Cán bộ khoa học Viện Sinh thái Nhiệt đới nhận Quyết định phê duyệt đề tài Sau tiến sĩ (Postdoc) năm 2019
25/07/2019Ngày 14/06/2019 vừa qua, Học viện Khoa học và Công nghệ đã tiến hành trao Quyết định phê duyệt các đề tài Sau tiến sĩ (Postdoc) năm 2019 thuộc “Chương trình sau tiến sĩ tạo nguồn lực khoa học công nghệ cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam”.
Trong số 17 cá nhân chủ nhiệm xuất sắc đã được tuyển chọn năm nay, có 1 cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái Nhiệt đới – Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã vinh dự được nhận quyết định và được tôn vinh trong buổi lễ ký hợp đồng triển khai thực hiện đề tài.
Tiến sĩ trẻ Vũ Đình Duy sinh năm 1986, quê quán tại Hải Dương, xuất thân trong gia đình nông nghiệp truyền thống không có ai làm khoa học, với nỗ lực phấn đấu không ngừng, sau khi tốt nghiệp Đại học chính quy, TS. Vũ Đình Duy đã có thời gian hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trong thời gian này, anh đã tham gia chủ trì 1 đề tài, là thành viên nghiên cứu chính của 10 đề tài, đã công bố tổng cộng 54 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, trong đó có 14 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI.
Năm 2018, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trung Quốc về ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong bảo tồn đa dạng sinh học, TS. Vũ Đình Duy đã chuyển về công tác và làm việc chính thức tại Viện Sinh thái Nhiệt đới – Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga với mong muốn được cống hiến cho đất nước và lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam những ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực bảo tồn mà bao lâu nay anh tâm huyết.
Với cương vị là cán bộ nghiên cứu tại Phòng Sinh thái Cạn – Viện Sinh thái Nhiệt đới – TTNĐVN, được sự giúp đỡ của thủ trưởng Viện và Trung tâm, ý tưởng của TS. Vũ Đình Duy vẫn ấp ủ về Bảo tồn nguồn gen loài Gù hương (Cinnamonmum balansae H. Lecomte) ở một số Khu bảo tồn ở miền Bắc Việt Nam đã được hội đồng xét duyệt hồ sơ sau tiến sĩ năm 2019 của Học viện KH và CN thông qua, đây là 1 trong 17 ý tưởng xuất sắc nhất thuộc các lĩnh vực như Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin và Viễn thông, Cơ học và Tự động hóa, Hóa học, Khoa học Vật liệu và Năng lượng, Công nghệ môi trường, Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
Có thể nói, chương trình Sau tiến sĩ tạo nguồn lực khoa học công nghệ cao là chương trình có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, kịp thời, nhằm hỗ trợ các Tiến sĩ trẻ công tác trong nước có cơ hội để hiện thực hóa các ý tưởng và công trình khoa học có giá trị, và phát huy tiềm năng, năng lực bản thân trong nhiều lĩnh vực về khoa học tự nhiên.
Chương trình chắc chắn đã, đang và sẽ là nguồn động lực to lớn tiếp sức cho cộng đồng các nhà khoa học trẻ để có thể tiếp tục nghiên cứu và phát triển các ý tưởng mới từ khoa học cơ bản đến triển khai ứng dụng.
Bài: Phạm Mai Phương
Ảnh: Học viện Khoa học và Công nghệ
Bài viết liên quan