Lần đầu tiên thu được mẫu giao tử san hô từ tự nhiên tại Việt Nam
08/11/2024Trong những nỗ lực tìm ra phương pháp tái tạo và phục hồi bền vững các rạn san hô, nhóm nghiên cứu Phòng Sinh thái nhiệt đới thuộc Chi nhánh Ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã đạt được một kết quả đáng tự hào: lần đầu tiên tại Việt Nam, mẫu giao tử san hô được thu thành công từ tự nhiên tại khu vực Hòn Chồng, Vịnh Nha Trang. Đây không chỉ là bước tiến mới trong nghiên cứu sinh sản hữu tính của san hô ở nước ta mà còn là minh chứng cho một hành trình đầy gian nan, đòi hỏi sự kiên trì, đam mê và không ngại hiểm nguy của các nhà khoa học mặc áo lính.
“Mật phục” giữa lòng đại dương
Từ trước đến nay, Việt Nam chủ yếu sử dụng phương pháp sinh sản vô tính (hay còn gọi là “phân mảnh san hô”) để nhân giống san hô. Tuy dễ thực hiện nhưng phương pháp này lại thiếu tính bền vững, đặc biệt khi các rạn san hô đang dần suy kiệt và mỗi loài san hô chỉ phù hợp với một số khu vực biển nhất định (dựa vào điều kiện môi trường nước, địa hình nền đáy, dòng chảy…). Ngược lại, sinh sản hữu tính - quá trình kết hợp trứng và tinh trùng từ hai cá thể khác nhau - giúp tạo ra san hô non nhiều trên phạm vi rộng, tăng tính đa dạng di truyền, đồng thời tạo ra thế hệ san hô mới khỏe mạnh và thích ứng tốt hơn với môi trường như sự gia tăng nhiệt độ nước biển, axit hóa đại dương, và các bệnh dịch, từ đó giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng của quần thể san hô trong điều kiện biến đổi khí hậu mạnh.
Thành viên nhóm nghiên cứu ghi lại cảnh san hô đẻ trứng. (Ảnh: Đặng Đỗ Hùng Việt).
Tuy nhiên, mỗi loài san hô sinh sản hữu tính với chu kỳ rất đặc biệt, đa phần chỉ xảy ra một lần trong năm, thường vào những đêm trăng tròn với thời gian kéo dài chỉ vài phút. Do đó, để nắm bắt được thời khắc san hô sinh sản, các nhà khoa học phải thực hiện hàng trăm cuộc lặn biển vào ban đêm, đối mặt với vô số hiểm nguy và bất trắc nơi biển sâu. Nhưng như những “bà đỡ” tận tụy giữa lòng đại dương, các nhà khoa học vẫn miệt mài theo dõi từng đêm, chờ đợi giây phút sự sống san hô bắt đầu, quyết tâm không để lỡ khoảnh khắc quý giá nào.
Bắt trọn khoảnh khắc diệu kỳ
Tiến sĩ Đặng Đỗ Hùng Việt, trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Trong quá trình nghiên cứu, dù có nhiều lo lắng, nhưng với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, chúng tôi luôn tin rằng thành công sẽ đến”.
Mẫu giao tử san hô thu được. (Ảnh: Đặng Đỗ Hùng Việt).
Đáp lại những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà khoa học, lần đầu tiên khoảnh khắc san hô phóng thích trứng và tinh trùng ra môi trường biển tại Hòn Chồng, Nha Trang đã được ghi lại. Đây cũng là lần đầu tiên tại nước ta, các nhà nghiên cứu thu được mẫu giao tử từ các cá thể san hô ngoài tự nhiên. “Đúng dịp 30/4, khi mọi người đang nghỉ lễ, chúng tôi vẫn miệt mài lặn biển. Thật may mắn, chúng tôi đã thu được những kết quả quý giá, gồm những giao tử và nhiều hình ảnh, video ghi lại quá trình sinh sản của san hô”, Tiến sĩ Việt cho biết.
San hô giải phóng giao tử. (Ảnh: Đặng Đỗ Hùng Việt).
Vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc như khi được chứng kiến khoảnh khắc đó, Thạc sỹ Hoàng Ngọc Lâm hào hứng chia sẻ: “Khi ấy, chúng tôi gần như vỡ òa, muốn nhảy lên vì vui sướng. Sau nhiều đêm dài chờ đợi, cuối cùng, khoảnh khắc kỳ diệu mà chúng tôi khao khát chứng kiến - san hô đẻ trứng - đã diễn ra ngay trước mắt. Đây là một hiện tượng vô cùng độc đáo, một kỳ quan sống động mà không phải ai cũng may mắn được tận mắt chứng kiến”.
Có thể thấy, khoảnh khắc kỳ diệu ấy không chỉ là thành quả của một quá trình “vượt ngàn chông gai” mà còn là động lực để các nhà khoa học tiếp tục hành trình bảo vệ và hồi sinh các rạn san hô đang dần suy kiệt.
Kỳ vọng phục hồi san hô và hy vọng bảo tồn hệ sinh thái biển
Trong quá trình lặn đêm, nhóm nghiên cứu không chỉ có cơ hội chứng kiến san hô sinh sản mà còn có cơ hội đắm chìm vào và cảm nhận thế giới kỳ bí của đại dương, điều mà họ miêu tả là “kỳ diệu và thôi thúc lòng yêu biển sâu sắc”. Mỗi thành viên của nhóm nghiên cứu đều hy vọng rằng thành quả này sẽ truyền cảm hứng cho cộng đồng cùng chung tay bảo vệ các rạn san hô nói riêng và môi trường sinh thái biển nói chung. Đại tá Nguyễn Như Hưng - Giám đốc Chi nhánh Ven biển nhấn mạnh: “Thành tích đáng tự hào này không chỉ dành cho các nhà khoa học, mà còn là lời kêu gọi cộng đồng cùng góp sức bảo vệ môi trường biển Việt Nam”.
Rạn san hô - “cái lõi của biển cả”, là nơi trú ẩn và cung cấp nguồn sống cho hàng ngàn loài sinh vật biển. Hệ sinh thái rạn san hô không chỉ mang lại vẻ đẹp tự nhiên đầy quyến rũ mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái của đại dương. Với những dữ liệu và mẫu giao tử đầu tiên thu được, nhóm nghiên cứu kỳ vọng sẽ phát triển thành công phương pháp nhân giống hiệu quả, bền vững hơn, chủ động nguồn giống san hô cho các dự án phục hồi quy mô lớn trong thời gian tới.
Thiết bị thu giao tử. (Ảnh: Đặng Đỗ Hùng Việt).
Hành trình khó khăn và đầy cảm hứng của các nhà khoa học Chi nhánh Ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga là biểu tượng mạnh mẽ cho sự kiên trì và lòng đam mê đối với sứ mệnh phục hồi san hô khi mà “những khu rừng dưới đáy biển” đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và các tác động nhân sinh. Bước tiến mới này là tiền đề quan trọng cho các dự án phục hồi và tái tạo rạn san hô, mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn hệ sinh thái biển Việt Nam.
Tin bài: Ngọc Nguyễn
Xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả phim tài liệu “Bà đỡ của san hô” do Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội thực hiện.
* Ảnh sử dụng trong bài từ đề tài cấp cơ sở của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga “Nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản của san hô giống Acropora tại khu vực Hòn Chồng, Thành phố Nha Trang”.
Bài viết liên quan