Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện năm 2024 Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2024 -2026 giữa Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và Vườn Quốc gia Bái Tử Long
19/12/2024Chiều 18/12, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (TTNĐ Việt - Nga) và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long (BQL VQG Bái Tử Long) đã tổ chức Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện năm 2024 Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2024 -2026. Đồng chí Đại tá Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc TTNĐ Việt - Nga và đồng chí Phạm Ngọc Vinh, Giám đốc BQL VQG Bái Tử Long đồng chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đầu mối thuộc hai đơn vị, các chuyên gia nghiên cứu, cùng cán bộ phụ trách các đề tài, nhiệm vụ trong kế hoạch hợp tác.
Đại biểu tham dự hội nghị.
Khai mạc Hội nghị, Đại tá Phạm Duy Nam nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2024, TTNĐ Việt - Nga và BQL VQG Bái Tử Long đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 5 năm, mở ra một chương mới cho sự phối hợp giữa hai đơn vị. Trên cơ sở đó, Trung tâm đã triển khai thực hiện 07 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, tổ chức 10 đoàn công tác với sự tham gia của hơn 40 lượt cán bộ Nga và Việt Nam trực tiếp đến làm việc, nghiên cứu tại VQG Bái Tử Long, thu được những kết quả mới, có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn.
Đại tá Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc TTNĐ Việt - Nga phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Ngọc Vinh, Giám đốc VQG Bái Tử Long đánh giá cao những kết quả nghiên cứu mà TTNĐ Việt - Nga đã thực hiện tại Vườn trong năm 2024. Ông nhấn mạnh, các kết quả nghiên cứu không chỉ có giá trị khoa học lớn, mà còn mang lại những đóng góp thiết thực cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tại VQG Bái Tử Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Đồng chí Phạm Ngọc Vinh, Giám đốc VQG Bái Tử Long.
Đồng chí Giám đốc VQG cũng mong muốn trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai nhiều nghiên cứu sâu hơn về hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển, cùng nhiều hệ sinh thái đặc thù khác của Vườn. Ông khẳng định, hiệu quả của sự hợp tác trong hơn một năm qua là rất rõ ràng, tạo tiền đề để hai bên tiến xa hơn trong những dự án, nhiệm vụ hợp tác sắp tới.
Đại biểu tham dự hội nghị.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo kết quả nghiên cứu tiêu biểu cho quá trình hợp tác của 2 đơn vị. Trong đó, nổi bật là báo cáo về hệ sinh thái biển và báo cáo về khu hệ chim VQG Bái Tử Long.
Thượng tá, TS. Hoàng Thị Thùy Dương báo cáo tại hội nghị.
Các báo cáo đã cung cấp những phát hiện mới, quan trọng, chẳng hạn như sự đa dạng và hiện trạng bảo tồn của các loài sinh vật đáy biển, bao gồm rạn san hô, động vật da gai, các loài động vật thân mềm đặc trưng,… và nhiều loài sinh vật cộng sinh khác.
Thượng tá, ThS. Phạm Hồng Phương báo cáo tại hội nghị.
Báo cáo về khu hệ chim đã thu hút sự chú ý với những thông tin, dẫn liệu mới, khá chi tiết về sự đa dạng của các loài chim bản địa và di cư tại VQG Bái Tử Long, bao gồm nhiều loài quý, hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh mục bảo tồn quốc tế (IUCN), khẳng định tầm quan trọng của VQG Bái Tử Long như một mắt xích không thể thiếu trong hệ sinh thái khu vực.
Một số loài chim tại VQG Bái Tử Long. (Ảnh: Phạm Hồng Phương - Viện STNĐ).
Bên cạnh những kết quả đạt được, các báo cáo cũng chỉ ra một số điểm hạn chế và đưa ra các kiến nghị, bao gồm việc tiếp tục tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, hợp tác quốc tế, nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như đào tạo cán bộ cho BQL VQG Bái Tử Long.
Hai đơn vị cũng cam kết tiếp tục triển khai các nghiên cứu đang tiến hành, đặc biệt là các đề tài trọng điểm liên quan đến bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái đặc thù của VQG Bái Tử Long. Hai bên nhất trí bổ sung các hợp phần sinh vật còn chưa được nghiên cứu như nấm, thú, bò sát - lưỡng cư, côn trùng… trong kế hoạch hợp tác giai đoạn 2024-2026; thúc đẩy các công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Kết thúc hội nghị, hai bên thống nhất kế hoạch hợp tác trong thời gian tới, đồng thời bày tỏ mong muốn mối quan hệ hợp tác giữa hai đơn vị ngày càng gắn bó, chặt chẽ và hiệu quả hơn, không chỉ vì mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường khu vực VQG Bái Tử Long trong dài hạn.
Tin bài: Ngọc Nguyễn (Phòng TTKHQS)
Bài viết liên quan