Chi nhánh Phía Nam
Ban Giám đốc
Giám đốc: Đại tá, TS. Nguyễn Văn Thịnh; Giám đốc phía Nga: TS. Palko I.V
Chính trị viên: Đại tá Hoàng Hải Thụy
Phó Giám đốc: Trung tá Hoàng Đức Quang; Thượng tá Nguyễn Quang Huy
Địa chỉ: Số 3 đường 3/2, Quận 10, TP. HCM.
Điện thoại: 069 653800; Fax: 069 653813; 028 38356270
GIỚI THIỆU CHUNG
Chi nhánh Phía Nam (Chi nhánh) là đơn vị trực thuộc và là đại diện của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Trung tâm) ở khu vực phía Nam. Chi nhánh được thành lập theo Quyết định số 30/QĐ-TM ngày 20 tháng 02 năm 1992 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thường vụ Đảng uỷ, Ban Tổng Giám đốc Trung tâm phê duyệt ngày 20/02/1992 là ngày thành lập, ngày truyền thống của Chi nhánh Phía Nam.
CÁC ĐƠN VỊ NGHIÊN CỨU
Trung tâm Nghiên cứu điều trị Oxy cao áp (OXCA)
Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng và thử nghiệm
CHỨC NĂNG
- Tiến hành nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
- Ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, chuyển giao công nghệ.
- Tham gia đào tạo cán bộ khoa học.
- Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Trung tâm để thực hiện các chức năng trên.
NHIỆM VỤ
- Nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực độ bền nhiệt đới, sinh thái nhiệt đới, y sinh nhiệt đới phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và kinh tế quốc dân.
- Thực hiện dịch vụ khoa học kỹ thuật, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
- Phối hợp hoạt động KH&CN trên lĩnh vực độ bền nhiệt đới, sinh thái nhiệt đới, y sinh nhiệt đới đối với các đơn vị trong và ngoài Trung tâm để triển khai nhiệm vụ.
- Xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN của Chi nhánh đáp ứng yêu cầu phát triển của Trung tâm.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Tổng Giám đốc Trung tâm giao.
KẾT QUẢ CHÍNH
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Chi nhánh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng Trung tâm, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Trung tâm. Cùng với đó là sự đoàn kết, nỗ lực và cống hiến của các thế hệ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Chi nhánh, những đóng góp này đã đưa Chi nhánh vượt qua những giai đoạn khó khăn và có sự phát triển như ngày nay. Các kết quả chủ yếu đạt được như sau:
Trên hướng nghiên cứu Độ bền nhiệt đới, Chi nhánh đã xây dựng, thử nghiệm và áp dụng thành công nhiều quy trình công nghệ bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, nổi bật như: Công nghệ chân không, khí trơ dùng trong niêm cất vũ khí; công nghệ chế tạo ăng ten rađa quân sự có độ bền nhiệt đới cao thay thế các ăng ten nhập từ Nga (P12, P18, P37, chấn tử ăng ten IL 13-3 và 55J6 theo nguyên mẫu do Liên bang Nga sản xuất có độ bền nhiệt đới cao); công nghệ chống ăn mòn bằng phương pháp bảo vệ catốt; công nghệ sản xuất vật liệu bảo quản trang thiết bị kỹ thuật quân sự từ nguồn dầu mỏ Việt Nam; tủ bảo quản khí tài quang học; xây dựng giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao độ bền nhiệt đới cho cụm đài thông tin bảo đảm bay của quân chủng PK-KQ tại Trường Sa; công nghệ bảo quản súng bộ binh bằng chất ức chế bay hơi không dầu mỡ; bảo quản khí tài quang học bằng chất ức chế ăn mòn chống nấm mốc; phục hồi và nâng cao tuổi thọ trục khuỷu xe thiết giáp chở quân M113 bằng công nghệ phun phủ nhiệt; công nghệ thấm cácbon - nitơ QPQ và xử lý kép các chi tiết vũ khí bộ binh; công nghệ chế tạo chất lỏng làm mát VN-RU-30; quy trình chế tạo sản phẩm bột khử mùi hôi chân BKM.VN; xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chuẩn quốc gia, tiêu biểu như TCVN/QS 2239:2023 Chất lỏng làm mát động cơ VN-RU.… Một số công nghệ đã được tiêu chuẩn hóa và được Bộ Quốc phòng cho phép ứng dụng để bảo quản, nâng cao tuổi thọ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của vũ khí trang bị ở một số đơn vị trong quân đội. Ngoài ra, trong lĩnh vực thử nghiệm tự nhiên, Chi nhánh đã và đang triển khai các chương trình thử nghiệm trên hệ thống sân phơi mẫu tại Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng và thử nghiệm Cần Giờ.
