<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Nghiệm thu đề tài về nghiên cứu phục hồi trạng thái chức năng cơ thể của thủy thủ tàu ngầm

28/02/2024

Chiều ngày 27 tháng 02 năm 2024, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài KH&CN cấp Trung tâm: “Nghiên cứu hiệu quả phục hồi trạng thái chức năng cơ thể của thủy thủ tàu ngầm bằng phương pháp phản hồi sinh học sau chuyến đi biển dài ngày”; đề tài do Viện Y sinh nhiệt đới chủ trì, đồng chí Thiếu tá, TS. Nguyễn Mậu Thạch làm chủ nhiệm.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ. Đại diện đơn vị phối hợp có Thủ trưởng Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm và cán bộ Phòng Quân y/Cục Hậu cần Quân chủng Hải quân.

Quang cảnh phiên họp.

Hoạt động nghề nghiệp của thủy thủ tàu ngầm (TTTN) là một loại hình lao động đặc biệt với điều kiện lao động khắc nghiệt. Các chuyến đi biển dài ngày với áp lực lớn cho cơ thể, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần và thể chất của lực lượng này. Tuy nhiên, TTTN cần phải duy trì trạng thái chức năng tối ưu của cơ thể để đảm bảo khả năng hoạt động hiệu quả trong môi trường khắc nghiệt của tàu ngầm. Sức khỏe và sự chịu đựng của họ phải được duy trì và nâng cao để đối mặt với các tác động về sức khỏe do những chuyến đi biển dài ngày gây ra. Trong khi đó, sự ổn định về tinh thần và thể chất của thủy thủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động an toàn và hiệu quả của tàu ngầm. Do vậy, việc phục hồi trạng thái chức năng của cơ thể TTTN không chỉ là vấn đề sức khỏe cá nhân TTTN mà còn ảnh hưởng đến an toàn và hiệu suất hoạt động của toàn bộ tàu ngầm, cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá hiệu quả phục hồi trạng thái chức năng cơ thể của TTTN bằng phương pháp luyện tập phản hồi sinh học sau chuyến đi biển dài ngày và xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn luyện tập nhằm hỗ trợ phục hồi cho TTTN. 

Đồng chí Nguyễn Mậu Thạch báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng.

Qua quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài chứng minh hiệu quả rõ rệt của bổ sung liệu pháp phục hồi bằng luyện tập phản hồi sinh học trong điều kiện an điều dưỡng đối với TTTN, cụ thể: tăng cường khả năng thích nghi với thay đổi môi trường, cải thiện mức độ trạng thái chức năng cơ thể, tăng mức độ dự trữ chức năng và cải hiện mức độ hoạt động của các hệ điều hòa. Từ việc chứng minh được hiệu quả phục hồi, nhóm thực hiện đề tài đã biên soạn được bộ tài liệu “Hướng dẫn công tác phục hồi trạng thái chức năng cơ thể của thủy thủ tàu ngầm bằng phương pháp luyện tập phản hồi sinh học” dành cho cán bộ quân y và TTTN. Bộ tài liệu bao gồm: Quy trình kiểm tra, đánh giá trước và luyện tập (sử dụng thiết bị đánh giá tâm sinh lý UPFT-1/30, máy đo huyết áp), Quy trình thực hiện luyện tập phục hồi trên hệ thống phản hồi sinh học Reacor. Kết quả của nghiên cứu được công bố trên 03 tạp chí chuyên ngành trong nước và 01 tạp chí thuộc danh mục VAK của Liên bang Nga.

Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá kết quả đề tài.

Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng đánh giá việc nghiên cứu và bổ sung phương pháp phục hồi trạng thái chức năng của cơ thể bằng luyện tập phản hồi sinh học trên thiết bị Reacor trong điều kiện an điều dưỡng giúp cải thiện các chỉ số trạng thái chức năng cơ thể của thủy thủ; bộ tài liệu Hướng dẫn công tác phục hồi được biên soạn chi tiết và sẵn sàng chuyển giao cho Quân chủng Hải quân áp dụng để hỗ trợ phục hồi sức khỏe cho các thủy thủ trong thời gian an điều dưỡng. Do đó, nghiên cứu này mang ý nghĩa thiết thực để đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất hoạt động của thủy thủ tàu ngầm trong môi trường làm việc đặc biệt của họ.

Trong buổi họp, đại diện Phòng Quân y Quân chủng Hải quân đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga trong thời gian qua đối với lực lượng Hải quân, đặc biệt là đối với TTTN, nhấn mạnh hiệu quả của đề tài và khẳng định tầm quan trọng của kết quả nghiên cứu này đối với công tác quân y Hải quân. Đại diện đơn vị phối hợp, đồng chí Giám đốc Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm cũng đánh giá cao các kết quả thu được từ nghiên cứu của đề tài đối với TTTN trong điều kiện an điều dưỡng, bày tỏ mong muốn Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga sẽ tiếp tục có thêm nhiều nghiên cứu ứng dụng khác nhằm hỗ trợ bảo đảm sức khỏe cho lực lượng TTTN.

Kết thúc buổi làm việc, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài và đánh giá xếp loại mức “Đạt yêu cầu”; đề nghị đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm dạng tài liệu, trình Thủ trưởng Trung tâm phê duyệt công nhận kết quả theo quy định./.

Một số hình ảnh nghiên cứu:

Đánh giá nhanh trạng thái chức năng cơ thể của TTTN bằng thiết bị UPFT-1/30. (Ảnh: Nguyễn Mậu Thạch).

Hướng dẫn TTTN làm quen với phương pháp luyện tập trên hệ thống Reacor. (Ảnh: Nguyễn Mậu Thạch).

Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học kiểm tra tại địa điểm nghiên cứu. (Ảnh: Nguyễn Mậu Thạch).

Tin bài: Phòng TTKHQS