<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Kết quả nghiên cứu điều trị bệnh bằng oxy cao áp tại Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga

19/10/2023

Oxy ở khí quyển rất quan trọng và cần thiết cho sự sống của động vật và con người. Tình trạng thiếu oxy xảy ra do có sự mất cân đối giữa nhu cầu sử dụng oxy của tế bào và khả năng cung cấp oxy cho tế bào, hoặc do hoạt động căng thẳng của hệ thống trao đổi và vận chuyển oxy dẫn đến giảm khả năng dự trữ của hệ thống. Phần lớn các bệnh đều dẫn đến tình trạng thiếu oxy thứ phát và làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng, tạo thành vòng xoắn bệnh lý. Thiếu oxy tế bào là một trong các nguyên nhân dẫn đến rối loạn các quá trình oxy hóa sinh học là nguồn cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động và tế bào dần dần bị hủy diệt.

Trong thực hành y học, oxy tinh khiết ở áp suất khí quyển (1 atmosphere) được dùng phổ biến trong hồi sức, cấp cứu... khi đó tình trạng thiếu oxy của bệnh nhân phần lớn được cải thiện, tuy nhiên trong một số trường hợp bệnh nhân vẫn thiếu oxy mặc dù đã được hô hấp bằng oxy tinh khiết. Bình thường, trong quá trình hô hấp ở áp suất khí quyển, hemoglobin đảm nhiệm vận chuyển oxy từ phổi đến tế bào, phần oxy hoà tan trong huyết tương không đáng kể. Khi lượng hemoglobin trong máu giảm hoặc bị phong tỏa, lượng oxy được vận chuyển đến tế bào đương nhiên giảm và không đáp ứng được nhu cầu của các quá trình chuyển hoá, kể cả khi hô hấp bằng oxy tinh khiết.

Trong liệu pháp oxy cao áp (OXCA), bệnh nhân được hô hấp bằng oxy tinh khiết ở áp suất cao. Do độ tan của một chất khí trong chất lỏng tăng theo áp suất, lượng khí oxy tan vào trong các môi trường lỏng trong cơ thể (máu, chất lỏng mô chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể) tăng lên, làm tăng nhanh hàm lượng oxy trong các tế bào thiếu oxy. Lúc này, lượng oxy được vận chuyển đến các tế bào không còn bị lệ thuộc vào hàm lượng hemoglobin trong máu. Đây là cơ sở khoa học để ứng dụng liệu pháp OXCA trong điều trị cho các tình trạng thiếu oxy trong cơ thể.

Để đáp ứng các yêu cầu chữa bệnh khác nhau, các thiết bị OXCA cũng rất đa dạng, có thể xách tay hoặc mang vác, có thể điều trị cho 1 người, 2 người, 3 người hay đồng thời nhiều người, có loại cho phép có thể tiến hành phẫu thuật hoặc đỡ đẻ trong buồng OXCA.


Buồng điều trị Oxy cao áp

Nhận thức được tầm quan trọng về hiệu quả điều trị của liệu pháp OXCA, từ năm 1991, Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt - Nga đã xây dựng đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ được Ủy ban phối hợp về TTNĐ Việt - Nga phê duyệt “Nghiên cứu áp dụng OXCA vào thực hành Y tế Việt Nam”, với mục tiêu nghiên cứu đánh giá an toàn và hiệu quả của liệu pháp OXCA, bổ sung phương pháp chữa bệnh và nâng cao sức khỏe của nhân dân, quân đội mà không dùng hoặc giảm thiểu sử dụng thuốc. 

