Chó H’mông cộc đuôi - Tiềm năng cho ngành chó nghiệp vụ Việt Nam
23/02/2023Ngày nay, thế giới đã bước vào cuộc công nghệ 4.0 với sự phát triển mạnh về khoa học, kỹ thuật đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ hiện đại, tối ưu phục vụ cho lợi ích của con người. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội ở một số nhiệm vụ cụ thể bên cạnh những sản phẩm công nghệ hiện đại, tối ưu con người còn cần thêm những công cụ hỗ trợ đặc biệt khác mà không thể thay thế bằng máy móc được. Trong các lực lượng vũ trang cũng như các lực lượng chấp pháp phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm bom mìn,… ngoài việc sử dụng các loại máy móc hiện đại thì việc sử dụng chó nghiệp vụ là không thể thay thế và càng trở nên cần thiết.
Hiện nay, ở Việt Nam có 3 trung tâm lớn huấn luyện chó nghiệp vụ là Trường Trung cấp 24 Biên phòng (Bộ Quốc phòng), Trung tâm Huấn luyện và Sử dụng động vật nghiệp vụ (Bộ Công an) và Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, chó được sử dụng để huấn luyện nghiệp vụ chủ yếu là các giống chó nhập ngoại, với khí hậu nhiệt đới gió mùa của Việt Nam cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ và khả năng làm việc của chúng, trong khi đó các giống chó bản địa của Việt Nam với ưu thế thích nghi cao, dễ chăm sóc… lại chưa được chú ý đưa vào khai thác sử dụng. Như vậy, nhu cầu đặt ra là cần có những giống chó bản địa Việt Nam thực hiện nghiệp vụ trong các lực lượng an ninh, quốc phòng và cứu hộ cứu nạn. Với những vấn đề cấp thiết đặt ra cho ngành chó nghiệp vụ nước ta, Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt - Nga đã tiến hành đánh khảo sát, nghiên cứu, đánh giá khả năng thực hiện nghiệp vụ của các giống chó bản địa.
Tại Việt Nam, từ năm 2006 đến nay, TTNĐ Việt - Nga đã mở đề tài nghiên cứu về khu hệ chó bản địa Việt Nam, ứng dụng khai thác làm chó nghiệp vụ. TTNĐ Việt - Nga đã tiến hành nghiên cứu thành phần khu hệ chó bản địa Việt Nam tại các tỉnh từ phía Bắc đến Nam Trung Bộ Việt Nam. Đã tiến hành được 6 chuyến khảo sát tại 28 tỉnh thành của Việt Nam (Hà Nội, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Thu thập và ghi nhận được 14 giống và dạng chó (Việt dingo, Dingo lớn, Dingo lùn, H’mông lông dài, H’mông cộc đuôi, Bắc Hà, Sharky, Akita, Laika, Sarpei, Chó Lào, Chó Phú Quốc, Chó Dạng kéo xe và Chó Dạng sói).
Ngày 2 và 3 tháng 6 năm 2007, tại bãi tập của Trường Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã tiến hành buổi kiểm tra trắc nghiệm các giống chó bản địa được mua trong các chuyến khảo sát tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam vào thời gian tháng 12/2006 và tháng 1/2007. Yêu cầu của bài kiểm tra là tìm hiểu khả năng của các giống chó nói trên đối với việc huấn luyện và triển vọng sử dụng cho các mục đích nghiệp vụ.
Phương pháp được lựa chọn cho việc kiểm tra là phương pháp đánh giá các đặc điểm cơ bản của các hành vi trong huấn luyện tương phản rõ rệt ở chế độ ép buộc trong điều kiện khắc nghiệt. Nhiệt độ trong bóng râm khoảng 35 - 36oC, độ ẩm - 90%. Ngoài ra, trước mỗi buổi kiểm tra tất cả các chó dự tuyển đều phải chạy ở tốc độ trung bình với độ dài 2 km.
