TextBody

Các rạn san hô Việt Nam và cái chết được báo trước từ lâu

05/07/2023

Với đà suy giảm hiện nay, nhiều rạn san hô lộng lẫy rồi sẽ chỉ còn là quá khứ. Là nơi cư trú lý tưởng, là mái nhà trú ẩn, là bãi đẻ cho hàng nghìn loài sinh vật biển, sự suy giảm của san hô mang tới nỗi vô vọng về tương lai của môi trường và nguồn sống.

Mùa hè năm ngoái tôi đưa con đi biển Đà Nẵng. Bước vào cửa khách sạn, con reo lên đòi chụp ảnh với một cây san hô trắng muốt trưng bày giữa sảnh. “Nhành san hô này có khi đã cả trăm tuổi đấy, vì mỗi năm loài này chỉ nhích lên được vài centimet thôi” - tôi nói với con.

Ăn vào tương lai

Một bài học về biển cả mà đứa trẻ bảy tuổi cũng có thể nhắc là rạn san hô là một trong những mái nhà nuôi nấng nguồn lợi biển. Mất rạn san hô không chỉ là mất một vẻ đẹp lộng lẫy của biển cả, mà còn gây ra sự đứt gãy sinh thái lớn hơn rất nhiều, thậm chí gây khủng hoảng cho cả hệ sinh thái ở các bãi, đảo, vịnh trù phú mà con người đang có. 

Mất rạn san hô là mất nơi cư trú, nơi sinh sống của các cộng đồng sinh vật có mối liên kết chặt chẽ với nhau: trên rạn có tảo cộng sinh để quang hợp, tạo ra năng suất sơ cấp cho các loài cá ăn tảo, tiếp theo là các loài cá ăn thịt, tạo dây chuyền thức ăn. Rạn san hô không còn thì chuỗi thức ăn đứt gãy, không chỉ nguồn lợi, sản lượng sinh vật có thể khai thác cũng biến mất theo mà chất lượng môi trường biển cũng suy tàn.

Bài học ấy - người lớn răn dạy trẻ, đưa vào sách giảng, đưa vào các chương trình phát triển bền vững, nhưng chính người lớn lại dễ dàng quên. Thế nên những đứa trẻ bảy tuổi ngày hôm nay đang có cơ hội cuối cùng được nhìn thấy những cụm san hô lộng lẫy ở Nha Trang, có thể là cơ hội cuối cùng được nhìn ngắm san hô ở những vùng biển khác nữa.

Với nhà sinh học có cả thập niên nghiên cứu về san hô ở Nha Trang và dọc vùng biển miền Trung cho đến Phú Quốc như giáo sư Konstantin S. Tkachenko (Đại học Sư phạm và xã hội quốc gia Samara, Nga) thì 10 năm ấy cũng là 10 năm ông chứng kiến cái chết đến từ từ với các rạn san hô này, bị “bức tử” chủ yếu do nhân tai trong một thời gian dài.

San hô ở Nha Trang đã bị xóa trắng. Ảnh: Na Sơn.

Chỉ riêng với rạn Nha Trang, nơi ông và các đồng sự ở Viện Hải dương học có điều kiện nghiên cứu liên tục, đo đạc theo trình tự thời gian, kết hợp công cụ lập bản đồ rạn và phân tích hệ thống thông tin địa lý GIS, công bố trên tạp chí Marine and Freshwater Research vào năm ngoái, đã ghi nhận 90% san hô biến mất so với những năm 1980.

Và giai đoạn hiện nay, rạn san hô này suy giảm mạnh nhất, đáng báo động nhất. Ít nhất một nửa rạn san hô ở vịnh Nha Trang đã bị con người phá hủy, với việc nạo vét, cải tạo đất và đánh bắt quá mức trước khi bùng phát sao biển gai (2016-2019) và hiện tượng dị thường nhiệt năm 2019. Vịnh Nha Trang đã bị nạo vét cải tạo trên một khu vực rất rộng lớn.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây nhất với tôi vào tháng 6-2022, giáo sư Konstantin liên tục nhấn mạnh nỗi tuyệt vọng trước tương lai của san hô ở vịnh Nha Trang “chắc chắn là hoàn toàn tệ” (definitely negative), “không còn gì để cứu vãn nữa” (there is nothing to save).

