<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Phát hiện loài Rắn hổ mây mới tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên- tỉnh Thanh Hoá

29/07/2022

Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Xuân Liên có tổng diện tích hơn 27.000 ha, nằm giáp ranh với tỉnh Nghệ An và gần biên giới Việt Nam - Lào. Đây là một trong những khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh học quý giá của Việt Nam với nhiều loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Đầu tháng 6 năm 2022, các nhà khoa học Đoàn nghiên cứu hỗn hợp Việt - Nga (Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và Trường Đại học Tổng hợp Moscow, Liên bang Nga) cùng với các cán bộ khoa học KBTTN Xuân Liên đã tiến hành khảo sát khu hệ bò sát - lưỡng cư tại các sinh cảnh khác nhau thuộc KBTTN Xuân Liên (Bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân).

Các loài bò sát - lưỡng cư được tìm kiếm và ghi nhận tại những địa điểm sinh sản (vùng nước, đầm lầy, suối…) và các nơi sinh sống khác (dưới các mảnh gỗ, hốc đá, vỏ cây…). Hình ảnh các loài bò sát - lưỡng cư được ghi bằng máy ảnh Nikon D-610 với ống kính Macro Nikon AF-S Micro NIKKOR 105 mm. Tiếng kêu của ếch nhái được thu bằng máy ghi âm ZOOM. Thời điểm khảo sát trùng với đầu mùa mưa, có nhiều loài ếch nhái đang trong thời kỳ sinh sản, đối với nhiều loài trong số chúng có phát tiếng kêu và xuất hiện nòng nọc.

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, các nhà khoa học Đoàn nghiên cứu hỗn hợp Việt - Nga đã ghi nhận được tổng cộng 42 loài bò sát - lưỡng cư (5 loài thằn lằn, 9 loài rắn và 28 loài ếch nhái) trong khu vực nghiên cứu. Đáng chú ý trong số các loài lưỡng cư, đã ghi nhận loài Cóc mày Pù Hoạt (Leptobrachella puhoatensis) tại KBTTN Xuân Liên. Loài Cóc mày Pù Hoạt thuộc họ Cóc bùn (Megophryidae) đã được các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Australia, Đại học Hồng Đức và Đại học Vinh phát hiện tại KBTTN Pù Hoạt (tỉnh Nghệ An) và công bố năm 2017. Như vậy, đây là khu vực lần đầu tiên đã phát hiện loài Cóc mày Pù Hoạt tại tỉnh Thanh Hoá và lần thứ hai tại Việt Nam.

Đặc biệt trong chuyến khảo sát này, lần đầu tiên ở Việt Nam tại KBTTN Xuân Liên các nhà khoa học đã phát hiện loài rắn có tên khoa học là Pareas geminatus, thuộc họ Rắn hổ mây (Pareidea). 

Hình 1. Rắn hổ mây Xuân Liên (Pareas geminatus)
Nguồn: Nikolay A. Poyarkov (Xuân Liên, 6/2022)

Hình 2. Rắn hổ mây Xuân Liên (Con đực trưởng thành): A - Toàn thân bên trên, 
            B - Toàn thân bên dưới, C - Đầu bên phải, D - Đầu bên trái, E - Đầu bên dưới
(Nguồn: Li Ding và Cộng sự, 2020)

Loài rắn Pareas geminatus có đặc điểm hình thái như thân mảnh, màu vàng nâu, dài cỡ trung bình (chiều dài 566 mm); hàng đốt sống trung gian hơi to ra; có 170 - 188 cơ bụng; các vạch sẫm màu dọc trên thân hơi nổi lên; hai sọc nhỏ màu đen sau hốc mắt bắt đầu từ mép dưới và mép trên của vảy sau hốc mắt; có sọc sau ổ mắt dưới đến phần trước của hàm trên; các sọc phía trên bên trái và bên phải hợp nhất tạo thành một vòng cổ màu sẫm (Hình 1 và 2). Loài này thường sinh sống trong các khu rừng nhiệt đới gió mùa, ở độ cao từ 1.160 m đến 2.280 m so với mực nước biển, cũng có thể bắt gặp ở khu vực rừng thứ sinh bị tác động mạnh. Trước đây, loài rắn Pareas geminatus đã được phát hiện ở khu vực Tam Giác Vàng, bao gồm phần cực nam của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phần tây bắc của Thái Lan và phần phía bắc của Lào. Theo tiếng Thái Lan gọi là Rắn ăn sên, tiếng Trung Quốc gọi là Rắn đầu tù (Li Ding và Cộng sự, 2020). Tại Việt Nam, loài này chưa có tên gọi chính thức, theo đề xuất của các nhà khoa học đã phát hiện loài này tại KBTTN Xuân Liên có thể đặt tên tiếng Việt Nam là “Rắn hổ mây Xuân Liên”. Theo tài liệu của Hoàng Ngọc Thảo và Cộng sự (2020), họ Rắn hổ mây tại vùng Bắc Trung Bộ mới chỉ ghi nhận 4 loài: Rắn hổ mây gờ (Pareas carinatus), Rắn hổ mây Ham-ton (Pareas hamptoni) và Rắn hổ mây ngọc (Pareas margaritophorus). Phát hiện mới loài Rắn hổ mây Xuân Liên (Pareas geminatus) đã bổ sung loài mới cho cho khu hệ bò sát - lưỡng cư khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng cũng như Việt Nam nói chung.

Tin bài và ảnh: TS. Lê Xuân Đắc, Viện Sinh thái Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga
 TS. Nikolay A. Poyarkov, Đại học Tổng hợp Moscow, Liên bang Nga
 ThS. Nguyễn Mậu Toàn, Phòng KH&HTQT, KBTTN Xuân Liên
 KS. Lê Quang Đạo, Phòng KH&HTQT, KBTTN Xuân Liên

Nguồn tài liệu:
1. Hoàng Ngọc Thảo, Ngô Đắc Chứng, Hoàng Xuân Quang (2020). Thành phần loài lưỡng cư, bò sát vùng Bắc Trung Bộ. TC Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 62(1), 1/2020: 28-35. 
2. Li Ding, Zening Chen, Chatmongkon Suwannapoom, Tan Van Nguyen, Nikolay A. Poyarkov, Gernot Vogel (2020). A new species of the Pareas hamptoni complex (Squamata: Serpentes: Pareidae) from the Golden Triangle. TAPROBANICA The Journal of Asian Biodiversity, 9(2): 174-193.
3. Rowley J.J.L., Q.V. Dau, T.T. Cao (2017). A new species of Leptolalax (Anura: Megophryidae) from Vietnam. Zootaxa 4273: 61-79.