Có 3 giống chó tham gia kiểm tra:
1. Việt Dingo - tên Cún, giới tính cái, khoảng 1,5 tuổi;
2. Chó Bắc Hà - tên Nick, giới tính đực, khoảng 1,5 tuổi;
3. Chó H’mông cộc đuôi - tên Gấu, giới tính đực, 8 tháng tuổi.
Cả 3 cá thể trên đều có dấu hiệu rất rõ của các bệnh liên quan tới trao đổi chất do thiếu đạm và khoáng trong chế độ dinh dưỡng, vì thế nên có thể trạng không tốt. Ngoài ra, đối với 2 cá thể chó lớn (Cún và Nick) không thể sử dụng một cách đầy đủ phương pháp huấn luyện dựa trên nguyên tắc khuyến khích tích cực bởi vì chúng đã hoàn toàn mất “thói quen” ăn thịt - thứ được sử dụng trong bài kiểm tra như phần thưởng. Vì lý do đó, việc kiểm tra 2 cá thể chó lớn này đã không được thực hiện.
Chó H’mông cộc đuôi - Gấu, mặc dù chó thể trạng không tốt (cơ yếu, có dấu hiệu rối loạn chức năng thận) nhưng vẫn có phản ứng tốt đối với thức ăn, đã vượt qua kiểm tra một cách hoàn hảo, thể hiện khả năng xuất sắc trong việc tiếp thu các bài học. Trong 2 buổi học, Gấu đã lĩnh hội được hơn 10 mệnh lệnh và không hề tỏ ra mệt mỏi về mặt thần kinh. Để so sánh, với khối lượng bài tập và phương pháp kiểm tra nêu trên, một cá thể chó với khả năng trung bình (trong điều kiện thời tiết và sức khỏe bình thường) cần phải trải qua 7 buổi học. Với cá thể chó có khả năng tốt cần phải 4 buổi học.
Ngày 27 tháng 6 năm 2007, cũng tại bãi tập nêu trên đã diễn ra bài tập kiểm tra đối với chó H’mông cộc đuôi - Gấu. Trong bài tập đã tiến hành kiểm tra trí nhớ và khả năng đào tạo lại của chó H’mông cộc đuôi (Huấn luyện viên cố tình phá vỡ điều kiện hình thành thói quen phức tạp chưa được học hết của Gấu). Tất cả các lệnh đã học đều được Gấu thực hiện đúng, thậm chí còn tốt hơn so với buổi tập thứ 2. Việc đào tạo lại được thực hiện rất nhanh và nó không hề tỏ ra bối rối và cũng không cần phải có một sự cố gắng đặc biệt nào trong việc tiếp thu.
Theo các tiêu chí cơ bản về hành vi dùng để đánh giá sự thích hợp của chó đối với việc sử dụng cho mục đích nghiệp vụ, các phẩm chất của chú chó này được đánh giá như sau:
1. Dạng hành vi: hưng phấn - rất điển hình.
2. Sự cân bằng của hệ thần kinh: xuất sắc.
3. Sức chịu đựng của hệ thần kinh: đặc biệt cao.
4. Trí thông minh: phát triển rất cao.
5. Trí nhớ: xuất sắc.
6. Khả năng tiếp xúc: ở mức bình thường.
Theo đánh giá của chuyên gia người Nga A.N.Vlasenko dựa trên các kết quả kiểm tra, có thể kết luận được rằng chó Gấu thuộc giống H’mông cộc đuôi có những khả năng vượt trội hơn hẳn so với các giống chó nghiệp vụ châu Âu mức độ trung bình trong việc tiếp thu các bài huấn luyện.
Chuyên gia người Nga A. N. Vlasenko (người đội mũ) đánh giá chó H’mông cộc đuôi - Gấu.
Với đánh giá như trên của chuyên gia về giống H’mông cộc đuôi, nhóm nghiên cứu về khuyển học của TTNĐ Việt - Nga đã lựa chọn giống chó H’mông cộc đuôi để nghiên cứu đặc điểm sinh học và xác định đặc điểm phân bố, cũng như nghiên cứu, đánh giá khả năng thực hiện nghiệp vụ của chúng, mà trước tiên là tìm kiếm phát hiện các chất ma túy.