Để triển khai thực hiện đề tài, tháng 10/1991 Bộ Quốc phòng đã cử đoàn cán bộ gồm 10 bác sĩ, kỹ sư của TTNĐ Việt - Nga và Bệnh viện 175, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sang Liên bang Nga học tập phương pháp điều trị OXCA. Phía Nga đã cung cấp thiết bị (1 máy OXCA tại Bệnh viện 175, 2 máy OXCA tại Bệnh viện 108) và cử các chuyên gia sang làm việc cùng các cán bộ của Việt Nam. Quá trình thực hiện đề tài đã điều trị thử nghiệm sự chấp nhận các thông số điều trị (tốc độ tăng áp suất, duy trì áp suất, giảm áp suất) cho 15 người khỏe mạnh là các chuyên gia, kỹ sư, bác sĩ, nhân viên làm việc tại Bệnh viện 175; kết quả điều trị an toàn, người được thử nghiệm chấp nhận chế độ điều trị một cách thoải mái. Đã khám và điều trị cho 100 bệnh nhân mắc các bệnh thiếu máu cơ tim, viêm loét dạ dày - hành tá tràng, di chứng tai biến mạch máu não, thiểu năng tuần hoàn não, suy nhược cơ thể, viêm gan mãn, bệnh giảm áp, viêm loét lâu liền và suy nhược thần kinh. Các bệnh nhân được điều trị OXCA với thời gian 60 phút/1 lần/ngày ở các chế độ áp suất 1,3 ATA, 1,5 ATA, 1,7 ATA và 2 ATA; thời gian tăng áp để đạt áp suất điều trị là 10 phút, thời gian duy trì áp suất là 45 phút, thời gian giảm áp là 05 phút; mỗi bệnh nhân được điều trị trung bình 10 ngày. Sau đợt điều trị đạt kết quả khả quan về lâm sàng, ở nhiều bệnh nhân hiệu quả tốt của OXCA đã được chứng minh qua điện tim, X quang và các xét nghiệm cận lâm sàng; liệu pháp OXCA có tính an toàn kỹ thuật cao, quá trình điều trị không xảy ra sự cố kỹ thuật ảnh hưởng đến bệnh lý và tình trạng bệnh nhân, không gây các biến chứng hay tác dụng phụ; OXCA có chỉ định với nhiều loại bệnh, không phân biệt về tuổi, giới. Những kết quả đạt được này phù hợp với những tài liệu công bố trên các tạp chí y học thế giới và cho phép khẳng định rằng phương pháp này hoàn toàn có thể áp dụng vào lâm sàng ở điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam. 

Ngày 07/8/1993, Hội đồng khoa học và công nghệ của TTNĐ Việt - Nga đã tổ chức nghiệm thu, đánh giá đề tài đạt loại khá; đề tài được phát triển và tiếp tục nghiên cứu trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ Y tế “Nghiên cứu áp dụng OXCA vào thực hành y tế Việt Nam”, với các mục tiêu cụ thể như sau:
- Lắp đặt, kiểm tra tính an toàn và ổn định của thiết bị OXCA.
- Nghiên cứu các thông số kỹ thuật thích hợp với người bệnh và loại bệnh của Việt Nam, các chỉ định và chống chỉ định điều trị bằng liệu pháp OXCA.
- Đề xuất các bước triển khai liệu pháp OXCA vào thực hành Y tế Việt Nam.


Hội nghị đánh giá kết quả ứng dụng Oxy cao áp

Để tạo điều kiện cho công việc nghiên cứu thuận lợi và đạt hiệu quả cao, được sự đồng ý của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 14/01/1994 Tổng Giám đốc TTNĐ Việt - Nga đã ký quyết định thành lập “Trung tâm ứng dụng và chuyển giao liệu pháp OXCA” (gọi tắt là Trung tâm OXCA) trực thuộc Chi nhánh Phía Nam, TTNĐ Việt - Nga. 

Trong quá trình thực hiện đề tài, từ tháng 3/1996 đến tháng 8/1996 Trung tâm OXCA đã phối hợp với Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh mở lớp đào tạo bác sĩ chuyên ngành OXCA cho 15 học viên, đây là lớp đào tạo bác sĩ chuyên ngành OXCA đầu tiên của Việt Nam được Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TPHCM cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp; đã thực hiện gần 60.000 lượt điều trị OXCA ở các chế độ áp suất và thời gian khác nhau đảm bảo an toàn và có hiệu quả cho 2.500 bệnh nhân thuộc các nhóm bệnh hô hấp, tim mạch, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt có hiệu quả trong chữa trị ngộ độc khí oxit cacbon, bệnh giảm áp, các vết loét lâu liền, …tại các cơ sở điều trị OXCA của Bệnh viện 175, Bệnh viện 108 và Trung tâm OXCA. 

Ngày 28/11/1997 Hội đồng KH&CN của Bộ Y tế do PGS, TS. Lê Ngọc Trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Chủ tịch Hội đồng đã tổ chức họp nghiệm thu đề tài. Hội đồng đánh giá cao kết quả đã đạt được và nhất trí nghiệm thu đề tài; đồng thời đề nghị TTNĐ Việt - Nga tiếp tục phối hợp với Bệnh viện 175, Bệnh viện 108, Viện Điều dưỡng II Bưu điện tổ chức nghiên cứu chuyên sâu từng vấn đề để tổng kết thành báo cáo khoa học hoàn chỉnh, đủ sức thuyết phục về phương pháp OXCA.

