<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Ghi nhận đầu tiên về các loài nấm thuộc họ nấm Thông Boletaceae tại Tây Nguyên

05/08/2021

Nấm thông (Boletaceae), có sợi nấm phát triển và hình thành quả thể lớn, đóng vai trò thiết yếu trong các hệ sinh thái nhiệt đới, hình thành các tổ chức nấm rễ với các loài thực vật họ Dầu Dipterocarpaceae, họ Đậu Fabaceae, họ Dẻ Fagaceae, họ Thông Pinaceae… Chúng có thế tiếp cận với các dạng dinh dưỡng mà thực vật không thể sử dụng trực tiếp và nguồn dinh dưỡng tách biệt với rễ cây. Do đó, cây chủ hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng từ bên ngoài (đặc biệt là môi trường nghèo dinh dưỡng) nhờ liên kết với các sợi nấm và cung cấp cho sợi nấm những thức ăn cần thiết phục vụ cho quá trình quang hợp của chúng. Ngoài ra, nấm cộng sinh với thực vật còn làm tăng khả năng chống chịu với các ảnh hưởng bất lợi của môi trường, cũng như tham gia vào quá trình phân hủy chất hữu cơ. Đối với con người, nhiều loài đóng vai trò làm thực phẩm, nhiều loài chứa hoạt chất sinh học ứng dụng trong y học. Khu vực Đông Nam Á là trung tâm đa dạng sinh học của các loài nấm thuộc họ Nấm thông.

Ở Việt Nam, Tây Nguyên là nơi có diện tích rừng tự nhiên lớn, có khu hệ thực vật và thảm thực vật phong phú, đa dạng, điều kiện tự nhiên khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của các loài nấm trong họ nấm thông Boletaceae. Tuy nhiên, việc nghiên cứu nấm lớn nói chung và họ nấm Boletaceae nói riêng hiện đang bị bỏ ngỏ. Theo thống kê các công trình nghiên cứu liên quan đến họ này tại Tây Nguyên cho đến nay (ngoài kết quả nghiên cứu trong luận án tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Hà Giang, viện Sinh thái nhiệt đới) mới ghi nhận được 37 loài nấm trong họ Boletaceae, tuy nhiên chỉ có 3 loài được mô tả tại Tây Nguyên, số loài còn lại trên thực tế chúng phân bố chủ yếu ở Châu Âu và Bắc Mỹ.

Trong các chuyến khảo sát về đa dạng sinh học nấm lớn của Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga từ năm 2011 đến năm 2019, đã ghi nhận 46 loài nấm thuộc họ nấm thông Boletaceae lần đầu tiên cho khu vực Tây Nguyên, 6 loài mới cho khoa học là: Afroboletus vietnamensis, Fistulinella olivaceoalba, Boletus candidissimus, Veloporphyrellus vulpinus, Erythrophylloporus flammans, Tylopilus subotsuensis. Trong đó 2 loài được ghi nhận tại VQG Chư Yang Sin, Đắk Lắk (Boletus candidissimus, Tylopilus subotsuensis), 2 loài được ghi nhận tại VQG Bidoup - Núi Bà, Lâm Đồng (Fistulinella olivaceoalba, Veloporphyrellus vulpinus), 2 loài ghi nhận tại VQG Bù Gia Mập, Bình Phước (Afroboletus vietnamensis, Erythrophylloporus flammans).

Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về họ Boletaceae nói riêng và nấm lớn nói chung trong các hệ sinh thái rừng nhiệt đới Tây Nguyên có giá trị lý luận và thực tiễn. Kết quả nghiên cứu không những thiết lập được danh lục, giải thích tính đa dạng, phân bố các loài nấm trong họ này cho khu vực Tây Nguyên, mà còn bổ sung dẫn liệu mới, loài mới. Đây là cơ sở phục vụ đề xuất giải pháp, chính sách quản lý và bảo tồn những loài nấm lớn có giá trị kinh tế và môi trường.

Bài và ảnh: TS. Phạm Thị Hà Giang/Viện STNĐ