Theo hệ thống phân loại chó của Hiệp hội chó giống thế giới FCI (Ferderation Cynology International), giống chó H’mông cộc đuôi thuộc nhóm 5 - nhóm chó Spitz và chó cổ xưa, phân nhóm 7 - Chó săn có hình dạng cổ xưa.
Với kết quả nghiên cứu của mình, Trung tâm đã biên soạn và công bố một bản tiêu chuẩn giống chó H’mông cộc đuôi. Đây là một trong hai bản tiêu chuẩn cho hai giống chó đầu tiên của Việt Nam được công nhận tiêu chuẩn giống tại Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA).
Quyết định công nhận tiêu chuẩn giống chó đầu tiên cho giống chó H’mông cộc đuôi do TTNĐ Việt - Nga biên soạn.
Từ tháng 03 năm 2013 đến tháng 10 năm 2015, TTNĐ Việt - Nga đã triển khai đề tài cấp Quốc gia hợp tác với LB Nga theo Nghị định thư “Ứng dụng công nghệ gen trong công tác chọn giống chó bản địa H’mông cộc đuôi”. Một trong những nội dung của đề tài là sử dụng công nghệ gen với sự tham gia của các chuyên gia Nga đã giúp việc chọn giống chó chính xác hơn, qua đó tiết kiệm được thời gian, kinh phí và công sức nghiên cứu. Theo Tiến sĩ Bùi Xuân Phương - Chủ nhiệm đề tài: công nghệ gen này giúp cho việc chọn giống chỉ mất 3 - 4 năm, trong khi công nghệ truyền thống phải mất 8 - 12 năm.
Thực hiện đề tài nói trên, TTNĐ Việt - Nga phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý, huấn luyện và Sử dụng động vật nghiệp vụ (nay là Trung tâm Huấn luyện và Sử dụng động vật nghiệp vụ)/ Bộ Công An đã huấn luyện thành công 12 cá thể chó H’mông cộc đuôi làm nghiệp vụ (chuyên khoa lùng sục phát hiện các chất ma túy), đạt tiêu chuẩn tốt nghiệp chó nghiệp vụ tại Trung tâm này. 12 cá thể chó H’mông cộc đuôi được chia làm hai đợt huấn luyện, mỗi đợt 06 cá thể (đợt 1: 18/6/2014 - 22/12/2014; đợt 2: 4/3/2015 - 10/9/2015). Kết quả cho thấy, chất lượng huấn luyện chó H’mông cộc đuôi phát hiện các chất ma túy so với giống chó Berger của Đức và Malinois của Bỉ đang được sử dụng phổ biến là tương đương nhau. Sau khi đề tài được nghiệm thu, ngày 18 tháng 9 năm 2015, TTNĐ Việt - Nga đã bàn giao cho Cục Cảnh sát quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ/ Bộ Công an 12 cá thể chó H’mông cộc đuôi đã tốt nghiệp để đưa vào sử dụng trong điều kiện thực tế.Hiện nay, giống chó H’mông cộc đuôi vẫn tiếp tục được nghiên cứu và đánh giá cùng với một số giống chó bản địa khác trong công tác huấn luyện nghiệp vụ. Ngoài khoa mục tìm kiếm phát hiện các chất ma túy, còn định hướng mở rộng nghiên cứu trong tìm kiếm phát hiện chất nổ, bom mìn vật liệu nổ, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn… Đây là giống chó bản địa có đầy đủ khả năng và năng lực để đưa vào huấn luyện nghiệp vụ - một đối tượng đầy tiềm năng cần được sử dụng trong ngành chó nghiệp vụ nhằm phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội.
Gấu - chó H’mông cộc đuôi đầu tiên được TTNĐ Việt - Nga huấn luyện nghiệp vụ.
Tin bài: Trần Hữu Côi (Viện Sinh thái nhiệt đới)
Bài viết liên quan
Khoa học & công nghệ