<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Bước đầu sản xuất thành công giống cá mú lai mới từ cá mú nghệ epinephelus lanceolatus đực và cá mú đen epinephelus coioides cái tại Việt Nam

08/05/2023

Trong những năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản ở nước ta đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, các quần thể tự nhiên bị đánh bắt quá mức dẫn đến nguồn lợi thiếu hụt. Chính vì vậy, nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo các loài cá biển đóng vai trò rất quan trọng để góp phần phục hồi, phát triển nguồn lợi, chủ động về nguồn giống, đa dạng hóa các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.

Họ cá mú (Serranidae) có giá trị kinh tế, thịt thơm ngon, tốc độ sinh trưởng nhanh, kỹ thuật nuôi thương phẩm đơn giản, có khả năng kháng bệnh tốt. Chúng là đối tượng nuôi biển có triển vọng được tập trung nghiên cứu và phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Trong sản xuất giống nhân tạo các loài cá biển, ngoài phương thức truyền thống sản xuất nguồn giống thuần chủng (đơn loài) thì còn có phương thức lai ghép giữa 2 loài khác nhau để tạo ra một loài mới. 

Cá mú lai là một loài mới, được lai tạo giữa tinh trùng cá mú nghệ Epihephelus lanceolatus và trứng cá mú đen Epihephelus coiodes. Đây là loài có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao, đã được nghiên cứu, sản xuất giống và nuôi thương phẩm thành công tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: Malaysia, Đài Loan, Indonesia, Trung Quốc... Cơ sở khoa học của việc sản xuất giống cá mú lai là con lai có đặc điểm ưu việt từ các đặc điểm di truyền của cá bố mẹ như tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, khả năng kháng bệnh cao, khả năng chống chịu tốt với biến đổi môi trường sống.

Cá mú nghệ Epinephelus lanceolatus đực là loài kích thước và khối lượng lớn, kích thước tối đa dài đến 3 m, khối lượng có thể đạt 500-600 kg. Có tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng chịu đựng cao đối với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường, khả năng chống chịu bệnh tật cao, khả năng di chuyển và sống sót cao của tinh trùng trong điều kiện bảo quản lạnh đạt 70 - 80%. Cá mú đen Epinephelus coioides cái có thịt trắng tươi ngon, giá trị dinh dưỡng cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng thích nghi với môi trường tốt, sức sinh sản cao (600.000 - 1.900.000 trứng/kg cá cái), mùa vụ sinh sản quanh năm.

Kết quả nghiên cứu ban đầu nhóm nghiên cứu thuộc Chi nhánh Ven biển/Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã sản xuất giống cá mú lai thành công từ nguồn cá bố mẹ được thu từ tự nhiên đưa về nuôi thành thục tại lồng bè khu vực Đầm Báy, đảo Hòn Tre, vịnh Nha Trang. Cá mú nghệ E.lanceolatus đực có chiều dài khoảng 1 m, khối lượng 50 kg, 3 tuổi; cá mú đen E.coioides cái có chiều dài 30-45cm, khối lượng 3,5-6 kg, 4 tuổi. Việc cho cá mú lai đẻ tiến hành vào ban đêm khoảng 18h đến 24h do lúc này nhiệt độ thấp, ít ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển phôi của trứng. Trứng cá mú lai (mới thụ tinh) trương nước, nổi lơ lửng gần mặt nước, có đường kính 857 µm và đường kính giọt dầu là 185 µm.  


Sản xuất cá mú lai tại Chi nhánh Ven biển/Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga
a-Thu tinh trùng cá đực; b-Thu trứng cá mẹ; c- Trứng cá mú lai đã thụ tinh

Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy quá trình phát triển phôi để hình thành ấu trùng trong thời gian 18h-18h30, tỷ lệ nở thu được từ 65-80%. Ấu trùng sau 2 ngày hết noãn hoàng, ăn thức ăn ngoài bằng thức ăn là tảo, luân trùng siêu nhỏ. 

     Quá trình phát triển phôi hình thành ấu trùng cá mú lai
a-Trứng thụ tinh; b- Phôi nang; c-Phôi vị; d- Phôi hình thành đốt cơ; e - Ấu trùng mới nở

Sau 45 ngày ấu trùng tiến hóa hoàn thiện cơ thể để hình thành cá có kích thước 1,5 cm. Kết quả ương nuôi ấu trùng đạt tỷ lệ sống 8-10%, số lượng cá hương thu được là 15.000 con, cho cá ăn bằng thức ăn là luân trùng, Artemia và thức ăn tổng hợp. Hiện nay, nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục sản xuất giống và nghiên cứu ương nuôi cá đến giai đoạn cá giống 6 cm và xây dựng quy trình sản xuất giống. 
     

Quá trình phát triển ấu trùng thành cá mú lai kích thước 1,5 cm
f - Ấu trùng 2 ngày tuổi; g - Ấu trùng 7 ngày tuổi; h- Ấu trùng 12 ngày tuổi; i- Ấu trùng 35 ngày tuổi; j - Ấu trùng 45 ngày tuổi (cá hương)

Tại Việt Nam, đây là nghiên cứu lần đầu tiên được thực hiện thành công. Với những kết quả ban đầu đạt được sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu làm chủ được công nghệ sản xuất cá mú lai mới giữa cá mú nghệ Epinephelus lanceolatus đực và cá mú đen Epinephelus coioides cái trong tương lai.

 Đoàn công tác của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và Chi nhánh Ven biển tham quan, kiểm tra kết quả sản xuất giống cá mú lai tại trại sản xuất giống
 

Tin bài: Hải Yến (CNVB)