Bệnh viêm biểu mô Epitheliocystis trên cá lau kính (Pterygoplichthys spp.), cá rô đồng (Anabas testudineus) và cá rô phi (Oreochromis niloticus) ở Việt Nam
20/12/2023Kết quả nghiên cứu này là báo cáo đầu tiên trên thế giới về bệnh viêm biểu mô Epitheliocystic trên cá lau kính và cá rô đồng, là báo cáo đầu tiên về bệnh viêm biểu mô trên cá ở Việt Nam; bổ sung thêm hai ký chủ mới (cá lau kính, cá rô đồng) và một địa điểm mới (Việt Nam) vào phân bố toàn cầu của bệnh này. Bệnh Epitheliocystis gây ra sự phì đại tế bào dẫn đến sự hình thành các bào nang trong biểu mô. Bệnh này gây ảnh hưởng đến tế bào biểu mô trên da và mang của các loài cá do vi khuẩn Gram âm Chlamydia hoặc Proteobacteria. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Epitheliocystis xuất hiện trên mang của cả 3 loài cá bao gồm cá lau kính, cá rô đồng và cá rô phi tại cả 4 thủy vực nghiên cứu ở tỉnh Khánh Hòa. Các bào nang này chứa các chất có tính bazơ điển hình (Hình 1). Chúng thường được tìm thấy trong các tế bào biểu mô phì đại ở đầu hoặc giữa các sợi tơ mang (Hình 1 A, C) và đôi khi nằm ở gốc các sợi mang (Hình 1 D) hoặc trong biểu mô của các tơ mang (Hình 1 B). Hình dạng khác nhau của các bào nang được tìm thấy ở nhiều mẫu bệnh (Hình 1). Hình dạng của các bào nang này thay đổi từ hình tròn (Hình 1 A, D), hình bầu dục (Hình 1 C) đến biến dạng (Hình 1 B). Đường kính bào nang trung bình là 22,5 ± 2,2 µm ở cá rô phi, 22,9 ± 2,1 µm ở cá lau kính và 16,4 ± 2,4 µm ở cá rô đồng. Ở cá lau kính và cá rô phi, hiện tượng đa bào nang Epitheliocystis đôi khi xuất hiện ở tơ mang (Hình 1 A, D), trong khi các bào nang ở cá rô đồng thường được tìm thấy dưới dạng đơn bào nang. Trong nghiên cứu này, cũng ghi nhận hiện tượng bội nhiễm bệnh Epitheliocystic và các nhóm kí sinh trùng (sán lá mang, myxozoan và trùng bánh xe) trên mang của các loài cá lau kính, rô phi và rô đồng. Có tới 56% cá mắc bệnh Epitheliocystic bị đồng nhiễm ký sinh trùng như sán lá mang, myxozoan và trùng bánh xe trichodina. Epitheliocystic đồng nhiễm với trùng bánh xe trichodina là phổ biến nhất (42%), tiếp theo là sán lá mang (29%) và myxozoan (18%). Có sự khác biệt đáng kể giữa các loài cá về tỷ lệ đồng nhiễm (χ2 = 7,629, df = 2, P = 0,022). Mức độ đồng nhiễm cao hơn được thấy rõ ở cá rô phi (27,5%) và cá rô đồng (15%). Chỉ có 5% cá lau kính bị đồng nhiễm. Trên đây là báo cáo đầu tiên về bệnh Epitheliocystic, cần nghiên cứu thêm về kí chủ và sự phân bố của bệnh viêm biểu mô ở các thủy vực khác của Việt Nam trong các nghiên cứu tiếp theo.
Hình 1. Epitheliocystis trên mang của ba loài cá nước ngọt ở Việt Nam. A- Nhiều bào nang Epitheliocystis (mũi tên) ở đầu tơ mang của cá lau kính ở kênh Am Chúa. B- Bào nang Epitheliocystis (mũi tên) có hình dạng biến dạng, nang nằm trong tơ mang của cá rô đồng ở hồ Suối Trầu. C- Bào nang Epitheliocystis hình bầu dục (mũi tên) trên sợi mang của cá rô phi ở sông Cái. D- Nhiều bào nang Epitheliocystis (mũi tên) ở gốc các tơ mang trên cá rô phi ở sông Cái.
Tiến sĩ Trần Đức Diễn, Chi nhánh Ven biển
Nguồn: Journal of Fish Diseases. 2022;00:1-6. https://doi.org/10.1111/jfd.13598
Bài viết liên quan
Khoa học & công nghệ