Ngày 18/5/2001 Bộ Y tế ra Quyết định số 1566/QĐ-BYT thành lập Ban soạn thảo Quy trình kỹ thuật OXCA và đề nghị TTNĐ Việt - Nga chủ trì biên soạn. Ngày 09/8/2001 TTNĐ Việt - Nga và Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị khoa học chuyên đề về “Oxy cao áp trong chữa bệnh”. 

Hội nghị khoa học “Oxy cao áp trong chữa bệnh”

Hội thảo đã trao đổi về 7 nội dung chính sau:
- Tổng quan về OXCA trong Y tế - Y học;
- Chỉ định, chống chỉ định điều trị và quy trình kỹ thuật - điều trị OXCA;
- OXCA điều trị bệnh tâm phế mãn;
- OXCA điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim;
- OXCA điều trị các vết thương, vết loét lâu liền;
- OXCA điều trị “bệnh thợ lặn” cấp và mãn;
- Hoạt động OXCA tại Bệnh viện Quân y 175 từ 1992 - 2000.

Ngày 06/4/2002 Hội đồng KH&CN Bộ Y tế đã tổ chức nghiệm thu kết quả soạn thảo Quy trình kỹ thuật OXCA. Hội đồng nhất trí thông qua kết quả soạn thảo của Ban soạn thảo và đề nghị Bộ Y tế cho phép ban hành Quy trình kỹ thuật OXCA để triển khai ở các cơ sở điều trị quân, dân y. 

Quy trình kỹ thuật OXCA đã được Bộ Y tế ban hành tháng 10/2005 (Trang 139 - 142, Chương VI, tập 3, Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật Bệnh viện) và cho phép áp dụng OXCA vào thực hành Y tế Việt Nam. Đây là một trong những kết quả lớn nhất và có ý nghĩa nhất của đề tài. Trước khi TTNĐ Việt - Nga nghiên cứu áp dụng phương pháp OXCA, ngành Y tế của Việt Nam chưa có bệnh viện nào áp dụng phương pháp này, Bộ Y tế chưa đưa OXCA vào danh mục các phương pháp áp dụng trong ngành Y tế. Với những kết quả áp dụng có tính thuyết phục, Bộ Y tế đã công nhận và cho phép phổ biến phương pháp điều trị OXCA một cách rộng rãi trong ngành Y tế. TTNĐ Việt - Nga đã góp phần có tính quyết định đưa một phương pháp điều trị, điều dưỡng bệnh có hiệu quả vào ngành Y tế Việt Nam và người bệnh được hưởng thêm một thành quả của y học hiện đại.


Điều trị bệnh nhân tại Trung tâm Oxy cao áp

Trong những năm qua, các cán bộ của TTNĐ Việt - Nga đã tiếp tục thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về ứng dụng liệu pháp OXCA, thu được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể là các đề tài sau:
    * Đề tài thuộc chương trình do Ủy ban phối hợp về TTNĐ Việt - Nga phê duyệt: 03 đề tài
    1. “Nghiên cứu điều trị bệnh thiếu máu cơ tim mạn tính bằng OXCA”. Đã nghiên cứu điều trị cho 30 bệnh nhân bị bệnh thiếu máu cơ tim mạn tính thể vừa và nhẹ bằng OXCA ở áp suất 1,3 - 1,5 ATA, mỗi ngày 60 phút, thời gian đợt điều trị 8 - 10 ngày, trong quá trình điều trị OXCA không dùng thuốc giãn mạch vành và thuốc chống đông. Kết quả điều trị nhận thấy, bệnh nhân sau 4 - 6 lần điều trị OXCA đã có kết quả sớm, nhưng sau 8 - 10 lần kết quả chắc chắn và tốt hơn cả trên lâm sàng và điện tim (mức độ cải thiệt đạt tốt 86,7%, khá 3,3%, kém 10%), quá trình điều trị đảm bảo an toàn và không có biến chứng; về vấn đề chỉ định điều trị cho bệnh nhân thiếu máu cơ tim mạn tính nên mở rộng cho nhóm bệnh nhân nặng hơn, nên cho bệnh nhân điều trị củng cố thêm 2 - 3 đợt, thời gian 6 tháng trở lên.

