Alexei Vladimirovich Abramov và những đóng góp đặc biệt cho nghiên cứu động vật ở Việt Nam

13/05/2024

Alexei Vladimirovich Abramov là nhà nghiên cứu động vật xuất sắc người Nga với nhiều thành tựu trong nghiên cứu động vật, đặc biệt là nhóm động vật có vú. Những thành tựu khoa học của ông có ảnh hưởng sâu sắc đối với lĩnh vực động vật học ở Nga nói riêng, thế giới nói chung và đặc biệt là ở Việt Nam.

Alexei V. Abramov tại VQG Yok Đôn, Việt Nam, 2008. Ảnh: V.V. Rozhnov.

Sinh ra trong một gia đình có nền tảng khoa học tự nhiên khi cả bố, mẹ và anh trai đều theo đuổi khoa học tự nhiên và khoa học chính xác nhưng cậu bé Alexei lại đi theo một con đường hoàn toàn khác - khám phá thiên nhiên. Từ nhỏ, niềm đam mê với thế giới hoang dã của Alexei và luôn được gia đình quan tâm và ủng hộ. Những chuyến đi gia đình thường xuyên vào mùa hè tới Biển Đen cùng với trải nghiệm đến thăm ông bà ở Penza và Nizhny Novgorod Oblasts, nơi được tiếp xúc với hệ động thực vật đa dạng, đã khơi dậy trí tò mò và tình yêu của Alexei đối với thế giới tự nhiên.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Alexei đã theo học tại Khoa Động vật học có xương sống, ngành sinh học, Đại học Quốc gia Leningrad (nay là Đại học Quốc gia Saint Petersburg) từ năm 1980 đến năm 1985. Hành trình học tập của Alexei tại Leningrad chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hai người. Đầu tiên, là Tiến sĩ Lev A. Nessov người đã hướng dẫn Alexei trong chuyến thám hiểm đầu tiên trong đời đến sa mạc Kyzylkumy vào tháng 8 năm 1982. Sau này, Alexei đã thừa nhận rằng đây là chuyến thảm hiểm khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình, nhưng chính những điều kiện khắc nghiệt khi đó cùng với sự chỉ bảo quý báu từ TS. Nessov, chuyến đi đã góp phần quan trọng trong việc hình thành niềm đam mê nghiên cứu cổ sinh vật của Alexei. Người thứ hai là Tiến sĩ Mikhail V. Zaitsev từ Viện nghiên cứu động vật học - ZIN, người đã khơi gợi lên sự hấp dẫn và đam mê với việc nghiên cứu động vật ăn côn trùng và hệ thống hóa sinh học nói chung. Alexei trở thành sinh viên đầu tiên được Zaitsev hướng dẫn, sau đó là trở thành bạn thân và đồng nghiệp. Cũng trong quá trình cộng tác với Zaitsev, Alexei có cơ hội được tiếp xúc và học hỏi từ Strelkov, một chuyên gia về dơi, đồng thời cùng nhau xuất bản nghiên cứu về dơi di cư. Strelkov đã trở thành người thầy xuất sắc nhất mà Alexei từng gặp.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Alexei làm việc ba năm tại chi nhánh Kizil-Arvat của Trạm Phòng chống dịch bệnh Turkmenistan, nơi ông chịu trách nhiệm giám sát các loài chuột và thu mẫu để kiểm tra vi khuẩn. Sau đó, đam mê nghiên cứu thôi thúc, ông quyết định quay trở lại ZIN làm việc. Tại ZIN, Alexei được bổ nhiệm làm trợ lý nghiên cứu chính tại Phòng thí nghiệm Địa sinh học dưới sự quản lý trực tiếp của TS. Gennady F. Baryshnikov, chuyên gia về động vật ăn thịt và động vật cổ đại thế Pleistocen. Với TS. Baryshnikov, Alexei thực hiện nhiều nghiên cứu quan trọng như về họ chồn (Mustelidae) và họ chó (Canidae), và cùng nhau điều chỉnh vị trí phân loại của các loài cáo cát nhỏ Tây Tạng, Vulpes ekloni (Przewalski, 1883). Những kinh nghiệm quý giá này đã giúp Alexei được tham gia vào dự án quốc tế nghiên cứu sự biến đổi vùng hộp sọ của loài cáo đỏ Vulpes vulpes Linnaeus, 1758, trên các đảo của Nhật Bản. Dưới sự hướng dẫn của TS. Baryshnikov, Alexei đã xây dựng danh mục các bộ sưu tập động vật của ZIN và đạt nhiều thành công trong công việc nghiên cứu.

