<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Trung tâm Nhiệt đới Việt- Nga: 35 năm xây dựng và phát triển năng lực quan trắc, phân tích môi trường và đánh giá tác động môi trường

07/08/2023

Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hỗn hợp nhiệt đới Việt - Nga (gọi tắt là Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga), được thành lập trên cơ sở Hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô ký ngày 07 tháng 3 năm 1987 (từ năm 1993 Liên bang Nga kế thừa trách nhiệm phía Liên Xô tiếp tục thực hiện Hiệp định), một trong những nhiệm vụ của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga được xác định trong Hiệp định và được thực hiện ngay từ khi thành lập Trung tâm là nghiên cứu hậu quả về sinh thái của cuộc chiến tranh hoá học do Quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Nhiệm vụ này đã được Trung tâm cụ thể hoá, phát triển theo nhiệm vụ cấp trên giao, phù hợp với nhu cầu thực tế công tác bảo vệ môi trường của Quân đội và Quốc gia. Cùng với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, Trung tâm chú trọng phát triển các hoạt động dịch vụ về quan trắc, phân tích dioxin; ban đầu chủ yếu là quan trắc, phân tích, đánh giá mức độ tồn lưu của dioxin trong một số vùng bị phun rải nặng chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh, được thực hiện bởi Phòng Phân tích của Trung tâm; đến nay đã phát triển thành đơn vị hàng đầu của Việt Nam về phân tích dioxin, các chất tương tự dioxin và các chất hữu cơ khó phân huỷ (POP) khác; ngoài ra, Trung tâm còn phát triển hoạt động dịch vụ môi trường khác, tập trung lĩnh vực phân tích, tư vấn, đánh giá tác động môi trường; nhiệm vụ không chỉ được thực hiện bởi Phân viện Hoá-Môi trường (Phòng Phân tích trước đây), mà còn mở rộng cho một số đơn vị khác thuộc Trung tâm.

Đối với lĩnh vực phân tích dioxin, ngay từ khi thành lập, Trung tâm đã triển khai nghiên cứu đánh giá mức độ tồn lưu và sự lan tỏa của dioxin ở một số vùng bị phun rải nặng chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh (Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Sông Bé...), các nghiên cứu khi đó chủ yếu do phía Nga chủ trì. Từ năm 1994, phía Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện đánh giá tồn lưu chất độc da cam/dioxin tại các “điểm nóng” như sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát và một số sân bay khác; tham gia các nhiệm vụ thuộc Chương trình 33 và nhiều đề tài, dự án của Nhà nước, các bộ ngành, tổ chức quốc tế; đồng thời, xây dựng Phòng thí nghiệm phân tích dioxin, đào tạo đội ngũ cán bộ, nghiên cứu ứng dụng các quy trình, phương pháp phân tích hiện đại. Từ năm 2010, Phòng Phân tích dioxin tiếp tục được đầu tư chiều sâu với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; năm 2015, Phòng Phân tích dioxin được Văn phòng Công nhận chất lượng (BoA), Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng chỉ công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 (mã số VILAS 856); từ đó đến nay, năng lực này liên tục được gia hạn và mở rộng phạm vi công nhận, thực sự trở thành lĩnh vực thế mạnh của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Bên cạnh đó, Phòng Phân tích dioxin cũng đã chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu dioxin, bao gồm hợp tác với một số tổ chức của Liên bang Nga, Ca-na-đa, Mỹ...; theo đó, cán bộ, nhân viên của phòng thí nghiệm tham gia nhiều khoá đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hội nghị hội thảo với các đối tác về phân tích dioxin; từ năm 2006 đến nay, hằng năm Phòng Phân tích dioxin của Trung tâm đều tham gia liên kết chuẩn quốc tế về phân tích dioxin hay tham gia kiểm tra chéo với các phòng thí nghiệm uy tín trên thế giới; kết quả phân tích cho thấy 100% số mẫu đạt yêu cầu, trong đó trên 50% đạt loại xuất sắc và được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao năng lực phân tích các hợp chất này của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Tính đến tháng 6/2023, Trung tâm đã phân tích khoảng 12.000 mẫu dioxin, trên 7.000 mẫu gồm các chất tương tự dioxin, da cam và các hợp chất độc hại khác; kết quả phân tích đã có đóng góp hết sức quan trọng vào thành công chung của Chương trình nghiên cứu khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Ngoài quan trắc, phân tích dioxin có nguồn gốc chiến tranh, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã phát triển thành công năng lực nhằm đánh giá các nguồn phát thải dioxin, các hợp chất tương tự dioxin cũng như một số chất POP khác sinh ra từ công nghiệp và dân sinh, góp phần kiểm soát, bảo vệ môi trường của đất nước.

Máy sắc ký khí - khối phổ phân giải cao (HRGC/HRMS).

Bên cạnh hoạt động quan trắc, phân tích dioxin, những năm gần đây Trung tâm cũng chú trọng xây dựng năng lực về quan trắc, phân tích môi trường, tư vấn đánh giá tác động môi trường. Hiện tại, Trung tâm có 03 đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo Nghị định 127/2014/NĐ-CP nay là Nghị định 08/2022/NĐ-CP, gồm Phân viện Hoá-Môi trường (VIMCERT 256 - từ năm 2019), Viện Sinh thái nhiệt đới (VIMCERT 278 - từ năm 2021) và Chi nhánh Phía Nam (VIMCERT 300 - từ năm 2022).

Chứng nhận VIMCERT 256.

Chứng chỉ VILAS 856.

Sau hơn 35 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã xây dựng được năng lực và tổ chức thực hiện có hiệu quả một số lĩnh vực dịch vụ môi trường, góp phần chung tay bảo vệ môi trường của Quốc gia cũng như vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay.

Thông tin chi tiết về một số hoạt động dịch vụ môi trường của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga xem tại đây (link với trang https://emalab.com.vn/)