<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Huấn luyện chó bản địa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng

14/07/2021

Chó nghiệp vụ “phiên bản Việt”

Thượng tá, Tiến sĩ Bùi Xuân Phương, Phó viện trưởng Viện Sinh thái nhiệt đới, TTNĐ Việt-Nga là chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm với các chuyên gia Nga 4 trong 5 đề tài nghiên cứu về chó bản địa Việt Nam. Theo Tiến sĩ Bùi Xuân Phương, trải qua 14 năm nghiên cứu trên địa bàn các tỉnh phía Bắc cho đến hết Nam Trung Bộ, các nhóm đề tài đã ghi nhận được 13 giống và dạng chó bản địa. Trung tâm đã biên soạn và công bố một bản tiêu chuẩn giống chó H’Mông cộc đuôi. “Đây là một trong hai giống chó đầu tiên của Việt Nam được công nhận tiêu chuẩn giống tại Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA)”, Tiến sĩ Bùi Xuân Phương chia sẻ.

Chó dạng sói thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm mìn và vật liệu nổ tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Trong quá trình thu thập các giống chó, cũng như tiến hành đánh giá hành vi, thần kinh, tầm vóc của chúng, các nhà nghiên cứu của Việt Nam và Nga nhận thấy nhiều điểm khác biệt giữa chó ngoại nhập và chó bản địa Việt Nam. Cụ thể, chó ngoại nhập có ưu điểm là giống thuần chủng cao, quá trình huấn luyện nhanh, thực hiện nhiệm vụ dứt khoát nhưng chi phí con giống cao, thích nghi kém với điều kiện khí hậu nên dễ bị bệnh... Trong khi đó, chó bản địa Việt Nam được chọn lọc tự nhiên, phù hợp với điều kiện sống trong nước, chi phí mua giống, nuôi dưỡng rẻ hơn. Đặc biệt, chó bản địa có hình dáng nhỏ, có khả năng đánh hơi tốt nên định hướng sử dụng làm chó nghiệp vụ trong giám biệt nguồn hơi, tìm kiếm vật liệu nổ là phù hợp. Tuy nhiên, do bản năng tự nhiên của chó bản địa tương đối lớn nên việc huấn luyện mất nhiều thời gian hơn so với chó ngoại nhập.

Chuyên gia Nga, cán bộ Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga và huấn luyện viên Trường Trung cấp 24 Biên phòng huấn luyện chó dạng sói tìm kiếm, phát hiện bom mìn và vật liệu nổ.

Từ năm 2013 đến năm 2016, TTNĐ Việt-Nga đã triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ gen trong công tác chọn giống chó bản địa H’Mông cộc đuôi”. Sử dụng công nghệ gen với sự tham gia của các chuyên gia Nga đã giúp việc chọn giống chó chính xác hơn, qua đó tiết kiệm được thời gian, kinh phí và công sức nghiên cứu. Theo Tiến sĩ Bùi Xuân Phương, công nghệ gen này giúp cho việc chọn giống chỉ mất 3-4 năm, trong khi công nghệ truyền thống phải mất 8-12 năm. “Sau 4 năm, đề tài đã được nghiệm thu và bàn giao giống chó H’Mông cộc đuôi có khả năng tìm kiếm và phát hiện các chất ma túy cho Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an. Có thể nói, chất lượng chó H’Mông cộc đuôi trong thực hiện nhiệm vụ phát hiện ma túy so với giống chó Berger của Đức và Malinois của Bỉ đang được sử dụng phổ biến trên thế giới là tương đương nhau”, Tiến sĩ Bùi Xuân Phương cho biết.

Chó bản địa phát hiện bom mìn

Nối tiếp thành công trên, năm 2016, TTNĐ Việt-Nga tiếp tục chủ trì đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu lựa chọn và huấn luyện giống chó bản địa dạng sói phục vụ tìm kiếm, phát hiện bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam”. Theo ông Alexey Andreevich Svitich, Phó tổng giám đốc phía Nga của TTNĐ Việt-Nga, xử lý ô nhiễm bom mìn là vấn đề khó khăn của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các nước trên thế giới đã sử dụng chó nghiệp vụ để hỗ trợ tìm kiếm, phát hiện bom mìn tương đối phổ biến và hiệu quả, giúp việc rà phá bom mìn nhanh hơn, giảm thương vong cho con người. Ví dụ, LB Nga đã hoàn thành việc xử lý bom mìn từ Chiến tranh thế giới thứ hai cách đây 40 năm, chủ yếu bằng việc sử dụng chó nghiệp vụ. Ngày nay, nước Nga tiếp tục sử dụng chó nghiệp vụ làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Trong khi đó, tại Mỹ, chó nghiệp vụ đảm nhận 80% công việc tìm kiếm, phát hiện bom mìn, vật liệu nổ.

Đoàn công tác của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Tổng công ty xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) kiểm tra chó dạng sói thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm mìn và vật liệu nổ tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Để thực hiện đề tài này, các nhà nghiên cứu của TTNĐ Việt-Nga đã có chuyến thăm LB Nga để trao đổi, học hỏi phương pháp huấn luyện chó nghiệp vụ. Nhóm nghiên cứu đề tài cũng phối hợp với Trường Trung cấp 24 Biên phòng (Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng) để huấn luyện một giống chó bản địa Việt Nam (giống chó phân bổ ở vùng lưu vực sông Mã-được tạm gọi là chó dạng sói hay chó sông Mã). Giống chó này được huấn luyện tìm kiếm, phát hiện vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Tiến sĩ Bùi Xuân Phương cho biết, đặc tính của chó dạng sói là có hệ thần kinh ổn định cao, tuân thủ kỷ luật và có sức bền. Các cá thể của giống chó này sau khi chọn lọc được huấn luyện kỹ năng tìm kiếm nguồn hơi từ bom mìn trong đất. Khi tìm được vật nổ, nó sẽ ngồi xuống, mõm hướng về phía vật nổ. Khi đó, lực lượng công binh sẽ tiếp cận hiện trường và xác định chính xác vị trí vật nổ. Đáng chú ý là tốc độ phát hiện bom mìn của giống chó này rất nhanh và có thể làm ở nhiều loại địa hình khác nhau.

“Những nghiên cứu của TTNĐ Việt-Nga nói chung và của Viện Sinh thái nhiệt đới nói riêng đều là những nghiên cứu cơ bản có định hướng ứng dụng cao, vừa mang tính thực tiễn vừa có cơ sở khoa học vững chắc. Chó bản địa Việt Nam đã trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên và nhân tạo lâu dài, phù hợp với điều kiện sống bản địa, có khả năng chống bệnh tốt, thông minh, dễ nuôi, chi phí thấp, do vậy, việc huấn luyện sử dụng làm chó nghiệp vụ nói chung và tìm kiếm, phát hiện bom mìn nói riêng là có cơ sở khoa học và tính khả thi cao”, ông Alexey Andreevich Svitich nhấn mạnh.

theo LINH OANH (Quân đội Nhân dân)