Phân loại các mẫu vật động vật thu thập được tại Nga, tháng 9 năm 2010. Ảnh: V.V. Platonov.

Trải qua hơn 40 năm, Alexei đã tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu thực địa sâu rộng tại nhiều khu vực trên thế giới như Nga, Mông Cổ, Lào, Việt Nam, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Trong số đó, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu thực địa của ông. Được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện của các đồng nghiệp tại ZIN khi nghiên cứu tại các rừng mưa nhiệt đới nơi đây, tháng 5 năm 2000, lần đầu Alexei đặt chân đến Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thám hiểm chung do ZIN và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức. Trong chuyến đi này, họ đã khảo sát tại tỉnh Hà Tĩnh, miền Trung Việt Nam và đã thu được thành công nhất định khi phát hiện và thu thập một bộ xương hoàn chỉnh của loài thỏ vằn trước đây chưa từng được mô tả - Nesolagus timminsi. Đây cũng là đóng góp quan trọng nhất của Alexei trong nghiên cứu loài thỏ. Sau đó, Alexei cùng các cộng sự đã xem xét lại sự phân bố của loài N. timminsi ở Việt Nam dựa trên quan sát thực tế của cá nhân và những hình ảnh minh họa hiếm hoi về loài này. Gần đây, tình trạng bảo tồn của N. timminsi đã thay đổi từ “Thiếu dữ liệu” (Data deficient) thành “Có nguy cơ tuyệt chủng” (Endangered). Việc phát hiện ra N. timminsi là khởi đầu cho rất nhiều phát hiện độc đáo sau này của Alexei ở Việt Nam, về cả động vật có vú và các nhóm động vật khác.

Từ năm 2002, Alexei đã tích cực tham gia nghiên cứu thực địa tại Việt Nam với vị trí cán bộ nghiên cứu thời vụ tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Việt - Nga (gọi tắt là TTNĐ Việt - Nga) trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Nga và Việt Nam. Đối tác chính phía Nga trong lần hợp tác này là Viện Các vấn đề sinh thái và tiến hóa của Viện Hàn lâm Khoa học Nga và cá nhân GS. TSKH. Vyacheslav V. Rozhnov (nay là Viện sĩ), người mà Alexei có mối quan hệ lâu năm trong các dự án, bao gồm các dự án ở Việt Nam. Vào thời điểm đó, Rozhnov là người phụ trách các chương trình nghiên cứu tại TTNĐ Việt - Nga và giúp Alexei tham gia vào chương trình này. Trong hơn 20 năm, họ đã có hàng chục chuyến khảo sát (mỗi chuyến kéo dài khoảng 2-3 tháng) đến các vùng khác nhau của Việt Nam và đã thu được những kết quả đáng kể trên nhóm các động vật có vú ăn côn trùng, họ chồn - Muridae và các nhóm động vật khác.

Nhóm các động vật có vú ăn côn trùng

Alexei đã dành một phần đáng kể các nghiên cứu phân loại của mình cho các loài động vật có vú ăn côn trùng, đặc biệt là những loài thuộc bộ Chuột chù - Eulipotyphla. Tại Việt Nam, Alexei tập trung nhiều vào nghiên cứu chuột chù (shrews), chuột chũi (moles) và nhím chuột voi (gymnures). Đáng chú ý, ông đã mô tả 5 loài chuột chù của giống Crocidura mới cho khoa học ở Việt Nam (C. zaitsevi, C. sokolovi, C. phuquocensis, C. phanluongi, và C. sapaensis) và tiến hành nghiên cứu về tính đa hình răng trong giống này. Ngoài ra, ông còn đóng góp vào sự hiểu biết về đa dạng di truyền trong giống Blarinella và xem xét một số loài thuộc họ Chuột chù Soricidae trong hệ động vật Việt Nam.

Alexei với loài chuột đá Lào (Laonastes aenigmamus), chụp tại Lào, tháng 11/2008. Ảnh: A.V. Tikhonov.

Cộng tác với các đồng nghiệp đến từ Mát-xcơ-va, Alexei đã có những đóng góp đáng kể cho việc nghiên cứu chuột voi (gymnure) Việt Nam. Trong các nghiên cứu hợp tác về chuột chũi ở Đông Nam Á, Alexei và các đồng nghiệp đã khám phá hình thái, di truyền và phân loại học phân tử của các loài này. Việc nghiên cứu sâu hơn về sự thay đổi kích thước và hình dạng hộp sọ của giống Euroscaptor tại Việt Nam đã chứng minh rằng một quần thể từ miền Trung Việt Nam nên được mô tả là một loài riêng biệt - chuột chũi Ngọc Linh E. ngoclinhensis.

