<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Trọng tâm phát triển khoa học - công nghệ trong quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

22/05/2016

Phóng viên (PV): Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến KH-CN, tập trung nhiều nguồn lực nhằm phát triển KH-CN bền vững, xin Thiếu tướng cho biết một số điểm mới về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH-CN hiện nay?

Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng: Có thể nói Luật KH-CN năm 2013 và tiếp theo là các nghị định của Chính phủ và các Thông tư, Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật. Đặc biệt, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, ngày 17/10/2014 của Chính phủ Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH-CN đã tạo bước chuyển biến mới nhằm giải quyết những bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ KH-CN, trong đó tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách Nhà nước được phân bổ theo cơ chế quỹ. Thực hiện cơ chế này, việc xác định, phê duyệt nhiệm vụ KH-CN diễn ra thường xuyên, liên tục, cho phép các nhà khoa học chủ động nghiên cứu và sử dụng kinh phí; rút ngắn quá trình chuẩn bị, tăng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ KH-CN.

Thứ hai, việc áp dụng khoán chi đối với các nhiệm vụ KH-CN đã tạo hành lang pháp lý triển khai phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Ưu điểm nổi bật của khoán chi là đáp ứng đặc thù của hoạt động KH-CN quân sự, tức là: phải tìm kiếm cái mới (nghĩa là cái chưa có tiền lệ và có mức độ rủi ro cao); cần có môi trường lao động mang tính chủ động cao, khuyến khích tính độc lập, trung thực, sáng tạo; giảm tối đa các thủ tục hành chính phức tạp rườm rà.

Thứ ba, thực hiện cơ chế mua kết quả nghiên cứu khoa học, cho phép rút ngắn thời gian đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống; giảm rủi ro cho việc đầu tư của ngân sách Nhà nước và quy định trách nhiệm của cấp có thẩm quyền quyết định đặt mua kết quả nghiên cứu, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính cho nhiệm vụ KH-CN

Thứ tư, triển khai cơ chế đầu tư đặc biệt và phương pháp thực hiện các nhiệm vụ KH-CN đặc biêt, trong đó có các nhiệm vụ phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Đây là điểm mới, lần đầu tiên được luật hóa ở Việt Nam và phù hợp với đặc thù của hoạt động KH-CN quân sự. Với các nhiệm vụ KH-CN đặc biệt, Nghị định 95 của Chính phủ cũng đã tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng để có thể thực hiện được nhiệm vụ này.

PV: Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình tình mới, quân đội sẽ ưu tiên những vấn đề gì trong hoạt động nghiên cứu KH-CN, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng: Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 với những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề. Nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng - an ninh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, hoạt động nghiên cứu KH-CN trong quân đội thời gian tới cần tập trung ưu tiên thực hiện một số trọng tâm chính sau:

Một là, công tác nghiên cứu phải thiết thực, hiệu quả, phục vụ cho thực tiễn, trong đó khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn cần làm tốt công tác nghiên cứu dự báo, phát triển lý luận; nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự phải hướng đến các sản phẩm, mục tiêu trọng điểm có quy mô lớn, mức độ phức tạp cao, góp phần hiện đại hóa, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật cao, duy trì tình trạng kỹ thuật của vũ khí trang bị của quân đội.

Hai là, ưu tiên phát triển một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ liên ngành, như công nghệ thông tin, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ sinh học, môi trường, hướng tới các sản phẩm tích hợp; đẩy mạnh họp tác trong và ngoài nước nhằm ứng dụng KH-CN phục vụ cho các nhiệm vụ xây dựng của quân đội.

Ba là, bên cạnh nghiên cứu ứng dụng cũng cần chú trọng công tác nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu nền, tạo cơ sở nền móng cho việc nâng cao mặt bằng trình độ KH-CN, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, phục vụ cho phát triển những năm tiếp theo.

Với đội ngũ cán bộ KH-CN dày dạn kinh nghiệm trong các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu và đội ngũ các nhà khoa học trẻ hôm nay được đào tạo cơ bản, có nhiệt huyết với quyết tâm được công hiến khẳng định mình và bản lĩnh vươn lên, tôi tin tưởng rằng những mục tiêu chúng ta xác định sẽ đạt kết quả tốt trong thời gian tới.

PV: Một trong những vấn đề quan trọng trong nghiên cứu khoa học đó là sở hữu trí tuệ, đăng ký bản quyền. Vấn đề này, quân đội đã thực hiện như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tương Phạm Lâm Hồng: Đối với hoạt động nghiên cứu chuyển giao trong nước, đây thực sự là vấn đề lớn, phức tạp, nó làm ảnh hưởng đến sự phát triển của KH-CN nói chung và KH-CN trong quân đội nói riêng. Do đó cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước và Bộ Quốc phòng để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, nhằm tạo động lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, khuyến khích chuyển giao công nghệ vào sản xuất và phải giải quyết hài hòa được quyền lợi của các nhà khoa học khi chuyển giao các kết quả nghiên cứu được đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Trong thời gian vừa qua, Bộ Quốc phòng đã và đang tích cực chỉ đạo, tìm các giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị các nhà khoa học của quân đội hết sức chú ý đến vấn đề sở hữu trí tuệ, bản quyền trong tiếp cận, triển khai các nhiệm vụ KH-CN. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, khi chúng ta chịu sự ràng buộc bởi các hiệp định song phương, đa phương với các đối tác.

PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí!

Nguyễn Bằng thực hiện