<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Ô nhiễm không khí làm thay đổi đường ruột của trẻ nhỏ và lý do tại sao điều đó quan trọng

18/09/2022

Theo nghiên cứu mới của Đại học Colorado Boulder (CU Boulder), việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong sáu tháng đầu đời tác động đến thế giới bên trong của trẻ gồm vi khuẩn hoặc hệ vi sinh vật đường ruột, có thể làm tăng nguy cơ dị ứng, béo phì và tiểu đường, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.

Ảnh: Internet.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Gut Microbes tháng này và là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa các chất ô nhiễm hít phải - chẳng hạn như từ giao thông, cháy rừng và công nghiệp - và những thay đổi về sức khoẻ vi sinh vật ở trẻ sơ sinh trong thời kỳ phát triển quan trọng này.

Nghiên cứu trước đây của cùng nhóm tác giả cho thấy kết quả tương tự ở những người trẻ tuổi.

Tác giả cấp cao Tanya Alderete, Phó giáo sư về Sinh lý học tích hợp tại CU Boulder cho biết: “Nghiên cứu này bổ sung vào nguồn tài liệu ngày càng tăng cho thấy rằng tiếp xúc với ô nhiễm không khí, ngay cả trong thời kỳ sơ sinh, có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển”.

Khi mới sinh, trẻ sơ sinh có ít vi khuẩn thường trú. Trong hai đến ba năm đầu đời, việc tiếp xúc với sữa mẹ, thức ăn đặc, thuốc kháng sinh và các ảnh hưởng từ môi trường khác sẽ hình thành các vi sinh vật có thể bám trụ. Những vi khuẩn đó và các chất chuyển hóa, hoặc các sản phẩm phụ, chúng tạo ra khi phân hủy thức ăn hoặc hóa chất trong ruột, ảnh hưởng đến một loạt các hệ thống cơ thể hình thành sự thèm ăn, độ nhạy insulin, khả năng miễn dịch, tâm trạng và nhận thức. Trong khi nhiều thành phần vi sinh có lợi thì một số lại có liên quan đến bệnh Crohn, bệnh hen suyễn, bệnh tiểu đường loại 2 và các bệnh mãn tính khác.

Maximilian Bailey, tác giả đứng đầu của nghiên cứu mới, giải thích: “Hệ vi sinh vật có vai trò trong hầu hết mọi quá trình sinh lý trong cơ thể và môi trường phát triển trong những năm đầu đời gắn bó với bạn”.

Thúc đẩy tình trạng viêm

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu phân từ 103 trẻ Latinh khỏe mạnh, chủ yếu được bú sữa mẹ tham gia vào nghiên cứu về sữa mẹ ở Nam California, và sử dụng giải trình tự gen để phân tích chúng.

Sử dụng địa chỉ đường phố và dữ liệu từ Hệ thống chất lượng không khí của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, nơi ghi lại dữ liệu hàng giờ từ các hệ thống giám sát, họ ước tính mức độ phơi nhiễm với PM2.5 và PM10 (các hạt mịn có thể hít phải từ những thứ như nhà máy, cháy rừng và công trường) và Nitrogen Dioxide (NO2), một loại khí chủ yếu được thải ra từ ô tô.

Alderete cho biết: “Nhìn chung, chúng tôi thấy rằng việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí xung quanh có liên quan đến tình trạng vi khuẩn đường ruột gây viêm nhiễm nhiều hơn, có thể góp phần gây ra toàn bộ các kết quả có hại cho sức khỏe trong tương lai”.

Ví dụ, trẻ sơ sinh với mức tiếp xúc PM2.5 cao nhất có ít hơn 60% vi khuẩn Phascolarctobacterium, một loại vi khuẩn có lợi được biết đến để giảm viêm, hỗ trợ sức khỏe đường tiêu hóa và hỗ trợ phát triển thần kinh. Những người tiếp xúc với PM10 ở mức cao nhất có 85% vi sinh vật Dialister, có liên quan đến chứng viêm.

Các cộng đồng khó khăn có nguy cơ cao hơn

Trong một nghiên cứu trước đây, Alderete phát hiện ra rằng những phụ nữ Latinh mang thai tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao hơn trong suốt thai kì có con phát triển nhanh bất thường trong tháng đầu tiên sau khi sinh, khiến chúng có nguy cơ béo phì và các bệnh liên quan sau này trong cuộc sống.

Trẻ sơ sinh đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những nguy cơ về sức khỏe do ô nhiễm không khí vì chúng thở nhanh hơn và hệ vi sinh vật đường ruột của chúng đang hình thành.

Họ viết: “Điều này khiến cho thời kỳ đầu đời trở thành thời điểm quan trọng khi mà việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”.

Các dân tộc thiểu số và cộng đồng thu nhập thấp, những người mà có xu hướng làm việc, sinh sống và học tập ở những vùng gần đường cao tốc hoặc nhà máy hoạt động với tần suất lớn, thậm chí còn có nguy cơ cao hơn. Một nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường năm 2018 cho thấy các cộng đồng da màu tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí nhiều hơn 1,5 lần so với các cộng đồng da trắng.

Alderete, người hy vọng nghiên cứu của mình sẽ tác động đến các nhà hoạch định chính sách để di chuyển các trường học và các dự án nhà ở giá rẻ ra khỏi các nguồn ô nhiễm, cho biết: “Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tác động của ô nhiễm đối với các cộng đồng khó khăn và chỉ ra các bước bổ sung mà tất cả các gia đình có thể thực hiện để bảo vệ sức khỏe của họ”.

Các tác giả cảnh báo rằng cần phải nghiên cứu thêm để xác định xem liệu những thay đổi trong ruột ở trẻ sơ sinh có tác động lâu dài hay không và những thay đổi đó là gì. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành.

Trong khi đó, Alderete khuyên mọi người nên thực hiện các bước sau để giảm thiểu việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm cả trong nhà và môi trường bên ngoài:

- Tránh đi bộ ngoài trời ở những khu vực mật độ giao thông cao;

- Xem xét một hệ thống lọc không khí chi phí thấp, đặc biệt đối với các phòng mà trẻ em dành nhiều thời gian ở;

- Nếu bạn đang nấu ăn, hãy mở cửa sổ;

- Và đối với những người mới làm mẹ, hãy cho con bú càng lâu càng tốt.

Alderete nói: “Sữa mẹ là một cách tuyệt vời để phát triển một hệ vi sinh vật khỏe mạnh và có thể giúp bù đắp một số tác động xấu do tiếp xúc với môi trường.

Nguồn: https://www.colorado.edu

Dịch: P.TTKHQS