2. “Nghiên cứu điều trị bệnh loét lâu liền bằng OXCA”. Đã nghiên cứu điều trị cho 64 bệnh nhân bị loét lâu liền do các nguyên nhân khác nhau bằng OXCA ở áp suất 1,6 - 2,5 ATA, mỗi ngày 60 phút, thời gian đợt điều trị 10 - 30 ngày. Kết quả điều trị nhận thấy OXCA có tác dụng làm giảm viêm, giảm phù nề, tăng sinh mạch máu, kích thích mô hạt phát triển làm mau lành vết loét hoặc tạo điều kiện ghép da sớm đối với vết loét có diện tích lớn; mức độ cải thiện vết loét sau điều trị đạt tốt 53,2%, khá 43,7%, kém 3,1%.


Điều trị vết thương lâu liền tại Trung tâm Oxy cao áp

3. “Nghiên cứu điều trị bệnh giảm áp bằng OXCA”. Đã nghiên cứu điều trị cho 28 bệnh nhân bị bệnh giảm áp bằng OXCA ở áp suất tối đa 3 ATA, thời gian điều trị 12 giờ 30 phút (giảm áp từ từ các bậc thang 0,2 AT), lặp lại 2 - 3 lần (sau 8 - 12 giờ) sau đó chuyển sang điều trị phục hồi chức năng vận động, tiêu hóa, bài tiết ở áp suất 2 - 2,5 ATA, mỗi ngày 60 phút, lặp lại hàng ngày trong 10 ngày. Kết quả điều trị nhận thấy OXCA là phương pháp đặc hiệu điều trị bệnh giảm áp, góp phần cứu sống, giảm tỷ lệ tử vong, hồi phục chức năng vận động, tiêu hóa, bài tiết với tỷ lệ cao cho bệnh nhân (mức độ cải thiện đạt tốt 53,6%, khá 42,8%, kém 3,6%); điều trị OXCA với áp suất tối đa 3 ATA, thời gian điều trị 12 giờ 30 phút (giảm áp từ từ các bậc thang 0,2 AT), lặp lại 2 - 3 lần (sau 8 - 12 giờ) sau đó chuyển sang điều trị phục hồi chức năng vận động, tiêu hóa, bài tiết ở áp suất 2 - 2,5 ATA, mỗi ngày 60 phút, lặp lại hàng ngày trong 10 ngày phù hợp với thực tế Việt Nam. 

* Đề tài cấp Thành phố Hồ chí Minh: 02 đề tài

1. “Đánh giá hiệu quả của OXCA trong điều trị điếc đột ngột”. Đã nghiên cứu điều trị cho 300 bệnh nhân điếc đột ngột sau khi đã điều trị bằng thuốc giãn mạch liều cao kết hợp với Corticoid 5 ngày có thính lực cải thiện kém (< 10 dB) chia làm 2 nhóm. Nhóm chứng gồm 150 bệnh nhân tiếp tục điều trị bằng thuốc như trên thêm 10 ngày và nhóm nghiên cứu gồm 150 bệnh nhân điều trị OXCA (áp suất 2,5 ATA, mỗi ngày 60 phút, trong 10 ngày) kết hợp với thuốc như nhóm chứng. Kết quả điều trị nhận thấy tỷ lệ có cải thiện thính lực ở nhóm nghiên cứu là 85,1% (tốt là 21,5%) cao hơn (p < 0,05) nhóm chứng có tỷ lệ có cải thiện thính lực là 75,4% (tốt là 14,0%); tỷ lệ có cải thiện triệu chứng ù tai ở nhóm nghiên cứu là 94,2% (tốt là 41,9%) cao hơn (p < 0,05) nhóm chứng có tỷ lệ có cải thiện là 88,1% (tốt là 25%); tỷ lệ có cải thiện thính lực ở bệnh nhân bắt đầu điều trị trong vòng 7 ngày cao hơn bệnh nhân bắt đầu điều trị sau 7 ngày (p < 0,05), tỷ lệ có cải thiện thính lực ở bệnh nhân bắt đầu điều trị trong vòng 7 ngày ở nhóm nghiên cứu là 88,5% (tốt là 23%) cao hơn (p < 0,05) nhóm chứng có tỷ lệ có cải thiện thính lực là 70,7% (tốt là 15,8%).

