<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Nghiệm thu đề tài về tạo lập vườn san hô nhân tạo tại khu vực Đầm Báy, Nha Trang

23/02/2024

Chiều ngày 23 tháng 02 năm 2024, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp Trung tâm: “Tạo lập vườn san hô nhân tạo tại khu vực Đầm Báy, Nha Trang, sử dụng các giá thể dạng vòm Reefball” do Chi nhánh Ven biển là đơn vị chủ trì, đồng chí Trung tá, TS. Vũ Việt Dũng làm chủ nhiệm.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị; tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện đề tài. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu Chi nhánh Ven biển.

Quang cảnh phiên họp tại Hà Nội.

Trong bối cảnh hiện nay, biến đổi khí hậu và các hoạt động nhân sinh đang đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái rạn san hô. Để góp phần giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu thuộc Chi nhánh Ven biển/Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã tiến hành thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của phương pháp phục hồi san hô sử dụng giá thể Reefball tại khu vực Trạm Nghiên cứu và Thử nghiệm biển Đầm Báy, đảo Hòn Tre, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây là phương pháp đã và đang được áp dụng trên thế giới và nhận được sự công nhận, đánh giá cao từ cộng đồng khoa học và bảo vệ môi trường vì các lợi ích quan trọng mà nó mang lại.

Reefball là những cấu trúc nhân tạo được thiết kế để mô phỏng môi trường sống tự nhiên của san hô. Chúng được làm từ vật liệu không độc hại và có độ bền cao, như bê tông chống nứt, để chịu được áp lực của sóng biển và tạo ra một môi trường lý tưởng cho san hô và các sinh vật khác.

Các Reefball trên đường vận chuyển ra khu vực thử nghiệm. Ảnh: Việt Dũng.

Môi trường tại khu vực Đầm Báy được đánh giá là thuận lợi để phục hồi san hô cứng. San hô được lựa chọn trồng tạo lập vườn san hô bao gồm 5 loài, trong đó 4 loài thuộc giống Acropora, bao gồm Acropora hyacinthus, Acropora formosa, Acropora nobilis, Acropora latistella và một loài thuộc giống Pocillopora, Pocillopora verrucosa, đây là các loài đã được trồng thử nghiệm trước đây tại khu vực này và có hiệu quả phát triển tốt.

Tại đây, nhóm nghiên cứu đã tạo lập được một vườn san hô gồm 3 phân khu, mỗi phân khu có 40 giá thể Reefball. Trong đó, phân khu I và II cấy san hô trên giá thể, phân khu III chỉ đặt giá thể nhằm đánh giá đa dạng sinh học bên trên và xung quanh rạn nhân tạo. Các giá thể đặt tại độ sâu từ 4 đến 6 m. Các yếu tố môi trường xung quanh như nhiệt độ nước bề mặt, độ muối, hàm lượng oxy hòa tan, độ pH, độ trong của nước, hàm lượng NH4+ VÀ NO3-, hàm lượng chất hữu cơ sa lắng được đánh giá phù hợp cho nghiên cứu.

Tại khu vực I, 340 tập đoàn san hô của 5 loài được trồng trên giá thể Reefball từ tháng 7/2022 và được đánh giá vào tháng 8/2023. Tại khu vực II, tiến hành trồng 200 tập đoàn san hô của 5 loài san hô trên giá thể từ tháng 02 năm 2023 và tiến hành đánh giá vào tháng 12 năm 2023.

Trồng và phục hồi san hô trên Reefball tại khu vực nghiên cứu. Ảnh: Việt Dũng.

Sau thời gian nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã thu được những kết quả chính như sau:

Về tỷ lệ sống và sinh trưởng: Tỷ lệ sống của san hô phục hồi trên Reefball dao động từ 64,71% đến 79,41%, với tỷ lệ sống trung bình đạt 69,41%. Loài san hô Pocillopora verrucosa có tỷ lệ sống cao nhất là 79,41%, trong khi loài Acropora formosa có tỷ lệ sống thấp nhất là 64,71%. Tốc độ sinh trưởng trung bình của các loài san hô khác nhau, từ 6,67 mm/tháng đến 9,57 mm/tháng, trong đó: Tốc độ sinh trưởng của loài Acropora nobilis trung bình 7,72 mm/tháng, loài Acropora formosa trung bình 6,67 mm/tháng; san hô dạng bàn Acropora latistella trung bình đạt 9,57 mm/tháng, loài Acropora hyacinthus trung bình đạt 7,75 mm/tháng và loài san hô dạng khối Pocillopora verruscosa có tốc độ sinh trung bình đạt 7,92 mm/tháng.

Về mức độ đa dạng thành phần loài sinh vật: Chỉ số đa dạng sinh học ở 3 phân khu được ghi nhận khác nhau sau khi giá thể Reefball được đặt xuống. Có sự khác biệt trong thành phần loài cá ở 3 phân khu này, đặc biệt là phân khu I và II, nơi có sự đa dạng cao hơn các loài cá rạn so với phân khu III không trồng san hô.

Cá biển tại một Reefball trong khu vực nghiên cứu. Ảnh: Việt Dũng.

Về phục hồi ấu trùng san hô: Sau 1 năm phục hồi, có 325 ấu trùng san hô định cư trên 34 giá thể Reefball, với trung bình 9,56 ấu trùng/giá thể. Ấu trùng chủ yếu tập trung trên bề mặt thẳng đứng của giá thể, và loài Pocillopora verruscosa chiếm đa số với 69,85% và 227 ấu trùng.

Giá thể Reefball cho thấy khả năng hiệu quả trong việc thu hút và hỗ trợ sự phát triển các ấu trùng san hô tại khu vực Đầm Báy, vịnh Nha Trang.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đóng góp ý kiến, nhận xét đánh giá và đưa ra những câu hỏi thảo luận cần làm rõ hơn cho nhóm thực hiện đề tài. Hội đồng đánh giá nghiên cứu này chứng minh giá thể Reefball là một công cụ hiệu quả trong việc phục hồi và tăng cường sinh thái san hô tại khu vực Đầm Báy, vịnh Nha Trang. Sự thành công của việc đặt giá thể không chỉ làm tăng tỷ lệ sống và tốc độ sinh trưởng của san hô mà còn tạo ra một môi trường sống đa dạng, hỗ trợ cả cho loài san hô và cá. Đây là một bước quan trọng trong nỗ lực bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái biển, mang lại hy vọng cho tương lai của san hô trong việc thích ứng với những thách thức môi trường hiện nay.

Đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu đặt ra, các sản phẩm cơ bản đầy đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo thuyết minh đề cương đã được TTNĐ Việt - Nga phê duyệt. Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài, đánh giá ở mức “Đạt” và yêu cầu đơn vị chủ trì, chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng, hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm dạng tài liệu, trình Thủ trưởng Trung tâm phê duyệt công nhận kết quả theo quy định./.

Tin bài: Phòng TTKHQS