<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Sưu tầm, bảo tồn và phát triển nguồn gen Sa mu dầu ở Việt Nam

30/09/2021

Sa mu dầu (Cunninghamia konishii) còn có nhiều tên gọi khác như: Sa mộc dầu, Ngọc Am, Sa mộc Quế Phong… là một loài cây quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (hiện nay đang được xếp vào Nhóm IA - Nhóm nguy cấp, quý, hiếm). Sa mu dầu là loài có gỗ nhẹ, chắc, thơm và có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, số lượng loài Sa mu dầu còn lại rất ít và phân bố trong những vùng sinh thái khá hẹp. Theo các dữ liệu khoa học và kết quả điều tra, nghiên cứu thì loài Sa mu dầu chỉ mới được ghi nhận phân bố ở một số khu vực hẹp với số lượng không nhiều thuộc các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Thanh Hóa và nhiều nhất tại Nghệ An (Khu BTTN Pù Hoạt).

Trước đây, nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học Đài Loan có khẳng định: Cunninghamia konishii là một loài đặc hữu ở Đài Loan phân bố ở độ cao trên 800m. Tại Việt Nam, trên thực tế Sa mu dầu mọc rải rác thành các quần thể nhỏ trong rừng nguyên sinh thuộc kiểu rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng - lá kim ẩm á nhiệt đới núi thấp hoặc núi trung bình chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam, độ cao trên 1000 m, nơi có độ dốc từ 12o đến 40o. Kết quả điều tra khảo sát năm 2020-2021 của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã ghi nhận sự phân bố tối ưu của loài với các điều kiện khí hậu như lượng mưa hàng năm khoảng 1.200 mm, lượng mưa trong giai đoạn thời tiết ấm nhất dao động từ 600 đến 800 mm, lượng mưa theo mùa từ 90 đến 100 mm, nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 12°C đến 19°C... Ngoài ra, loài này thích hợp với các nhóm đất là đất mùn, đất mùn vàng đỏ trên đá macma axít, đất mùn vàng nhạt trên đá cát, đất mùn đỏ vàng trên đá sét.

Sa mu dầu trong tự nhiên (Ảnh: Phạm Mai Phương, Vi Văn Tình, Vũ Đình Duy, 2020)

Quần thể Sa mu dầu lớn nhất Việt Nam tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Phạm Mai Phương, 2020)
Có thể nói, sự nảy mầm của hạt và sự sống sót của cây con trên các sinh cảnh rừng rất quan trọng đối với quá trình tái sinh tự nhiên cũng như việc nhân giống và phát tán hạt giống của các loài thực vật nói chung. Mặt khác, sự nảy mầm của hạt, sự phát triển của cây con và tỷ lệ sống sót bị chi phối bởi nhiều yếu tố bên trong, bên ngoài và là đặc trưng của loài.  Nó còn được coi như một yếu tố chọn lọc trong việc xác định di truyền của các cá thể trong tương lai. Trong hướng nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen loài thực vật quý hiếm trong hệ sinh thái rừng, nhóm các cán bộ nghiên cứu của Viện Sinh thái Nhiệt đới/TTNĐVN đã tiến hành nhiều nội dung nghiên cứu về khả năng chống chịu môi trường, thích nghi sinh thái, đa dạng di truyền… tại các khu vực phân bố của loài nhằm đề xuất biện pháp bảo tồn, phát triển. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với các cán bộ của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An), Trường Đại học Lâm nghiệp đã tiến hành  tuyển chọn hạt giống thuần loài Sa mu dầu thu từ tự nhiên, đánh giá khả năng nảy mầm, sinh trưởng và phát triển của loài trong vườn ươm.

 Kết quả bước đầu cho thấy, hạt Sa mu dầu được kiểm nghiệm có độ thuần trung bình đạt 70,3% và được xử lý ngâm nước ấm 60oC cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất 30,33%. Sử dụng hỗn hợp ruột bầu gồm 88% đất vườn + 10% phân chuồng hoai mục + 2% supe lân cho sinh trưởng lớn nhất. Công thức che sáng 25% cho sinh trưởng của cây Sa mu dầu trong giai đoạn vườn ươm đến 4 tháng tuổi có tỷ lệ sống cao nhất đến 96%.

Hoạt động phối hợp của Viện Sinh thái nhiệt đới/TTNĐVN và cán bộ Khu BTTN Pù Hoạt trong quản lý, bảo vệ nguồn gen loài Sa mu dầu (Ảnh: Nguyễn Văn Sinh và Phạm Mai Phương, 2020-2021)

Đến nay, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục theo dõi, trao đổi với cán bộ kỹ thuật, quản lý của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Nghệ An và xây dựng kế hoạch chuyển giao nguồn giống Sa mu dầu cho các cơ quan, đơn vị nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm của loài Sa mu dầu nói riêng và góp phần phục hồi, phát triển bền vững tài nguyên rừng của Việt Nam nói chung.Ông Nguyễn Văn Sinh (Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt) cho rằng: “Khu BTTN Pù Hoạt có thể được xem như là một trung tâm phân bố của loài Sa mu dầu ở Việt Nam. Đây là loài có giá trị và ý nghĩa rất lớn đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, loài cây quý hiếm này đang có nguy cơ đe dọa rất lớn nếu không có những nghiên cứu để đề xuất những giải pháp bảo tồn, phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Với những nghiên cứu theo hướng tiếp cận của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã và đang thực hiện sẽ mở ra những triển vọng lạc quan trong công tác bảo tồn và phát triển loài cây quý hiếm này”.

Mô hình vườn ươm sưu tầm, bảo tồn nguồn gen Sa mu dầu (Ảnh: Nguyễn Quốc Khánh, Hoàng Thị Thùy Trang, 2020-2021)

Bài và ảnh: Nguyễn Quốc Khánh/Viện STNĐ