<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Kết quả bước đầu nghiên cứu đặc điểm sinh học giống chó H’mông cộc đuôi của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga

05/08/2021

Ngay từ xa xưa, người dân tộc H’mông đã biết sử dụng chó vào công việc săn bắn, giữ nhà. Ngày nay với sự phát triển của xã hội cùng với các luật cấm săn bắt thú hoang dã mà vai trò của chó bị thu hẹp. Tuy nhiên chúng vẫn đảm nhiệm tốt vai trò của mình trong đời sống của người H’mông. Giống chó này được người H’mông tuyển chọn và nhân nuôi tạo thành hai dạng chó và được đặt tên gắn liền với đặc điểm của từng dạng, như chó H’mông lông dài, chó H’mông cộc đuôi.

Giống H’mông cộc đuôi được các chuyên gia khuyển học đánh giá rất cao về hình thái, tính cách cũng như khả năng làm việc của chúng trong công tác nghiệp vụ. Nhóm các nhà nghiên cứu khuyển học TTNĐ Việt-Nga đã lựa chọn Giống chó H’mông cộc đuôi tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam để nghiên cứu đặc điểm sinh học và xác định đặc điểm phân bố. Các cá thể chó được lựa chọn chia thành 3 nhóm: nhóm 1: chó từ sơ sinh đến 2 tháng tuổi (chó con); nhóm 2: chó từ 2 tháng tuổi đến 8 tháng tuổi (chó choai); nhóm 3: chó trên 8 tháng tuổi (chó trưởng thành).

Chấm đen tròn thể hiện địa điểm phân bố chó H’mông cộc đuôi 

Về phân bố, chó H’mông cộc đuôi có mặt ở hầu hết các tỉnh từ Bắc đến Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên chúng tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc (đặc biệt là Tây Bắc) và bắt gặp nhiều ở những nơi có người dân H’mông sinh sống. Bên cạnh đó, do có sự giao thương buôn bán, trao đổi nên đôi khi thấy xuất hiện cùng với một số dân tộc khác như Thái, Tày, Dao….Mặt khác, chúng thường phân bố từ độ cao >100m đến hơn 1.800m so với mặt nước biển, tập trung chủ yếu ở đai độ cao trên 800m.

Về đặc điểm hình thái, chó H’mông cộc đuôi có tầm vóc trung bình nhưng thân hình cân đối tỷ lệ chiều dài và chiều cao nơi vai xấp xỉ 1:1,05. Tỷ lệ chiều cao chân trước so với chiều cao vai khoảng 1/2, với cấu tạo như vậy giúp chúng dễ dàng di chuyển trong những điều kiện địa hình chia cắt phức tạp. Bên cạnh đó chúng có lồng ngực khá phát triển, trung bình vòng ngực đạt 57,4 cm và chiều rộng ngực 8,3 cm, đây là một trong những đặc điểm quan trọng của chúng khi sinh sống tại vùng núi cao, có hàm lượng oxy trong không khí thấp. Mặt khác chó có kích thước hộp sọ tương đối lớn và cân đối giữa chiều rộng với chiều dài: 10,4 x 10,8 cm, chiều dài mõm ở mức độ trung bình 8,0 cm tạo cho chúng những nhát cắn sắc, chắc khỏe.

Hình thái chó H’mông cộc đuôi (cá thể đực trưởng thành)

Về sinh trưởng: qua nghiên cứu cho thấy ở giai đoạn trưởng thành chó H’mông cộc đuôi có trọng lượng trung bình, nó thuộc nhóm chó có trọng lượng từ 15 đến 20kg. Trên thực địa, chó H’mông cộc trưởng thành, cá thể đực có thể có trọng lượng lên tới 24kg. Tốc độ tăng trọng của chúng tương đối nhanh đặc biệt ở giai đoạn chó con, mỗi ngày tăng 71,09g, và giai đoạn chó choai: 66,67g/ngày. Ở hai giai đoạn này do có sự phát triển nhanh và mạnh của hệ xương và cơ. Khi sang giai đoạn trưởng thành hệ cơ xương đã phát triển ổn định thì quá trình tăng trọng chủ yếu do tích trữ năng lượng dưới dạng các mô mỡ nên tốc độ tăng trọng của chúng chỉ còn 11,94g/ngày.

Về đặc điểm sinh sản: Thời gian động dục của chó cái từ 12-15 ngày, TB 13,33 ngày. Số con được sinh ra trong một lần sinh thường dao động từ 4- 6 con, TB là 5 con. Thời gian động dục lại của chó dao động từ 120 đến 195 ngày, trung bình của giống là 157,5 ngày (4- 6 tháng), như vậy một năm chó có thể sinh sản được 2 lứa. Tỷ lệ đực/cái trong một lần sinh thường là 1:1.

 Một vấn đề rất quan trọng, nó liên quan rất nhiều đến tỷ lệ chó sống khi tiến hành di thực từ thực địa về trại nuôi, đó là một số bệnh rất nguy hiểm như bệnh Care, Parvo, có những trường hợp gây nên tỷ lệ chết 100%. Các bệnh thường gặp trên đối tượng này đã theo dõi và tổng hợp.

STT

Bệnh

Số ca mắc

Tỷ lệ mắc %

Số ca khỏi

Tỷ lệ khỏi %

1

Care

6

40,0

1

16,7

2

Parvo

2

13,3

0

0,0

3

Sán dây

4

26,7

2

50,0

4

Tiêu chảy

3

20,0

2

66,7

Tổng

15

100,0

5

33,3

Một số bệnh thường gặp khi di thực chó H’mông cộc đuôi

Kết quả nghiên cứu cho thấy: có 4 bệnh thường xảy ra khi di thực chó H’mông cộc đuôi trong đó bệnh Care chiếm tỷ lệ mắc cao nhất là 40%, sau đó là bệnh Sán dây với tỷ lệ 26,7%, Bệnh Parvo xảy ra với tỷ lệ thấp nhất 13,3% song việc điều trị bệnh này còn gặp nhiều khó khăn. Không điều trị được trường hợp nào sau khi mắc. Kết quả cũng cho thấy, tỷ lệ điều trị khỏi các bệnh là rất thất, chỉ có 33,3%, do đó cần thực hiện tốt công tác phòng bệnh trước khi di thực chó H’mông cộc đuôi.

Bài và ảnh: TS. Đinh Thế Dũng/Viện STNĐ