2. “Điều trị điếc đột ngột bằng phương pháp kết hợp đồng thời OXCA với thuốc”. Đã nghiên cứu điều trị cho 300 bệnh nhân điếc đột ngột chia làm 2 nhóm. Nhóm chứng gồm 150 bệnh nhân điều trị bằng thuốc giãn mạch liều cao kết hợp với Corticoid 10 ngày và nhóm nghiên cứu gồm 150 bệnh nhân điều trị OXCA (áp suất 2,5 ATA, mỗi ngày 60 phút, trong 10 ngày) kết hợp với thuốc như nhóm chứng ngay từ ngày đầu tiên điều trị. Kết quả điều trị nhận thấy tỷ lệ có cải thiện thính lực ở nhóm nghiên cứu là 70,7% (tốt là 34,8%) cao hơn (p < 0,05) nhóm chứng có tỷ lệ có cải thiện thính lực là 57,8% (tốt là 27,3%); tỷ lệ có cải thiện triệu chứng ù tai ở nhóm nghiên cứu là 93,8% (tốt là 28,5%) cao hơn (p < 0,01) nhóm chứng có tỷ lệ có cải thiện triệu chứng ù tai là 82,2% (tốt là 21,2%); tỷ lệ có cải thiện thính lực ở bệnh nhân bắt đầu điều trị trong vòng 7 ngày cao hơn bệnh nhân bắt đầu điều trị sau 7 ngày (p < 0,05); tỷ lệ có cải thiện thính lực ở bệnh nhân lứa tuổi dưới 50 cao hơn bệnh nhân lứa tuổi từ 50 trở lên (p > 0,05).

* Đề tài cấp cơ sở: 10 đề tài 
1. “Đánh giá kết quả điều trị di chứng tai biến mạch máu não bằng phương pháp OXCA”. Đã nghiên cứu điều trị cho 29 bệnh nhân bị di chứng tai biến mạch máu não bằng OXCA ở áp suất 1,6 - 1,8 ATA, mỗi ngày 60 phút, thời gian đợt điều trị 10 - 20 ngày; trong thời gian điều trị OXCA bệnh nhân không điều trị phối hợp bằng các phương pháp khác. Kết quả điều trị nhận thấy OXCA có tác dụng làm tăng lượng oxy hòa tan trong máu đáp ứng được nhu cầu thiếu oxy của các tế bào não ở vùng bị tổn thương; mức độ cải thiện các triệu chứng cơ năng (nhức đầu, choáng váng, mệt mỏi, nói khó…) của bệnh nhân sau điều trị thuyên giảm nhanh và nhiều, các triệu chứng về cảm giác và cơ lực hồi phục tương đối rõ sau đợt điều trị OXCA.

2. “Đánh giá điều trị bỏng bằng phương pháp kết hợp OXCA”. Đã nghiên cứu điều trị cho 42 bệnh nhân bỏng chia làm 2 nhóm. Nhóm chứng gồm 21 bệnh nhân được điều trị theo phác đồ thường quy bằng chống sốc, giảm đau, kháng sinh, thay băng, ghép da... và nhóm nghiên cứu gồm 21 bệnh nhân được điều trị như nhóm chứng kết hợp điều trị OXCA ở áp suất 1,8 - 2,2 ATA, mỗi ngày 60 phút, thời gian đợt điều trị 7 - 15 ngày. Kết quả điều trị nhận thấy OXCA có tác dụng làm giảm đau, giảm phù nề, kích thích mô hạt phát triển làm mau lành vết thương bỏng hoặc tạo điều kiện ghép da sớm góp phần hạn chế thoát dịch và huyết tương, chống nhiễm trùng, giảm tỷ lệ hoại tử sau ghép da, góp phần làm giảm thời gian nằm viện cho bệnh nhân.

3. “Nghiên cứu điều trị bệnh viêm động mạch chi dưới bằng phương pháp kết hợp OXCA”. Đã nghiên cứu điều trị cho 12 bệnh nhân bị bệnh động mạch chi dưới bằng thuốc nội khoa, ngoại khoa (cắt lọc hoại tử làm sạch vết loét) kết hợp điều trị OXCA ở áp suất 1,8 - 2,5 ATA, mỗi ngày 60 - 120 phút, thời gian đợt điều trị 15 - 30 ngày. Kết quả điều trị nhận thấy OXCA có tác dụng làm tăng lượng oxy hòa tan trong máu, từ đó chi dưới được cung cấp đủ oxy cần thiết góp phần làm thuyên giảm hoặc hết các triệu chứng của bệnh; tỷ lệ bệnh nhân hết triệu chứng đau cách hồi đạt tỷ lệ 100%, hết tê lạnh chân đạt tỷ lệ 83%, mạch xa trở về bình thường đạt tỷ lệ 82%, vết loét hoại tử chi có kết quả tốt đạt tỷ lệ 86% và kết quả siêu âm Doppler đánh giá lưu thông huyết động động mạch chi dưới có kết quả tốt đạt tỷ lệ 80%.