Đấy là nỗi tuyệt vọng còn bởi vì các báo cáo khoa học của nhóm ông trên nhiều tạp chí khoa học về tình trạng sức khỏe của các rạn san hô suốt mấy năm nay đã không được lắng nghe. Trước ông, công bố của TS Nguyễn Đức Ái, Đại học Queensland và Viện Hải dương học vào năm 2013 trên tạp chí Coral Reefs, cũng đã cung cấp nhiều bằng chứng thông qua việc đo đạc, đánh giá tác động từ hoạt động xả thải, san lấp, nạo vét ở vịnh Nha Trang để xây dựng các resort, khu du lịch. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng ô nhiễm, làm chết san hô.

Không chỉ có các công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, giới khoa học trong nước cũng cảnh báo nhiều năm nay trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng sức khỏe của san hô ở dọc ven biển miền Trung. Hàng loạt báo đã cảnh báo về tình trạng san hô ở Sơn Trà đang bị suy giảm nghiêm trọng. 

Hai bức ảnh dưới đây cho thấy sự suy giảm san hô nghiêm trọng này tại Nha Trang từ 2014-2019, ghi nhận của Giáo sư Konstatin. 

Báo cáo của Viện Hải dương học Nha Trang từ 5 năm trước cho thấy trong vòng 10 năm qua, khu vực xung quanh bán đảo Sơn Trà đã bị giảm 90% cỏ biển, 42% san hô bị biến mất, và có những vùng đã bị mất trắng hoàn toàn.

Với người có cơ hội nghiên cứu, so sánh nhiều vùng biển Việt Nam như Konstantin S. Tkachenko, ông chỉ còn biết cảnh báo “đánh giá sơ bộ ba vùng ven biển miền Trung của Việt Nam, gồm vịnh Nha Trang, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận (vùng ven biển Vườn quốc gia Núi Chúa), Côn Đảo, trong khu vực quần đảo An Thới ở phía nam quần đảo Phú Quốc và Thổ Chu, thì chỉ còn Côn Đảo vẫn giữ được các rạn san hô trong tình trạng gần như nguyên sinh”. Ông gọi Côn Đảo là “ốc đảo san hô nguyên sinh cuối cùng” của Việt Nam.

Trước những cảnh báo khoa học này, các cơ quan quản lý cũng... liên tục cảnh báo và ban hành các quy định, yêu cầu cùng gìn giữ hệ sinh thái biển. Nhưng quy định vẫn cứ ra, hệ sinh thái rạn vẫn suy giảm mỗi ngày một nhanh. Các khu du lịch nghỉ dưỡng vẫn không ngừng mở rộng diện tích trên các đảo, các vịnh, cùng với đó là cải tạo vùng ven biển, chất lượng nước suy giảm, đánh bắt quá mức. Nuôi trồng thủy sản đang phát triển bùng nổ và làm tăng phú dưỡng của nước biển. Các chất thải, nước thải đô thị chưa được xử lý cũng thải ra biển... Một hiện trạng có “quá nhiều yếu tố tiêu cực được kết hợp để ngăn cản sự phục hồi của san hô” như giáo sư Konstantin S. Tkachenko đánh giá.

Những lời cảnh báo từ lâu 

Không chỉ có rạn san hô, hàng loạt chỉ báo khác về môi trường sinh thái ven biển vẫn đang được đưa ra...

TS Đinh Văn Khương, một nhà sinh học đang nghiên cứu về hệ sinh thái biển, năm ngoái đã công bố một chỉ báo có tính mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn của hệ sinh thái biển. Công bố của anh cho thấy tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe của chuỗi thức ăn lớn hơn chúng ta có thể hình dung và tận mắt chứng kiến. Ngưỡng ô nhiễm kim loại nặng trong môi trường nước nuôi thủy sản được coi là an toàn hiện nay (0,2mg/L) vẫn có hại cho loài giáp xác chân chèo. Ở nồng độ này, 60-70% giáp xác chân chèo bị chết, trong khi đây là nguồn thức ăn chính cho tôm cá ở biển, mất nó thì sẽ mất luôn cả tôm cá.

