốt hơn khỏi tác động của biến đổi khí hậu. Tại COP28, Hoa Kỳ đã tham gia một nền tảng toàn cầu để thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên[7]. Trong các cam kết của mình, Hoa Kỳ ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh, thích ứng với khí hậu bằng các giải pháp dựa vào tự nhiên; ban hành lộ trình và chính sách về NBS của Bộ Nội vụ  và tài trợ cho nhóm giải pháp này.

Lợi ích và hiệu quả: Các giải pháp dựa vào tự nhiên được công nhận vì khả năng mang lại nhiều lợi ích. Bên cạnh việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, chúng còn bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý nước và tăng cường khả năng phục hồi trước thiên tai. NBS được thừa nhận là phương pháp tiếp cận bền vững và hiệu quả về mặt chi phí.

Nỗ lực hợp tác: COP28 nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư và nỗ lực hợp tác giữa các chính phủ, các tổ chức khác nhằm mở rộng quy mô thực hiện các giải pháp dựa vào tự nhiên. Các yếu tố được bàn luận trong khía cạnh này bao gồm: sự rõ ràng về vai trò, tính minh bạch, ngôn ngữ chung, học thông qua thực tế, khuyến khích liên kết, hợp tác gây quỹ, hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác nghiên cứu, ...

COP28 nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đầu tư mở rộng quy mô thực hiện NBS.

Nhận định của chuyên gia về NBS

Nếu như tại COP27 năm ngoái, lần đầu tiên “quyết định bao trùm” (cover decision) của COP đề cập đến NBS thì đến COP28, việc sử dụng chúng như một công cụ hiệu quả nhằm giải quyết và thích ứng với các vấn đề khí hậu hiện nay đã nhận được đánh giá cao của các chuyên gia và các tổ chức.

Theo dữ liệu từ ClimateWatch, NBS là một phần quan trọng trong kế hoạch thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu của các quốc gia, nằm trong cam kết khí hậu quốc gia của 57 nước theo Hiệp định Paris. Rhiannon Niven, điều phối viên chính sách về biến đổi khí hậu toàn cầu tại BirdLife International khẳng định đây là một “chiến thắng lớn” khi những phương pháp này được đưa vào Global Stocktake (bản đánh giá toàn cầu - là thành phần quan trọng của Thỏa thuận Paris được sử dụng để giám sát việc thực hiện và đánh giá tiến bộ chung đạt được trong việc đạt được các mục tiêu đã thống nhất).

Bình luận về Tuyên bố chung của COP28, Manuel Pulgar-Vidal, người đứng đầu chương trình hành động CBD về Thiên nhiên và Con người ủng hộ việc khuyến khích tất cả các chính phủ tán thành Tuyên bố chung đồng thời đẩy nhanh việc áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên để đáp ứng nhiều mục tiêu trong giải quyết các thách thức khí hậu và thích ứng với các tác động của nó.

Tại COP28, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) - Monica Medina khẳng định: tại WCS, các giải pháp dựa vào tự nhiên cho cuộc khủng hoảng là luôn là trọng tâm, được ưu tiên và được tài trợ.

Cũng tại sự kiện lần này, bà Natalia Uribe Pando, Tổng thư ký LGMA Khu vực 4 (LGMA-cơ quan đại diện cho các thành phố và khu vực trong quá trình đàm phán về khí hậu) cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh lời kêu gọi tăng cường tham vọng và hỗ trợ để tạo điều kiện hành động nhanh chóng ở mọi cấp độ, từ địa phương đến toàn cầu, cũng như tầm quan trọng của việc hướng dẫn các nỗ lực thích ứng bằng cách sử dụng hệ thống kiến thức địa phương, phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái, giải pháp dựa vào tự nhiên và sự lãnh đạo của địa phương cũng như các chiến lược dựa vào cộng đồng. Đồng thời, các nhà lãnh đạo địa phương đã cam kết việc thực hiện các giải pháp đổi mới, các giải pháp dựa vào tự nhiên và xây dựng một tương lai bền vững là nhiệm vụ cốt lõi”.