4. “Nghiên cứu, đánh giá vai trò điều trị OXCA đối với bệnh nhân tiểu đường týp 2 dựa trên sự biến đổi khoảng QT của điện tâm đồ”. Đã nghiên cứu điều trị cho 52 bệnh nhân bị bệnh tiểu đường týp 2 có các triệu chứng lâm sàng hoặc điện tâm đồ liên quan tới bệnh lý tim mạch bằng OXCA ở áp suất 1,8 ATA, mỗi ngày 60 phút, thời gian đợt điều trị 10 ngày. Kết quả điều trị nhận thấy OXCA đóng vai trò làm tăng lượng oxy hòa tan trong huyết tương, đảm bảo được cân bằng giữa cung và cầu oxy cho cơ tim, từ đó làm giảm sự rối loạn quá trình khử và tái cực tế bào cơ tim, nên quá trình khử và tái cực tế bào cơ tim đã đồng bộ hơn sau đợt điều trị OXCA; hiệu quả điều trị của OXCA thể hiện bằng QT min và QTc min tăng, ngược lại QT max và QTc max giảm, do đó đã góp phần làm cho độ phân tán khoảng QT giảm có ý nghĩa thống kê (p < 0,001) và trở về trong khoảng giới hạn bình thường, từ đó góp phần làm giảm nguy cơ đột tử và loạn nhịp thất nguy kịch ở các bệnh nhân tiểu đường týp 2 có biến chứng tim mạch.

5. “Nghiên cứu hỗ trợ điều trị trẻ mắc hội chứng tự kỷ bằng phương pháp OXCA”. Đã nghiên cứu điều trị cho 50 trẻ mắc hội chứng tự kỷ bằng OXCA ở áp suất 1,5 ATA, mỗi ngày 60 phút, thời gian đợt điều trị 40 ngày. Kết quả điều trị nhận thấy ở trẻ tự kỷ có sự biến đổi từ mức độ nặng sang mức độ trung bình và nhẹ, được thể hiện bằng tỷ lệ trẻ tự kỷ mức độ nặng giảm, còn tỷ lệ trẻ tự kỷ mức độ trung bình và nhẹ tăng so với trước điều trị (p < 0,001); mức độ cải thiện chung các dấu hiệu lâm sàng sau đợt điều trị OXCA ở trẻ tự kỷ là 21,8% (p < 0,001), trong đó: Lĩnh vực “Nói/Ngôn ngữ/Giao tiếp” cải thiện 15,8%, lĩnh vực “Giao du/Kết bạn” cải thiện 21,9%, lĩnh vực “Giác quan/Nhận thức” cải thiện 15,9% và lĩnh vực “Sức khỏe/Thể lực/Hành vi” cải thiện 31,6%, tất cả các mức cải thiện này đều có ý nghĩa thống kê (p < 0,001); mức độ cải thiện các dấu hiệu lâm sàng sau đợt điều trị OXCA ở trẻ tự kỷ dưới 5 tuổi là 20,3% và ở trẻ tự kỷ từ 5 tuổi trở lên là 23,4%, sự khác biệt về mức độ cải thiện giữa 2 nhóm không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05); mức độ cải thiện các dấu hiệu lâm sàng sau đợt điều trị OXCA ở trẻ nam mắc tự kỷ là 21,5% và ở trẻ nữ mắc tự kỷ là 23,5%, sự khác biệt về mức độ cải thiện giữa 2 nhóm không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

6. “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả điều trị của phương pháp OXCA trên bệnh nhân thiểu năng tuần hoàn não”. Đã nghiên cứu điều trị cho 30 bệnh nhân bị bệnh thiểu năng tuần hoàn não bằng OXCA ở áp suất 1,8 ATA, mỗi ngày 60 phút, thời gian đợt điều trị 14 ngày. Kết quả điều trị nhận thấy bệnh nhân có mức độ cải thiện triệu chứng rõ rệt, thể hiện qua điểm số Khajiev giảm 31,3% (p < 0,05); tỷ lệ bệnh nhân cải thiện nhiều là 40%, cải thiện trung bình là 40% và cải thiện ít là 20%; hiệu quả điều trị bằng OXCA trên nhóm triệu chứng sớm là rõ ràng với mức giảm 36,36% và sự giảm này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05), hiệu quả điều trị trên nhóm triệu chứng muộn là chưa rõ ràng với mức giảm 26,03% và chưa có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

