<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Nghiệm thu nhiệm vụ Nghiên cứu chế tạo lớp phủ trong suốt bảo vệ vật liệu khỏi lão hóa do tia UV

23/04/2024

Sáng ngày 11 tháng 4 năm 2024, tại Viện Độ bền Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở: “Nghiên cứu chế tạo lớp phủ trong suốt bảo vệ vật liệu khỏi lão hóa do tia UV”; nhiệm vụ do Phòng Thử nghiệm tổng hợp chủ trì, đồng chí Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Ngọc làm chủ nhiệm.
Đồng chí Thượng tá, TS. Hà Hữu Sơn, Phụ trách Viện Độ bền Nhiệt đới, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp; tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ.

 
Quang cảnh buổi nghiệm thu.

Một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay đối với các trang thiết bị đặt ngoài trời là lão hóa do bức xạ mặt trời gây ra. Nguồn bức xạ tia UV (hay còn gọi là tia cực tím) trong tự nhiên chính là một thành phần của bức xạ mặt trời, là một trong những nhân tố làm giảm đáng kể tuổi thọ, độ bền và hiệu quả hoạt của hầu hết các vật liệu và trang thiết bị. Điều này làm cho việc bảo vệ các vật liệu nhạy cảm với bức xạ mặt trời, chống lại sự chiếu xạ của tia UV trở thành một nhu cầu công nghệ quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, trong đó có công nghiệp quốc phòng. Phần lớn các thiết bị, công trình hiện nay đều được chế tạo bằng polymer, hoặc có thành phần polymer như sơn phủ, nhựa, cao su - loại vật liệu dễ bị tác động và phân hủy bởi tia UV.
Trên thế giới hiện nay có nhiều phương pháp nhằm cải thiện và giúp cho các thiết bị tránh được tác hại của tia UV: sử dụng lớp phủ bề mặt; sử dụng cách trộn vào vật liệu khi sản xuất hoặc phối trộn vào lớp sơn màu. Mỗi phương pháp có một lợi thế, phù hợp để áp dụng cho các trường hợp khác nhau. So với 2 phương pháp còn lại, việc sử dụng lớp phủ trong suốt chống tia UV cho phép ứng dụng linh hoạt trên nhiều loại vật liệu khác nhau, đồng thời cho phép kiểm soát tốt độ đồng đều phân tán của chất chống tia UV trên bề mặt lớp phủ mà không ảnh hưởng đến tính chất, màu sắc của vật liệu.

 
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Ngọc (bên phải) trong buổi nghiệm thu.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, đồng chí chủ nhiệm nhiệm vụ đã báo cáo trước Hội đồng một số kết quả chính thu được như sau: 
- Đã nghiên cứu tổng quan lý thuyết về lớp phủ trong suốt chống tia UV, vai trò của hệ phụ gia ổn định UV.
- Nghiên cứu chế tạo lớp phủ trong suốt chống tia UV, khảo sát và lựa chọn được thành phần tối ưu như polyurethane là thành phần nhựa nền cho lớp phủ trong suốt chống tia UV; khảo sát và lựa chọn tỷ lệ tối ưu nhựa acrylic polyol Desmophen A 160X so với chất đóng rắn polyisocyanate Desmodur N-3300; khảo sát và lựa chọn hệ phụ gia ổn định UV gồm Tinuvin 479 2% và Tinuvin 123 2%; khảo sát và lựa chọn tỷ lệ phụ gia phá bọt và phụ gia san phẳng tối ưu.
- Thử nghiệm khả năng bảo vệ chống tia UV: sau 800 giờ thử nghiệm, mức độ suy giảm độ bóng của lớp phủ đạt 10,09%.
- Nhiệm vụ đã xây dựng quy trình công nghệ pha chế dung dịch sơn, quy mô 01 kg/mẻ.
Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ được công bố trên 01 tạp chí khoa học trong nước.

 
Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá kết quả đề tài.

Trong buổi nghiệm thu, Hội đồng đã đánh giá tốt những kết quả thu được của nhóm thực hiện nhiệm vụ. Báo cáo tổng kết được trình bày rõ ràng, khoa học, thể hiện được nội dung và kết quả nghiên cứu, nhất là tính mới cũng như tính trọng tâm của các nội dung đã đặt ra. Kết quả thử nghiệm cho thấy lớp phủ tạo thành có chỉ tiêu chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra trong thuyết minh nhiệm vụ.
Đây là một trong những nghiên cứu quan trọng, góp phần vào việc mở rộng đối tượng ứng dụng cũng như những yêu cầu thực tiễn đang cấp thiết đối với lớp phủ trong suốt bảo vệ vật liệu khỏi lão hóa tia UV. Thời gian tới, nhóm thực hiện nhiệm vụ dựa trên cơ sở đạt được sẽ nghiên cứu cải tiến lớp phủ tối ưu hơn, để có thể đưa sản phẩm vào ứng dụng rộng rãi trong quốc phòng cũng như trong đời sống dân sinh.
Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ và đánh giá mức “Đạt yêu cầu”.

Tin bài: Viện ĐBNĐ