Bí mật đôi cánh trong suốt của loài Bướm Thủy tinh (Glasswing Butterfly)
04/01/2022Hầu hết các loài bướm đều có đôi cánh sặc sỡ, bắt mắt, được tạo nên từ nhiều vảy nhỏ với nhiều lợi ích khác nhau như ngụy trang, đe dọa những loài chim… Tuy vậy, vẫn có một số loài bướm khác chọn cho mình cách phòng vệ bằng việc “tàng hình” khi mang đôi cánh trong suốt giúp chúng hòa lẫn vào môi trường xung quanh.
Loài bướm có đôi cánh trong suốt này có tên là Bướm Thủy tinh (Glasswing Butterfly), tên khoa học là (Greta oto), chúng thường được tìm thấy ở các vùng Trung và Bắc của Nam Mỹ (phía cực Bắc ở Texas, Mexico, phía cực Nam ở Chile). Các nhà nghiên cứu từ đại học California đã phát hiện ra những cấu trúc đặc biệt giúp loài bướm thủy tinh có được đôi cánh trong suốt.
James Barnett, một nhà sinh thái học hành vi tại Đại học McMaster, Hamilton, Canada nhận xét: “Động vật trong suốt có thể hòa trộn vào bất kỳ nền nào. Để hạn chế phản xạ ánh sáng, chúng phải chỉnh sửa toàn bộ cơ thể của mình”.
Khi soi đôi cánh trong suốt của bướm thủy tinh dưới kính hiển vi, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều cấu trúc khác biệt so với những cánh bướm khác. Ở hình đầu tiên từ trái sang phải, ta có thể thấy được ranh giới giữa khu vực trong suốt của cánh bướm thủy tinh và khu vực viền màu đen. Ở những loài bướm khác, những vảy nhỏ chính là những phần tử cấu tạo nên đôi cánh đầy màu sắc của chúng. Những vảy nhỏ sẽ xếp thành lớp chồng lên nhau như hình thứ ba. Mỗi một vảy đều có màu sắc riêng và khi kết hợp lại, chúng sẽ tạo nên những hoa văn, họa tiết riêng biệt cũng như những hiệu ứng ánh sáng khác nhau ở từng loài bướm.
Tuy vậy ở hình thứ hai, vùng trong suốt của cánh bướm thủy tinh, các vảy hẹp lại giống như lông tơ và được đặt cách xa nhau hơn. Kết quả là, khoảng 80% lớp màng cánh thể hiện được sự trong suốt.
Thêm nữa, cấu trúc của lớp màng này chống sự phản xạ ánh sáng bằng việc có những lớp sáp gồ ghề ở phần màng cánh trong suốt,từ đó cho phép nhiều ánh sáng đi qua nó hơn là phản xạ lại. Các nhà khoa học đã tính toán rằng chỉ khoảng 2% ánh sáng phản xạ lại bởi bề mặt cánh bướm thủy tinh, khi loại bỏ lớp sáp, ánh sáng bị phản xạ lại nhiều hơn, gấp khoảng 2,5 lần so với bình thường.
Việc nghiên cứu về cấu trúc cánh bướm trong suốt là cảm hứng để chế tạo những bề mặt chống phản xạ mới như ống kính máy ảnh, tấm pin mặt trời…
Nguồn tin: A.F. Pomerantz, R.H. Siddique, E.I. Cash, Y. Kishi, C. Pinna, K. Hammar, D. Gomez, M. Elias, and N.H. Patel, Journal of Experimental Biology, 224 (10), (2021). https://doi.org/10.1242/jeb.237917.
Tác giả: Hà Thanh Thịnh, Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên
Xử lý tin: Thanh Hà (http://vast.gov.vn)
Bài viết liên quan
Khoa học & công nghệ