TextBody

Bán tín chỉ carbon, hết cảnh giữ rừng tự nhiên nhưng trong túi không đồng

25/12/2023

Lâu nay, nhiều cộng đồng ở tỉnh Quảng Trị được giao giữ rừng tự nhiên, nhưng không được hỗ trợ kinh phí. Với việc bán tín chỉ carbon, mỗi ha rừng tự nhiên được chi trả 120 nghìn đồng, thì các cộng đồng giữ rừng sẽ được hưởng lợi, việc bảo vệ rừng sẽ ngày một tốt hơn.

Cây gỗ trong rừng tự nhiên ở gần cộng đồng thôn Chênh Vênh. Ảnh: Hưng Thơ.

Tiền được hưởng không lớn, nhưng là động lực lớn

Năm 2017, Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được thành lập. Các thành viên ở ban quản lý này, là các hộ dân người đồng bào thiểu số, được giao quản lý, bảo vệ 600ha rừng tự nhiên ở gần khu dân cư.

Thành lập ban quản lý hoành tráng và lãnh trọng trách lớn là bảo vệ hàng trăm ha rừng tự nhiên, nhưng các thành viên tham gia đều trên tinh thần tự nguyện, không được hưởng bất cứ khoản kinh phí nào của nhà nước.

Nghĩ rừng còn là cuộc sống còn sinh sôi, nên các hộ dân nhiệt tình tham gia bảo vệ rừng, có lúc gần 50 hộ tham gia chia làm 7 tổ bảo vệ rừng.

Cứ mỗi tuần một lần, thôn Chênh Vênh lại cắt cử người luân phiên nhau đi tuần rừng. Mỗi chuyến kéo dài 1-2 ngày, với 4-5 người tham gia. Khi phát hiện người lạ hoặc rừng có dấu hiệu bị xâm phạm, tổ tuần rừng sẽ ngăn chặn, đẩy đuổi, đồng thời trình báo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Vì được bảo vệ nghiêm ngặt, nên cánh rừng cộng đồng của thôn sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều cây rừng tự nhiên có đường kính lớn, nhiều loài thú quý có trong Sách đỏ kéo về sinh sống.

Rừng tự nhiên thôn Chênh Vênh có diện tích 800ha được bảo vệ tốt. Ảnh: Hưng Thơ.

Cộng đồng thôn Chênh Vênh giữ rừng hiệu quả, nên nhà nước đã giao thêm 200ha rừng nữa, nâng tổng số rừng tự nhiên ở đây lên con số 800ha. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn, là rừng được người dân thôn Chênh Vênh bảo vệ ngày càng giàu lên, nhưng tỉ lệ hộ nghèo ở thôn này lại chiếm gần phân nửa, nên người dân cũng nhiều suy tư.

Thế nhưng, từ năm 2023 này, tin mừng đến với cộng đồng giữ rừng ở thôn Chênh Vênh, khi chính quyền thông báo mỗi ha rừng tự nhiên ở đây sẽ được chi trả tương ứng 120 nghìn đồng. Với 800ha rừng tự nhiên, cộng đồng này sẽ được nhận khoảng 90 triệu đồng, số tiền không lớn, nhưng sẽ là nguồn động viên lớn, giúp các thành viên trong Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh có thêm động lực để làm tốt hơn nữa việc bảo vệ rừng.

Bán tín chỉ carbon, Quảng Trị giải ngân 17 tỉ đồng trong năm 2023

Ông Phan Văn Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2022 Chính phủ có nghị định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải - bán tín chỉ carbon và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.

Bộ NNPTNT chuyển nhượng 10,2 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương đã nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ Carbon thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế.

Bắt đầu từ năm 2023, Quảng Trị là một trong 6 địa phương Bắc Trung bộ được thí điểm nhận nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng từ Quỹ Carbon thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế chuyển đến các tỉnh theo quy định.

Cộng đồng được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng phối hợp với kiểm lâm đi tuần tra rừng. Ảnh: Hưng Thơ.

“Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Trị sẽ được chi trả 51 tỉ đồng, hiện đã được chuyển 80% số tiền” - ông Phan Văn Phước, thông tin.

Trong năm 2023, tỉnh Quảng Trị sẽ giải ngân 17 tỉ đồng/51 tỉ đồng, số tiền này tập trung cho công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, chi phí quản lý, hỗ trợ cho cộng đồng dân cư. Cứ mỗi ha rừng tự nhiên, Quảng Trị sẽ chi trả 120 nghìn đồng, và số tiền này được phân bổ cho người dân giữ rừng.

Được biết, tỉnh Quảng Trị đã giao khoảng 20.000ha rừng tự nhiên cho hơn 100 cộng đồng và gần 1.000 hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Thế nhưng, trước năm 2023 chỉ khoảng 35% diện tích rừng giao cho cộng đồng và hộ gia đình nằm trong khu vực được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nghĩa là, có đến 65% diện tích rừng được giao cho người dân quản lý, nhưng họ không được chi trả kinh phí cho việc bảo vệ rừng. Trong khi đó, tất cả diện tích rừng này đều mang lại các giá trị hệ sinh thái như: đa dạng sinh học, tài nguyên di truyền, hấp thụ carbon, bảo vệ nguồn nước, văn hóa tinh thần...

Nguồn: Hưng Thơ - https://laodong.vn