Phát hiện 2 loài nấm phát quang tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh
06/05/2025Vườn quốc gia Bái Tử Long (VQG Bái Tử Long) nằm trong vùng vịnh Bái Tử Long, liền kề phía Bắc vịnh Hạ Long, thuộc huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. VQG có nhiều hệ sinh thái điển hình như rừng mưa lá rộng, rừng đá vôi, rừng duyên hải, vùng san hô và vùng nước nông.
Quá trình khảo sát sơ bộ khu hệ nấm lớn tại đảo Ba Mùn, VQG Bái Tử Long trong khuôn khổ đề tài: “Khu hệ nấm rừng nhiệt đới Việt Nam: đa dạng phân loại, sinh thái và cấu trúc, chức năng”, các nhà khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga bước đầu ghi nhận 2 loài nấm có khả năng phát quang thuộc họ Omphalotaceae: Omphalotus nidiformis và Neonothopanus nambi.
Quả thể nấm Omphalotus nidiformis và Neonothopanus nambi trong tự nhiên.
Omphalotus nidiformis hay còn gọi nấm ma là dạng quả thể hình quạt hoặc hình phễu, màu trắng hoặc màu kem hoặc xám hoặc hơi vàng (phụ thuộc vào nấm mọc trên loài cây gỗ mục nào), giữa mũ nấm thường có màu đậm hơn, khi già mép mũ nấm thường cuốn xuống, đường kính mũ 2-10 cm (tùy theo nấm non hay trưởng thành và tùy theo chất dinh dưỡng trong gỗ mục), phiến nấm màu trắng đến hơi vàng, hơi xám; cuống nấm thường đính lệch vào mũ, dài 2-4 cm, thịt nấm màu trắng. Nấm thường mọc trên cây gỗ mục trong rừng thành từng đám lớn. Đặc biệt, loài nấm này phát sáng trong đêm khi trời ẩm, sau cơn mưa, nhờ vào phản ứng hóa học giữa enzym luciferase và hợp chất luciferin, tạo ra ánh sáng xanh dịu nhẹ tương tự như ánh sáng của đom đóm. Hiện tượng này khiến chúng trở thành một trong những loài nấm kỳ bí nhất thế giới.
Tương tự như loài Omphalotus nidiformis, khả năng phát quang sinh học của Neonothopanus nambi cũng là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của loài này. Loài này phát ra ánh sáng màu xanh lục, chủ yếu được quan sát thấy ở sợi nấm và quả thể, khiến chúng trở thành đối tượng đặc biệt trong nghiên cứu khoa học. Năm 2019, với việc làm sáng tỏ các cơ chế di truyền và phân tử cơ bản cho quá trình phát quang sinh học của loài này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, làm nổi bật sự hiện diện của một loại protein mới có tên gọi luciferase, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát quang. Khám phá này không chỉ thúc đẩy sự hiểu biết của chúng ta về quá trình phát quang sinh học của nấm mà còn mở ra những hướng đi mới cho các ứng dụng công nghệ sinh học, bao gồm việc tạo ra các loài thực vật phát quang sinh học như đã được chứng minh bằng việc biến đổi gen cây thuốc lá vào năm 2020.
Dù vẻ ngoài hấp dẫn, Omphalotus nidiformis và Neonothopanus nambi không ăn được vì chứa độc tố gây ngộ độc đường tiêu hóa nghiêm trọng. Nếu ăn phải, nạn nhân có thể bị đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy dữ dội. Chúng có hình dạng khá giống nấm sò (Pleurotus), một loại nấm ăn được phổ biến, nên cần thận trọng khi nhận diện.
Nấm Omphalotus nidiformis trong tối có chiếu đèn và tối hoàn toàn.
Nấm Neonothopanus nambi trong tối có chiếu đèn và tối hoàn toàn.
Tin bài và ảnh: TS. Phạm Thị Hà Giang/Viện Sinh thái nhiệt đới
Bài viết liên quan