TextBody

Syzygium triflorum (Trâm ba hoa) – Loài thực vật mới được phát hiện tại Việt Nam

05/05/2025

Trong quá trình thực hiện khảo sát nghiên cứu thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga: “Nghiên cứu không gian phân bố tiềm năng các loài thực vật bản địa phục vụ phục hồi các hệ sinh thái rừng nhiệt đới tỉnh Gia Lai”, nhóm nghiên cứu của Viện Sinh thái nhiệt đới đã ghi nhận một loài thực vật mới cho khoa học được đặt tên là Syzygium triflorum - Trâm ba hoa, thuộc chi Trâm - Syzygium, họ Đào kim nương Myrtaceae tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, tỉnh Gia Lai. Nguồn gốc tên gọi loài “triflorum” xuất phát từ đặc điểm cụm hoa thường có ba hoa.

Loài mới được ghi nhận trên tuyến đường mòn tuần tra rừng từ trạm bảo vệ rừng Bãi Cháy tới trạm Đắk Hla. Syzygium triflorum được mô tả là loài cây gỗ nhỏ mọc dưới tán rừng thứ sinh hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim phục hồi sau cháy, với sự chiếm ưu thế của hai loài thông nhiệt đới là Dacrydium elatum (Hoàng đàn giả) và Dacrycarpus imbricatus (Thông nàng). Cây phát triển ở những khu vực thoáng, độ tán che thấp khoảng 30 - 40%. Hoa và quả được quan sát vào mùa mưa tháng 7 năm 2024, vào thời điểm này, quả chưa chín hoàn toàn.

Mô tả chi tiết loài Syzygium triflorum như sau: Cành non hình tứ giác, màu xám đỏ; lá hình thuôn dài, đỉnh nhọn dần, mọc đối, phiến lá 7,5-8,5 × 2,0-2,2 cm, mặt trên xanh bóng, mặt dưới xanh nhạt, có chấm tuyến, gân phụ 26 - 30 cặp; cụm hoa chỉ xuất hiện ở nách lá, không có ở ngọn cành, thường 3 hoa; lá bắc hình mác-trứng; hoa: 2,8-3,2 × 1,8-2,0 mm, màu xanh nhạt, không cuống hoặc cuống rất ngắn (0-0,5 mm); đế hoa hình phễu, nón ngược; đài hoa: 4, tam giác rộng; cánh hoa: 4, gần tròn; nhị: số lượng từ 18-28, một vòng, bao phấn hình elip; bầu nhụy: 2 ô, nhiều noãn mỗi ô; quả non: hình cầu, 4,0 × 4,0 mm.

Về hiện trạng bảo tồn, loài mới này hiện chỉ được biết đến với một vài quần thể được tìm thấy, mỗi quần thể bao gồm khoảng 30-40 cá thể trong phạm vi 10 ha (0,01 km2). Mối đe dọa tự nhiên chính trong khu vực này có thể là các đám cháy tự phát, có thể gây ra sự biến động cực độ về số lượng cá thể trưởng thành. Tuy nhiên, khả năng này rất thấp do khu vực phân bố của loài này hiện được bảo vệ nghiêm ngặt và công tác tuần tra phòng chống cháy rừng đang được đảm bảo rất tốt. Các đám cháy chưa được ghi nhận ở những khu rừng này trong Khu bảo tồn thiên nhiên trong ít nhất 30 năm trở lại đây. Do đó, loài tạm thời được coi là an toàn trong khu vực này.

Các tiêu chí của IUCN để xếp loại cấp độ bảo tồn đã được xem xét, nhưng do không có thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp đầy đủ về tình trạng hiện tại của loài hoặc các mối đe dọa có thể xảy ra. Xét đến quần thể đã biết rất nhỏ, giới hạn trong một khu vực rộng 10 hecta và số lượng cá thể trưởng thành chỉ khoảng 200 cây, loài này được phân loại là Nguy cấp (EN) theo tình trạng bảo tồn sơ bộ theo tiêu chí D (IUCN 2012).

Trước khi ghi nhận loài mới Syzygium triflorum này, tại Việt Nam đã ghi nhận 49 loài thực vật thuộc chi Syzygium, đại diện cho sự đa dạng loài cao nhất khu vực Đông Dương. Việc phát hiện và mô tả loài mới góp phần làm phong phú thêm hiểu biết về đa dạng sinh học của khu vực Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời cung cấp thông tin quan trọng cho công tác bảo tồn thực vật trong khu vực. Bên cạnh đó, do đây là một chi thực vật có nhiều công dụng như cung cấp tinh dầu, làm thực phẩm hoặc dược liệu nên rất cần có những nghiên cứu tiếp theo về công dụng của loài này.

Hình 1: Syzygium triflorum, A. B. Quả non. C. D Đế hoa và vòi nhụy (sau khi cánh hoa và nhị hoa đã rụng). E. F. Cụm hoa (3 hoa trong một cụm). G. Cành mang lá. H. Lá mặt phía trên và phía dưới.

Hình 2: Hoa khô của Syzygium triflorum, A. Cụm hoa. B. Mặt trên cánh hoa. C. Nhị hoa. D. Hoa được cắt theo chiều dọc (nhau thai ở vị trí trung tâm).

Nguồn tài liệu: Cuong DH, Thanh NTK, Hiep NH, Huyen DN, Hoang TT, Tagane S (2025) Syzygium triflorum (Myrtaceae), a new species from Vietnam. PhytoKeys 255: 75-83. https://doi.org/10.3897/phytokeys.255.143043

Tin bài: Nguyễn Hữu Hiệp (Viện Sinh thái nhiệt đới)