Trên hướng nghiên cứu Sinh thái nhiệt đới, phát huy thế mạnh về tiềm năng đội ngũ cán bộ khoa học có uy tín trong lĩnh vực sinh thái của Liên bang Nga, Chi nhánh đã chủ trì và phối hợp với các tổ chức khoa học trong và ngoài quân đội triển khai nghiên cứu đa dạng sinh học và hiện trạng các hệ sinh thái nhiệt đới tiêu biểu tại nhiều vườn quốc gia (VQG) và khu bảo tồn (KBT) trên địa bàn các tỉnh phía Nam (như các VQG YokĐôn, Cát Tiên, Bi đúp - Núi Bà, Lò Gò - Xa Mát, Côn Đảo, Phú Quốc, Bù Gia Mập; các KBT Vĩnh Cửu, Bình Châu - Phước Bửu, Cần Giờ…); nghiên cứu vai trò của các hệ sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu thông qua hoạt động của 2 trạm quan trắc Nam Cát Tiên và Cần Giờ; nghiên cứu những tác động nhân sinh và biến đổi khí hậu lên các hệ sinh thái hạ lưu sông Mê Kông; nghiên cứu đa dạng sinh học tại các khu quân sự của Quân khu 7 và Quân khu 9; nghiên cứu tổng hợp sinh thái, tài nguyên sinh vật biển tại khu vực quần đảo Trường Sa. Từ kết quả thu được đã đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái khu vực nghiên cứu, thu thập danh mục các loài động thực vật và công bố các bài báo khoa học và xuất bản các chuyên khảo, atlat về động thực vật của Việt Nam; đề xuất các giải pháp để bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên sinh học.
Một số kết quả tiêu biểu trong nghiên cứu sinh thái ứng dụng là nghiên cứu thuần dưỡng, huấn luyện cá heo phục vụ khoa học và các mục đích khác; nghiên cứu phòng tránh tai nạn do chim gây ra ở các sân bay quân sự; nghiên cứu trồng rau xanh năng suất cao trên các vùng biển đảo Trường Sa; duy trì hiệu quả mô hình nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao tại Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng và thử nghiệm Cần Giờ .
Trong lĩnh vực nghiên cứu bảo vệ môi trường, Chi nhánh đã đạt nhiều kết quả ứng dụng vào thực tiễn, đó là: thiết bị công nghệ đảm bảo môi trường sạch cho sản xuất dược phẩm và thuỷ sản; thiết bị lọc nước phục vụ cho sinh hoạt của các đơn vị quân đội và các cụm dân cư quy mô lớn; thiết bị lọc nước siêu tinh khiết dùng cho việc pha dịch truyền; các thiết bị Box, Hote vô trùng phục vụ cho các bệnh viện trong và ngoài quân đội; công nghệ xử lý rác thải cho bệnh viện; thiết bị, công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt trên các vùng biển đảo Trường Sa; các trang thiết bị bảo hộ phòng bụi vi khuẩn, phòng chống dịch bệnh (dịch SARS, H5N1,…); công nghệ sinh thái trong xử lý nước thải chăn nuôi…
Trên hướng nghiên cứu Y sinh nhiệt đới, Chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên nghiên cứu về dịch hạch ở Tây Nguyên. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn góp phần làm rõ nguồn gốc, lịch sử hình thành và lây truyền bệnh dịch hạch trên thế giới, đóng góp thiết thực cho Chương trình quốc gia phòng chống dịch hạch tại Việt Nam. Chi nhánh đã phối hợp với Viện Y sinh nhiệt đới nghiên cứu xây dựng phương pháp chẩn đoán, điều trị, dự phòng và phục hồi sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin; nghiên cứu về khả năng thích nghi của phi công Việt Nam trong quá trình sử dụng các máy bay chiến đấu hiện đại do LB Nga sản xuất nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và an toàn bay; nghiên cứu giám sát các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện và quay trở lại Việt Nam bằng các phương pháp hiện đại; nghiên cứu, ứng dụng liệu pháp OXCA trong điều trị bệnh và phục hồi chức năng, trong những năm qua đã điều trị cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Hiện nay, Phòng thí nghiệm của Chi nhánh đang triển khai hoạt động theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025: 2017 (Vilas 1236); Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường VIMCERTS 300; Hệ thống nuôi tôm tại Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng và thử nghiệm Cần Giờ áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Phòng Y sinh Nhiệt đới xây dựng và được Bộ Y tế công nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real time RT-PCR.
Đóng quân trên địa bàn rất năng động về hoạt động KHCN&MT, Chi nhánh luôn chủ động phối hợp tham gia giải quyết nhu cầu thực tiễn của địa phương. Trong giai đoạn 1996 - 2023, Chi nhánh đã chủ trì, tham gia thực hiện 45 đề tài, nhiệm vụ, dự án KH&CN cấp Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh trong khu vực, góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường của các địa phương ở khu vực phía Nam.
Khen thưởng
Ghi nhận những thành tích đã đạt được, Chi nhánh Phía Nam đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội và TTNĐ Việt - Nga tặng thưởng:
- Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Ba (12/2005)
- Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhì (11/2011)
- 03 Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng (2003, 2010, 2011)
- 05 Cờ thi đua của TTNĐ Việt - Nga (2002, 2004, 2005, 2006, 2009)
- 06 lần được Trung tâm tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng (2000, 2001, 2007, 2008, 2021, 2023).
Trong hoạt động KH&CN, Chi nhánh đã nhận được 07 giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam - VIFOTEC (2 giải bạc, 2 giải đồng, 3 giải khuyến khích); một số công nghệ, sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước đạt 12 huy chương (7 vàng, 2 bạc, 3 đồng); Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, thực hiện các phong trào biển đảo Tổ quốc giai đoạn 2003 - 2009; Trung tâm OXCA được Bộ KH&CN tặng Cúp vàng và Giấy chứng nhận “Thương hiệu uy tín chất lượng” năm 2009.