<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Ghi nhận Loài Chim Qúy Hiếm ở Việt Nam

17/09/2019

Bồ nông chân xám – Spot-billed Pelican có tên khoa học là Pelecanus philippensis Gmelin, 1789, thuộc họ Bồ nông Pelecanidae bộ Bồ nông Pelecaniformes là loài chim trong sách đỏ Việt Nam phân hạng EN A1c,d B 2b, c, e + 3b,d, cấp độ bảo tồn theo danh lục sách đỏ IUCN cấp NT và cũng là loài thuộc danh lục các loài quý hiếm ghi trong nghị đinh 06/2019 của Chính phủ về Về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Đây là loài chim có kích thước lớn, chiều dài từ 125–152 cm và nặng 4,1–6 kg. Chim trưởng thành mùa hè lông trên cổ kéo dài thành mào lông màu nâu nhạt, các lông khác ở đầu và cổ màu trắng, gốc màu nâu. Lông bao cánh và cánh sơ cấp đen nhạt, lông vai, lông đuôi và lông cánh thứ cấp có màu nâu. Phần còn lại của Bộ lông màu trắng, phần cuối lưng, sườn và dưới đuôi phớt hồng tím. Mùa đông lông đầu, cổ và lưng có màu trắng, cánh và đuôi màu nâu. Mùa sinh sản từ tháng 1 – 4, đẻ trung bình 2 trứng, ấp 31 ngày.

Phân bố tại các vùng nước trong lục địa và ven biển, nhất là các hồ lớn ở Nam Á từ nam Pakistan qua Ấn Độ đến Indonesia. Tại việt Nam có thể quan sát được ở Nam Định (Cửa sông Hồng, cửa sông Đáy). Vùng duyên hải Thành phố Hồ Chí Minh, vùng ven bờ biển đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay số lượng của loài này đã bị giảm sút nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do săn bắt quá mức. Mặt khác, nơi kiếm ăn đã bị mất dần hoặc bị thu hẹp.

Trong đợt công tác ngày 13/08/2019, cán bộ của Viện Sinh thái đã ghi nhận được hình ảnh của loài này với số lượng gồm 8 cá thể. Chúng kiếm ăn tại vùng cửa sông, bãi triều thuộc xã Tân Thành huyện Gò Công tỉnh Tiền Giang.

Là một trong những loài chim quý hiếm, số lương cá thể hiện tại đã bị suy giảm mạnh vì vậy cần có những biện pháp quản lý, bảo vệ và hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng gây nhiễu loạn các bãi kiếm ăn của loài này ở các khu bảo tồn, bãi triều ở cửa sông Hồng, cửa sông Đáy,ven biển đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

 

Bài và ảnh: Phạm Hồng Phương