Những thảm cỏ biển - hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ có tầm quan trọng không kém rạn san hô và rừng ngập mặn, nơi trú ẩn, sinh sống của các loài thủy hải sản; có tác dụng chống xói lở, bảo vệ ven bờ, điều hòa khí hậu; cung cấp vật liệu di truyền, thực phẩm, mỹ phẩm... cho con người - cũng đang trên đà suy giảm.

Vùng ven biển miền Trung là một trong những nơi có thảm cỏ biển phân bố phong phú và đa dạng nhất Việt Nam nhưng số lượng và diện tích phân bố của các loài cỏ biển ở tất cả các khu vực đều đang giảm dần theo thời gian, thậm chí có khu vực suy giảm 80% số lượng loài.

Dẫu chưa có những khảo sát đo đạc trên diện rộng nhưng đã có những chỉ dấu cho thấy ngay cả ở những khu bảo tồn tưởng như trù phú, nguồn lợi cá tôm không còn dồi dào. Công bố mới nhất của nhóm các tác giả ở Viện Nghiên cứu hải sản (kết quả nghiên cứu Khu bảo tồn biển Phú Quốc trong 2 năm) cho thấy cá lớn (có chiều dài > 20cm, tầm 1 gang tay trở lên) chỉ còn chiếm khoảng 1% tổng số cá rạn (trong phạm vi vùng khảo sát).

Vấn đề là những công bố, những đánh giá đó có trở thành những nguồn thông tin quan trọng cho việc điều chỉnh các quy định về môi trường biển hay không.

San hô ở Côn Đảo, ốc đảo san hô nguyên sinh cuối cùng của Việt Nam. Ảnh: Konstantin Tkachenko.

Mẹ chung... ai khóc?

Giáo sư Konstantin S. Tkachenko cho rằng điều cần làm ngay là bảo vệ tuyệt đối những khu vực mà san hô còn sống sót - “có lẽ là hoạt động đáng giá duy nhất”. Không chỉ ngừng các hoạt động du lịch, mà trước hết nên ngừng các hoạt động đánh bắt cá và nuôi trồng hải sản có thể ảnh hưởng tới những khu vực san hô quý báu còn lại này.

Chắc chắn không dễ cho việc đưa ra các quyết định ngừng như vậy, một khi các khu vực ven biển, rạn san hô đang chính là bờ xôi ruộng mật cho nhiều bên, từ ngành du lịch, khai thác đánh bắt tới nuôi trồng. Ngành nào cũng có tham vọng, có mục tiêu phát triển, mở rộng thị trường, chỉ có biển là cạn kiệt và mong ước bảo tồn khó có chỗ chen chân.

Các khu du lịch vẫn không ngừng mở rộng diện tích trên các đảo, đi cùng những hoạt động xây cất ráo riết quy mô lớn. Rất nhiều tàu đánh cá vẫn đang đi đánh bắt mỗi ngày, tất cả các loài săn mồi tự nhiên là thiên địch của sao biển gai đã bị ngư dân đánh bắt gần hết. Nuôi trồng thủy sản đang phát triển bùng nổ và làm tăng phú dưỡng của nước biển. Các chất thải, nước thải đô thị chưa được xử lý cũng thải ra biển, đặc biệt là phân bón từ các cánh đồng...

Những thiệt hại từ việc mất đi các rạn san hô không chỉ liên quan đến sự tàn phá vẻ đẹp tự nhiên, sự đa dạng sinh học mà còn là mất đi nguồn lợi kinh kế. Giá trị thủy hải sản xuất khẩu, cơ hội sinh kế của ngư dân ven bờ... tất cả sẽ không còn trong vài thập niên tới, khi các rạn san hô biến mất khỏi biển cả. Và đấy là cách chúng ta đang ăn vào tương lai của thế hệ sau, làm đứt gãy hệ sinh thái biển và hầu như không còn cơ hội lấy lại.

Nguồn: NGUYỄN THU QUỲNH

 https://cuoituan.tuoitre.vn/cac-ran-san-ho-viet-nam-va-cai-chet-duoc-bao-truoc-tu-lau-1652768.htm