Việt Nam và NBS

Tại sự kiện bên lề COP28, đại diện Chính phủ Việt Nam đã chia sẻ những chính sách, kế hoạch hành động quốc gia để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên việc thúc đẩy và thực hiện các giải pháp NBS thông qua bảo tồn và phát triển bền vững. Là 1 trong 16 quốc gia có mật độ đang dạng sinh học lớn nhất thế giới, đây là lợi thế và cũng là thử thách cho Việt Nam khi triển khai NBS. Dù có nhiều cơ hội để thành công nhưng việc tìm ra hướng tiếp cận phù hợp và toàn diện là cần thiết nhằm hạn chế các kết quả không mong muốn[8].

Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc World Wild Fund -Việt Nam chia sẻ về định hướng NBS của WWF-VN tại sự kiện. Ảnh: WWF Việt Nam.

Cũng trong sự kiện, đại diện cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng chia sẻ về quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, cũng như các khoản đầu tư của USAID đang giúp đặt nền móng cho các giải pháp NBS chất lượng cao và toàn vẹn. Đại diện khu vực tư nhân, ngân hàng HSBC cũng chia sẻ các phương thức huy động tài chính tiềm năng cũng như các điều kiện tiên quyết để huy động vốn cho các dự án NBS. Bên cạnh đó, World Wild Fund-Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án NBS đã được thực hiện tại Trung Trường Sơn và Đồng bằng Sông Cửu Long những năm gần đây, qua đó, giới thiệu các chương trình huy động nguồn lực để triển khai NBS tại Việt Nam, bao gồm Nền tảng Khởi tạo các Giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS-OP) và Cơ chế thúc đẩy NbS (NbS  Accelerator)[8].

Nhân dịp này, đại diện Việt Nam cũng kêu gọi các đối tác công tư và các bên liên quan hỗ trợ triển khai, thúc đẩy các biện pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tháo gỡ nút thắt trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Ưu điểm của các giải pháp dựa vào tự nhiên được thảo luận tại COP28 là rất rõ ràng và tiềm năng của chúng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và hỗ trợ cộng đồng địa phương là rất lớn. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả vào thực tế cần sự chung tay và phối hợp chặt chẽ của chính phủ các nước và các tổ chức trên toàn thế giới. Bằng việc sử dụng NBS để giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu đang phải đối mặt hiện nay cũng như thúc đẩy hành động hợp tác, COP28 mang lại hy vọng về một tương lai phát triển và bền vững hơn./.

Tin bài: Ngọc Nguyễn (P.TTKHQS)


Nguồn tham khảo:

[1]https://www.forbes.com/sites/arielcohen/2023/12/21/back-to-nature-at-cop28-restoration-strategies-to-combat-climate-change/?sh=43d09b336750

[2]https://www.unep-wcmc.org/en/news/navigating-the-promise-of-nature-based-solutions-at-cop28-and-beyond

[3]https://www.forbes.com/sites/arielcohen/2023/12/21/back-to-nature-at-cop28-restoration-strategies-to-combat-climate-change/

[4] https://blog.nwf.org/2023/12/harnessing-the-power-of-nature-at-cop28/

[5]https://www.cop28.com/en/news/2023/12/United-for-Nature-COP28-mobilizes-action-to-protect

[6]https://www.cop28.com/en/joint-statement-on-climate-nature

[7]https://www.whitehouse.gov/ostp/news-updates/2023/12/09/biden-harris-administration-expands-use-of-nature-based-solutions-to-better-protect-communities-from-the-impacts-of-climate-change/

[8]https://www.wwf.or.th/en/?382255/COP-28-Huy-dong-tai-chinh-tu-cac-khu-vuc-cong-tu-cho-cac-giai-phap-dua-vao-tu-nhien-tai-Viet-Nam