<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học về nghiên cứu đa dạng thành phần loài rết (Chilopoda) tại một số Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên

08/12/2022

Sáng ngày 08 tháng 12 năm 2022, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN thuộc chương trình nghiên cứu KH&CN do Uỷ ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt: “Nghiên cứu đa dạng thành phần loài rết (Chilopoda) tại các Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, Hoàng Liên và các khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, Tà Xùa, Mường Nhé, Pù Hoạt”, do Viện Sinh thái nhiệt đới là đơn vị chủ trì; đồng chí Đại uý, ThS. Lê Xuân Sơn làm chủ nhiệm.

https://trungtamnhietdoivietnga.com.vn/Upload/news/dsc00586.jpg

Quang cảnh buổi nghiệm thu.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ.

https://trungtamnhietdoivietnga.com.vn/Upload/news/untitled.jpg

Đại tá, TS. Phạm Duy Nam chủ trì buổi nghiệm thu.

Xuất phát từ tình hình thực tế là dẫn liệu về các loài rết ở các khu vực Vườn quốc gia (VQG) Phia Oắc - Phia Đén, Hoàng Liên và các Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Thượng Tiến, Tà Xùa, Mường Nhé, Pù Hoạt nói riêng và ở Việt Nam nói chung còn rất ít, hứa hẹn còn nhiều loài chưa được khám phá. Do đó, việc nghiên cứu đầy đủ về đa dạng và phân bố của rết, làm cơ sở cho các nghiên cứu ứng dụng của rết trong tương lai là vô cùng cần thiết.

Mục tiêu của nhiệm vụ là xác định thành phần loài và đặc điểm phân bố của các loài rết ở các VQG Phia Oắc - Phia Đén, Hoàng Liên và các khu BTNN Thượng Tiến, Tà Xùa, Mường Nhé, Pù Hoạt.

https://trungtamnhietdoivietnga.com.vn/Upload/news/dsc00585.jpg

Đồng chí Đại uý, ThS. Lê Xuân Sơn báo cáo kết quả nghiên cứu trước hội đồng.

Đại diện nhóm nghiên cứu, đồng chí Đại uý, ThS. Lê Xuân Sơn đã báo cáo với Hội đồng những kết quả chính đã đạt được của nhiệm vụ. Cụ thể:

- Ghi nhận 48 loài/phân loài rết của 18 giống, 08 họ, 04 bộ trong tổng số 604 mẫu vật thu thập được tại các địa điểm nghiên cứu. Trong đó, bộ Scolopendromorpha đa dạng nhất với 28 loài/phân loài, bộ Lithobiomorpha có 11 loài, bộ Geophilomorpha có 07 loài và bộ Scutigeromorpha có 02 loài.

- Ghi nhận mới 01 giống, 14 loài/phân loài cho khu hệ rết ở Việt Nam. Ghi nhận mới cho VQG Hoàng Liên17 loài; VQG Phia Oắc - Phia Đén28 loài; Khu BTTN Tà Xùa 16 loài; Khu BTTN Thượng Tiến 23 loài; Khu BTTN Mường Nhé 16 loài và Khu BTTN Pù Hoạt 21 loài.

- Công bố 01 loài mới cho khoa học, được đặt tên là Scolopocryptops hoanglieni. Các mẫu vật được thu thập ở VQG Hoàng Liên và Khu BTTN Bát Xát. Tên của loài mới được đặt theo tên dãy núi Hoàng Liên. Công trình công bố loài mới đã được chấp nhận đăng trên Tạp chí Zootaxa.

- Sinh cảnh rừng cây gỗ đa dạng loài cao nhất với 40 loài; tiếp đến là sinh cảnh rừng hỗn giao gỗ - tre nứa với 37 loài; sinh cảnh rừng tre nứa 29 loài, kém đa dạng nhất là sinh cảnh khu dân cư đất - nông nghiệp với 16 loài.

- Ở đai độ cao 600 - 1.000 m và 1.000 m - 1.600 m có số loài lần lượt ghi nhận được là 39 và 36 loài. Đai độ cao dưới 600 m có 27 loài, đai độ cao 1.600 - 2.600 m chỉ ghi nhận 20 loài.

- Tại VQG Phia Oắc Phia Đén và Khu BTTN Thượng Tiến đa dạng nhất với 28 loài. Tiếp theo là khu BTTN Tà Xùa: 27 loài, VQG Hoàng Liên và Khu BTTN Pù Hoạt lần lượt là 24 và 22 loài, khu BTTN Mường Nhé chỉ có 16 loài.

- Mô tả đặc điểm định loại hình thái cho 48 loài/phân loài tại các địa điểm nghiên cứu. Giải trình tự gen ti thể COI cho 41 mẫu rết của giống Otostigmus và 35 mẫu của giống Scolopocrypstops. Bước đầu đánh giá khoảng cách di truyền và xây dựng cây phát sinh loài.

- Công bố 03 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus và 02 bài báo trên tạp chí uy tín trong nước. 

https://trungtamnhietdoivietnga.com.vn/Upload/news/dsc00621.jpg

Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá và đóng góp ý kiến cho báo cáo tổng kết nhiệm vụ.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe đồng chí chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo kết quả đạt được của nhiệm vụ, Hội đồng đánh giá đề tài đã hoàn thành xuất sắc về số lượng và chất lượng của các sản phẩm, một số nội dung vượt chỉ tiêu. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn và giám sát đa dạng sinh học. Các kết quả này không chỉ đóng góp cho khoa học trong nước mà còn trên toàn thế giới. Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ và đánh giá mức “Xuất sắc”; đề nghị đơn vị chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm dạng tài liệu, trình Thủ trưởng Trung tâm phê duyệt công nhận kết quả theo quy định.

Một số hình ảnh hoạt động nghiên cứu:

https://trungtamnhietdoivietnga.com.vn/Upload/news/tieu-ban.jpg

Tin bài: Nguyễn Xuân Ngọc (P.TTKHQS)