<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Cần Thơ đặt hàng nghiên cứu giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu

22/01/2024

Lãnh đạo TP Cần Thơ đặt hàng nhà khoa học 5 nhóm nghiên cứu nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, giúp phát triển kinh tế xã hội địa phương và vùng Tây Nam Bộ.

Thông tin được ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói tại hội nghị giới thiệu chương trình khoa học công nghệ quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (KC.15 giai đoạn 2021-2030) sáng 20/1. Hội nghị do Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP HCM và UBND TP Cần Thơ tổ chức với sự tham gia của đại diện các địa phương trong vùng, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp...

Theo ông Trường, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm cả nước nhưng phải đang đối mặt với các thách thức về biến đổi khí hậu, tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực và thành phần kinh tế. Do đó, việc xây dựng và triển khai các giải pháp với tầm nhìn dài hạn, mang tính khả thi để thích ứng biến đổi khí hậu rất quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đưa ra 5 nhóm vấn đề mang tính cấp bách, đặt hàng nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp cùng giải quyết, thích ứng với tác động thượng nguồn sông Mekong, trở thành vùng kinh tế trọng điểm.

Ông đặt hàng các nghiên cứu về mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh giúp địa phương và vùng thúc đẩy kinh tế xã hội theo hướng phát triển bền vững. Lãnh đạo TP Cần Thơ mong muốn các nhà nghiên cứu đưa ra cơ sở khoa học thực tiễn, các mô hình công nghệ bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, các giải pháp thích ứng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở, lún, giảm khí nhà kính, bảo vệ môi trường đất, nước, không khí. Nhà khoa học cũng được đặt hàng nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp thông minh, lại tạo giống có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu. Nghiên cứu vật liệu mới phát triển đô thị thông minh, kiến trúc xanh thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VNU-HCM

Chính quyền TP Cần Thơ đặt hàng nghiên cứu phát triển hệ thống giao thông thủy thông minh, hệ thống cấp nước và ngăn mặn thông minh, hệ thống dự báo sụt lún cho các vùng có nguy cơ cao. Địa phương cần những nghiên cứu khoa học xã hội về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và triển bền vững vùng.

Ông Trường đề nghị chuyên gia nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương quan tâm đề xuất triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ có tính khả thi và kỳ vọng các nghiên cứu mang lại hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái, so với chương trình phát triển Tây Nam Bộ giai đoạn giai đoạn 2015 - 2020, chương trình KC.15 có thời gian triển khai dài hơi hơn nhằm giải quyết các vấn đề của vùng mà giai đoạn trước bị hạn chế do vấn đề thời gian. Ngoài ra, KC.15 đề cập vấn đề thời sự cấp bách với vùng như nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn áp dụng chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Thái gợi ý một số hướng nghiên cứu thiết thực cho vùng như, phương án trồng, chế biến lúa, thủy sản có tính mới từ khâu chọn giống, quy trình canh tác mang lại hiệu quả không chỉ về năng suất mà còn giảm phát thải khí nhà kính. Các sản phẩm này khi xuất khẩu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VNU-HCM

Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang tái cơ cấu quy định đặt hàng địa phương, tuyển chọn tổ chức tham gia, quản lý các chương trình này theo hướng giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian "để các đề tài sớm đi vào cuộc sống", Thứ trưởng nói. Chương trình sẽ ưu tiên cho việc đặt hàng từ các cơ quan nhà nước tại địa phương với các vấn đề mang tính cấp bách và khuyến khích nhà khoa học, doanh nghiệp có năng lực được ưu tiên trong quá trình tuyển chọn, triển khai thực hiện. "Chương trình được xây dựng nhằm mục tiêu bám sát chiến lược phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ các kết quả nghiên cứu sẽ có sự hỗ trợ mạnh mẽ, giúp các địa phương thực hiện quy hoạch phát triển phù hợp", ông Thái nói.

Góp ý góc độ nhà khoa học, GS Võ Tòng Xuân (chuyên gia đầu ngành về lúa), cho rằng, cần có các nghiên cứu cụ thể về những tác nhân phát thải khí nhà kính do con người tạo ra. Bởi hiện nay, nhiều nông nông dân đang lạm dụng phân bón hóa học, ảnh hưởng môi trường. Do vậy cần có các nghiên cứu với phương án hướng dẫn nông dân thay đổi hành vi. Ông cho rằng, trong phát triển kinh tế xã hội của vùng cần hướng đến việc thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu hơn là tìm cách chống lại nó.

Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tháng 12/2023, được coi là chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 2. Ở giai đoạn 1 năm 2014 -2020 có 64 đề tài nghiên cứu được ứng dụng, chuyển giao giúp phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL.

Theo Hà An (vnexpress.net)