7. “Theo dõi, đánh giá kết quả điều trị ù tai bằng phương pháp OXCA”. Đã nghiên cứu điều trị cho 20 bệnh nhân bị ù tai bằng OXCA ở áp suất 2,2 - 2,5 ATA, mỗi ngày 60 phút, thời gian đợt điều trị 10 ngày. Kết quả điều trị nhận thấy mức độ cải thiện âm ù theo cảm giác của bệnh nhân giảm có ý nghĩa thống kê so với trước điều trị (p < 0,01); mức cải thiện chung về cường độ âm ù là 7,7% và cường độ âm ù giảm trung bình 4,6 db  (p > 0,05); chưa có mối liên hệ về mức độ cải thiện âm ù theo cảm giác của bệnh nhân và cường độ âm ù với thời gian mắc bệnh ù tai của bệnh nhân. 

8. “Đánh giá hiệu quả điều trị loét da, niêm mạc do biến chứng sau xạ trị ở bệnh nhân ung thư vùng cổ, hàm bằng phương pháp OXCA”. Đã nghiên cứu điều trị cho 61 bệnh nhân bị loét da, niêm mạc do biến chứng sau xạ trị ở bệnh nhân ung thư vùng cổ, hàm bằng OXCA ở áp suất 2,4 - 2,5 ATA, mỗi ngày 60 phút, thời gian đợt điều trị 10 - 60 ngày. Kết quả nghiên cứu nhận thấy bệnh nhân có vết loét da, niệm mạc do biến chứng sau xạ trị ung thư vùng đầu cổ gặp ở cả nam và nữ, ở nhiều ngành nghề khác nhau, tập trung ở lứa tuổi trung niên và già, thời gian bị bệnh từ 1-10 năm, tổn thương (loét da, sâu răng, hoại tử răng, viêm nướu, loét nướu, loét sàn miệng, tổn thương niêm mạc má, niêm mạc vòm hầu…) thường tái đi tái lại. Sau đợt điều trị chất lượng sống của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, rõ nhất là các triệu chứng như khô miệng, khó nuốt, hạn chế mở miệng và đau; mức độ xung huyết, phù nề, tiết dịch tại vết loét cải thiện đáng kể, giảm nhiều nhất từ ngày điều trị thứ 30 trở đi; mức độ cải thiện vết loét chung của bệnh nhân tăng dần theo số ngày điều trị OXCA, từ ngày điều trị thứ 40 trở đi tỷ lệ cải thiện tốt và giảm của bệnh nhân là 100%.

9. “Nghiên cứu tác dụng của liệu pháp OXCA kết hợp trong điều trị loét da, niêm mạc do biến chứng muộn sau xạ trị ở bệnh nhân ung thư vùng đầu, cổ”. Đã nghiên cứu điều trị cho 90 bệnh nhân bị loét da, niêm mạc do biến chứng muộn sau xạ trị ở bệnh nhân ung thư vùng đầu, cổ chia làm 2 nhóm. Nhóm chứng gồm 30 bệnh nhân điều trị bằng thuốc theo phác đồ thường quy 30 ngày và nhóm nghiên cứu gồm 60 bệnh nhân điều trị OXCA (áp suất 2 - 2,5 ATA, mỗi ngày 60 phút, trong 30 ngày) kết hợp với thuốc như nhóm chứng. Kết quả điều trị nhận thấy OXCA có hiệu quả trong điều trị loét lâu liền trên nhiều phương diện kể cả tại chỗ và toàn thân bao gồm tác dụng chống viêm, chống nhiễm khuẩn, giảm phù nề, làm sạch vết thương, tăng sinh mạch máu, kích thích mô hạt phát triển làm mau lành vết loét; nhóm nghiên cứu có tỷ lệ cải thiện triệu chứng cơ năng cao hơn nhóm chứng (nhóm nghiên cứu có tỷ lệ cải thiện triệu chứng mất cảm giác, khó quay đầu, đau, khô miệng, khó nuốt, khó nói và hạn chế mở miệng đều trên 85%, chỉ có triệu chứng xơ cứng là cải thiện 25%; nhóm chứng tỷ lệ cải thiện trên 85% chỉ có ở triệu chứng mất cảm giác và đau); mức độ sung huyết, phù nề, tiết dịch tại vết loét của bệnh nhân ở nhóm nghiên cứu được cải thiện đáng kể, giảm nhiều nhất từ ngày điều trị thứ 20 trở đi; diện tích, số lượng, tình trạng viêm mãn cũng như mức độ lên mô hạt ở vết loét sau đợt điều trị cũng thay đổi rõ rệt, thu hẹp và cải thiện rõ; tỷ lệ có cải thiện vết loét của bệnh nhân sau điều trị ở nhóm nghiên cứu (95%) cao hơn hẳn so với nhóm chứng (36,7%), sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05); chưa thấy có mối liên quan giữa lứa tuổi, giới tính, thời gian mắc bệnh ung thư, thời gian bị vết loét và vị trí xuất hiện vết loét với mức độ cải thiện kết quả điều trị.