Những nghiên cứu trong nhóm động vật này đã giúp Alexei bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học ngành sinh học năm 2017 và góp phần giúp kho dữ liệu các loài động vật có vú ăn côn trùng ở Việt Nam tại ZIN trở thành bộ sưu tập lớn nhất trên thế giới, thậm chí lớn hơn cả các bộ sưu tập các loài này của các bảo tàng nổi tiếng thế giới như Smithsonian (Washington, Mỹ), FMNH (Chicago, Mỹ), AMNH (New York, Mỹ), MCZ (Cambridge, Mỹ), ROM (Toronto, Canada) và BMNH (London, Anh) cộng lại.

Họ Chồn - Muridae

Mặc dù Alexei không quan tâm đến loài gặm nhấm khi còn là sinh viên hay khi mới bắt đầu sự nghiệp, nhưng những năm làm việc ở các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã mang lại vô số dữ liệu thú vị và độc đáo về loài này, đặc biệt là về họ Chồn Muridae. Cho đến nay Alexei đã là đồng tác giả của 29 bài báo về loài gặm nhấm, trong đó có 16 bài về chuột. Đây là những ví dụ điển hình về phân loại tích hợp hiện đại dựa trên dữ liệu hình thái và DNA kết hợp. Một số bài tập trung vào việc đánh giá tình trạng phân loại của các loài cụ thể còn một số khác trình bày các sửa đổi phân loại khu vực của một số giống Murid trong phạm vi Việt Nam hoặc Đông Dương và các khu vực lân cận. Kết quả là phát hiện một số loài có đa dạng ẩn. Việc điều chỉnh phân loại giống Niviventer ở Việt Nam đã cho phép Alexei và các cộng sự nghiên cứu về địa địa sinh học của loài chuột bụng trắng, Niviventer confucianus (Milne-Edwards,1871) tại Trung Quốc cũng như xem xét tỉ mỉ sự phát sinh chủng loại phân tử và sự đa dạng hình thái của quần thể loài chuột hươu bé Niviventer fulvescens (Gray, 1847).

Alexei và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu đầu tiên về nhiễm sắc thể của loài chuột marmoset tương đối hiếm gặp Hapalomys delacouri Thomas, 1927 ở Việt Nam và đã chỉ ra sự đa dạng ẩn của loài này. Sau đó, khi có thêm nhiều mẫu vật từ nhiều địa điểm khác nhau của Việt Nam, việc phân loại loài này trở nên khá phức tạp và cần phải làm rõ. Kết quả của quá trình nghiên cứu này là một loài đặc hữu mới - Chuột vàng sunsốp - Hapalomys suntsovi được mô tả.

Cấu trúc phát sinh loài phức tạp đã được phát hiện ở loài chuột nhắt cây Indomalaya chiropodomys gliroides (Blyth, 1856) với hai dòng khác biệt về khu vực rất lớn được tìm thấy ở Việt Nam. Alexei đã thành công trong việc thu thập mẫu chuột lớn Millard (Dacnomys millardi Thomas, 1916) ở miền Trung Việt Nam một cách ngoạn mục vì cách xa khoảng 1.000 km về phía nam so với mọi phát hiện trước đó. Điều đáng kinh ngạc là mẫu vật của loài D. millardi ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam không chỉ không khác biệt về đặc điểm hộp sọ và kích thước lớn mà còn khá giống nhau về mặt di truyền. Alexei và nhóm nghiên cứu của TS. Balakirev đã tiến hành nghiên cứu về sự đa dạng và phân bố của giống Chiromyscus ở phía đông Đông Dương và phát hiện ra sự khác biệt địa lý rõ rệt ở cả ba loài được nghiên cứu: C. langbianis, C. thomasiC. chiropus. Rõ ràng rằng họ Muridae Đông Nam Á thực sự là một nhóm gặm nhấm cực kỳ thú vị và chưa được nghiên cứu kỹ. Alexei cùng các cộng sự cũng đã có kế hoạch nghiên cứu nhiều hơn về chúng trong tương lai.

Các nhóm động vật khác

Trong nghiên cứu của mình, Alexei không chỉ tập trung vào họ Muridae mà còn nghiên cứu các nhóm động vật có vú khác như sóc và chó,... Ít nhất 3 trong số các nghiên cứu của ông là về sóc, trong đó có một nhóm sóc má đỏ châu Á thuộc giống Dremomys ở Trung Quốc và Việt Nam và ghi nhận loài sóc bay Olisthomys morrisi (Carter, 1942) lần đầu tiên ở Việt Nam. Alexei cũng là đồng tác giả của một đánh giá quan trọng về tình trạng bảo tồn của các loài chó hoang tại Việt Nam.