10. “Khảo sát đặc điểm lâm sàng và hiệu quả điều trị của liệu pháp OXCA ở bệnh nhân bị chóng mặt ngoại biên”. Đã nghiên cứu điều trị cho 60 bệnh nhân bị chóng mặt ngoại biên chia làm 2 nhóm. Nhóm điều trị bằng OXCA đơn thuần gồm 30 bệnh nhân được điều trị OXCA ở áp suất 1,8 - 2 ATA, mỗi ngày 60 phút, trong 30 ngày và nhóm điều trị bằng OXCA kết hợp với thuốc gồm 30 bệnh nhân được điều trị OXCA như nhóm điều trị bằng OXCA đơn thuần kết hợp với điều trị thuốc theo phác đồ thường quy 30 ngày. Kết quả nghiên cứu nhận thấy bệnh nhân chóng mặt ngoại biên có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ≥ 40 tuổi chiếm tỷ lệ cao, tuổi khởi phát chóng mặt trung bình là 50 ± 15,4 tuổi; bệnh gặp ở nhiều nghề nghiệp khác nhau và có khuynh hướng xảy ra ở nữ giới, tỷ lệ nam giới: nữ giới là 1: 2,75; chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là nguyên nhân thường gặp nhất, xảy ra khi thay đổi chuyển động đầu, chóng mặt kiểu xoay tròn và thường đi kèm cảm giác bồng bềnh, buồn nôn, nôn và đổ mồ hôi. Sau đợt điều trị mức độ cải thiện chóng mặt của bệnh nhân ở cả 2 nhóm đều có kết quả tốt và có ý nghĩa thống kê (p < 0,05), không ghi nhận trường hợp nào không cải thiện hoặc nặng hơn so với trước điều trị; hiệu quả điều trị tăng theo số giờ điều trị; nhóm điều trị OXCA kết hợp với thuốc có tỷ lệ cải thiện cao hơn và thời gian cải thiện nhanh hơn nhóm điều trị OXCA đơn thuần (p < 0,05), tuy nhiên sau 30 ngày điều trị sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). 

Đồng thời, trong những năm qua các đơn vị nghiên cứu và điều trị OXCA của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã khám và điều trị cho hơn 300.000 lượt bệnh nhân bằng liệu pháp OXCA. Qua quá trình nghiên cứu và điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi rút ra một số nhận xét sau:
- Đối với các bệnh giảm áp, ngộ độc khí CO, vết thương lâu liền, biến chứng do xạ trị ở bệnh nhân ung thư,… OXCA là phương pháp điều trị đặc hiệu, đạt hiệu quả cao nhất, giải quyết được cơ chế bệnh sinh.
- Đối với các bệnh thiếu máu cơ tim, thiểu năng tuần hoàn não, tai biến mạch máu não, bệnh động mạch chi dưới, điếc đột ngột, tắc động mạch trung tâm võng mạc, mất ngủ, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh,… OXCA là phương pháp điều trị kết hợp cho kết quả cao.
- Đối với bệnh nhân điều dưỡng, OXCA góp phần hồi phục sức khỏe nhanh, đặc biệt là các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, làm việc trí óc căng thẳng, lao động thể lực nặng, cường độ cao.
Như vậy, với các tác dụng ưu việt như trên, liệu pháp OXCA có nhiều triển vọng ứng dụng rộng rãi trong điều trị và điều dưỡng bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước nói chung và quân đội nói riêng. 

Địa chỉ liên hệ Trung tâm OXCA: Số 3 đường 3 tháng 2, phường 11, quận 10, TP. Hồ Chí Minh;
    Điện thoại: 0913 715 986    Email: npnam1972@yahoo.com.vn
ThS. BS. Nguyễn Phương Nam, Trung tâm OXCA, Chi nhánh Phía Nam, TTNĐ Việt - Nga