Nhiều dự án hợp tác đã tiến hành thành công nhờ vào khả năng sưu tầm độc đáo của Alexei, kết hợp với sử dụng các phương pháp nghiên cứu tiên tiến. Ví dụ, loài chuột mù Typhlomys chapensis Osgood, 1933 đã được nghiên cứu dựa trên dữ liệu sinh học phân tử, kiểu nhân và hình thái học. Phương pháp toàn diện này cho phép các nhà nghiên cứu chứng minh rằng quần thể loài T. chapensis ở Việt Nam khác với quần thể được tìm thấy ở môi trường sống ban đầu của nó, xác định nó là một loài riêng biệt trong chi đơn loài Typhlomys trước đây. Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng chỉ ra rằng loài chuột mù độc đáo này hoạt động chủ yếu dựa vào khả năng định vị bằng siêu âm. Tuy nhiên, các tác giả đã không thể công bố những kết quả độc đáo và mới lạ như vậy trên cả tạp chí Science và Nature vì các biên tập viên còn nghi ngờ những kết quả đó. Tuy nhiên, khả năng định vị bằng tiếng vọng ở loài chuột cây lông mềm hiện đã được chứng minh và công sức đầu tiên của khám phá này thuộc về các tác giả Nga.

Ngoài ra, những nghiên cứu về bộ cánh thẳng (Orthoptera) tại Việt Nam giúp ông trở thành một trong ba nhà sưu tập hàng đầu về loài này trong bộ sưu tập của ZIN. Alexei cùng cộng sự cũng đã ghi nhận loài chồn sương răng nhỏ M. Moschata tại Việt Nam.

Hợp tác và cố vấn tại Việt Nam

Quá trình nghiên cứu của Alexei tại Việt Nam được thực hiện nhờ sự hợp tác và hỗ trợ hữu nghị của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, thông qua hai đối tác thường xuyên trong các chuyến khảo sát của ông từ năm 2003 là TSKH. Andrey Kuznetsov và Svetlana Kuznetsova. Trong số các đồng nghiệp phía Việt Nam, không thể không nhắc tới GS.TS. Nguyễn Đăng Hội, TS. Bùi Xuân Phương, Trần Quang Tiến và Lê Xuân Sơn. Trong hơn 20 năm hợp tác, họ đã cùng nhau tham gia hàng chục chuyến khảo sát trên khắp Việt Nam, trải rộng hàng chục km2, sống hàng tháng trong những căn lều nhỏ trong những rừng mưa nhiệt đới trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Năm 2008, Alexei tham gia chuyến khảo sát do TS. Phan Lương (1948 - 2008) tổ chức và chỉ huy. Trong số những kết quả của chuyến khảo sát là một loài chuột chù mới từ Việt Nam đã được phát hiện, mô tả và đặt tên để tưởng nhớ TS. Phan Lương - Crocidura phanluongi. Ngoài ra, Alexei còn hợp tác hiệu quả với các đồng nghiệp tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là TS. Nguyễn Trường Sơn và TS. Bùi Tuấn Hải. Họ đã cùng thực hiện một số chuyến đi thực địa và sau này vẫn thường xuyên liên lạc về nghiên cứu động vật có vú ở Việt Nam.

Sự hợp tác hiệu quả giữa Alexei và các đồng nghiệp Việt Nam đã mang lại những kết quả quý báu, đặc biệt trong việc phát hiện và mô tả loài mới, cung cấp thông tin quan trọng về đa dạng sinh học và bảo tồn các loài động vật.

Có thể thấy rằng, trong số các thành tựu khoa học của Alexei, một lượng đáng kể các nghiên cứu tập trung vào Việt Nam, nêu bật tầm quan trọng của nơi đây với hành trình nghiên cứu của ông. Những công trình nghiên cứu của Alexei Abramov không chỉ mang lại kiến thức mới về hệ động vật Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững hệ sinh thái của Việt Nam.

Tham khảo:

Logunov, Dmitri & Averianov, Alexander. (2022). Zoologist, traveler, and explorer: celebrating the 60th anniversary of Alexei Vladimirovich Abramov. Russian Journal of Theriology. 21. 192-216. 10.15298/rusjtheriol.21.2.10.

Phòng TTKHQS dịch