Chuyển giao cây giống Sa mu dầu cho các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ và đặc dụng một số tỉnh phía Bắc
27/10/2022Tháng 10/2022, dưới sự quan tâm của các địa phương về nguồn giống Sa mu dầu chất lượng, Viện Sinh thái nhiệt đới/Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã triển khai thành công việc chuyển giao nguồn cây giống - trao đổi nguồn gen cho 4 đơn vị: Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BQL KBTTN) Pù Hoạt tỉnh Nghệ An, BQL Rừng đặc dụng Mẫu Sơn tỉnh Lạng Sơn, BQL Rừng phòng hộ huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang, BQL Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái.
Chương trình này nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (TTNĐ Việt-Nga) “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và kỹ thuật sinh học phân tử phục vụ bảo tồn và phát triển loài Sa mu dầu ở Việt Nam” do đồng chí Trung tá, ThS Phạm Mai Phương làm chủ nhiệm, Viện Sinh thái nhiệt đới là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cán bộ có chuyên môn sâu của Trường Đại học Lâm Nghiệp và BQL KBTTN Pù Hoạt tỉnh Nghệ An thực hiện từ tháng 6 năm 2020. Đề tài đã nghiệm thu xuất sắc vào tháng 6/2022.
Cán bộ BQL KBTTN Pù Hoạt - huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An tiếp nhận cây giống đưa vào Trạm Quản lý bảo vệ rừng Na Chạng - Nghệ An. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu TTNĐ Việt-Nga).
Nhìn chung, trong xu thế toàn cầu đang ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều loài động thực vật hoang dã đang dần bị suy giảm về quần thể, một mặt do hoạt động khai thác quá mức, mặt khác do xáo trộn môi trường sống. Trong bối cảnh đó, TTNĐ Việt-Nga là một trong những đơn vị đã và đang triển khai nhiều hành động quyết liệt, ghi nhận nhiều thành quả đem lại những giá trị nhất định, góp phần giữ gìn, bảo tồn tài nguyên động vật và thực vật thông qua một loạt các nghiên cứu, khảo sát dã ngoại, ký kết hợp tác, công trình công bố...
Cho đến nay, kết quả hoạt động KH&CN của TTNĐ Việt-Nga về bảo tồn đa dạng sinh học, nhân giống các loài quý hiếm, trao đổi nguồn gen có giá trị bảo tồn trong thời gian qua đã xác định được hướng phát triển đáp ứng các yêu cầu trong giai đoạn mới, khẳng định vai trò là một trong các đơn vị của quân đội tham gia bảo vệ môi trường, anh ninh sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu - các thách thức an ninh phi truyền thống. Các nghiên cứu tập trung vào khảo sát, đánh giá về hiện trạng các vùng phân bố tối ưu về môi trường cho đối tượng loài, đánh giá tình trạng nguồn gen các loài quý hiếm; nhận định những yếu tố khách quan, chủ quan ảnh hưởng tới sự suy giảm nguồn gen và mất dần diện tích đất các vùng phân bố trong tự nhiên, kéo theo sự suy giảm hoặc gia tăng vùng trồng thuần loài.
Đối với đề tài này, kết quả chính thu được gồm: (1) Bộ bản đồ hiện trạng phân bố và bản đồ thích nghi tiềm năng của các quần thể Sa mu dầu với các đặc trưng về tài nguyên đất và khí hậu; (2) Hồ sơ nguồn gen các cây trội tại các vùng sinh thái phía Bắc Việt Nam, (3) Báo cáo đánh giá đa dạng của các quần thể Sa mu dầu; (4) Bộ chỉ thị phân tử SSR tối ưu đáp ứng trong nghiên cứu đánh giá mức đa dạng di truyền loài Sa mu dầu và các loài khác trong chi hoặc cùng họ; (5) Quy trình kỹ thuật nhân giống hữu tính loài Sa mu dầu; (6) 2000 cây giống Sa mu dầu đạt tiêu chuẩn về sinh trưởng và sạch bệnh; (7) Công bố 06 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế.
Kết quả nghiên cứu là tư liệu khoa học quan trọng trong các chương trình cải thiện nguồn gen, có liên quan đến các quy tắc thực hành mới nổi về tiếp cận và chia sẻ lợi ích của các nguồn gen, sử dụng hợp lý đa dạng di truyền vì lợi ích của tất cả các bên liên quan; cung cấp thông tin, tài liệu cho các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý của các ngành liên quan để có cơ sở chỉ đạo, hoạch định chính sách đầu tư, xây dựng kế hoạch thực hiện.
Tại buổi sinh hoạt chuyên môn với nhóm đề tài của TTNĐ Việt-Nga, Giám đốc BQL RPH huyện Mù Cang Chải, anh Nguyễn Tư Khoa đã khẳng định mong muốn được mở rộng hướng nghiên cứu sang các cây rừng quý hiếm có giá trị dược liệu và kinh tế cao phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học gắn với du lịch bền vững, nhằm phát triển mô hình “Rừng đa dụng” tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Sau khi đề tài nêu trên được nghiệm thu, TTNĐ Việt-Nga đã phê duyệt giao Viện Sinh thái nhiệt đới chuyển giao miễn phí cho các đơn vị toàn bộ sản phẩm dạng I của đề tài gồm 2.000 cây giống Sa mu dầu (Cunninghamia konishii), đây là số cây giống được nhân giống theo phương pháp sinh sản hữu tính bằng hình thức gieo hạt từ những hạt giống thu từ các cây trội trong rừng tự nhiên, được chăm sóc và theo dõi sinh trưởng trong thời gian hơn 12 tháng, đạt kích thước đường kính từ 2-5 mm, chiều cao từ 30 - 45 cm. Số lượng cây giống đã chuyển giao cho các đơn vị gồm: Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BQL KBTTN) Pù Hoạt tỉnh Nghệ An: 500 cây; BQL Rừng đặc dụng Mẫu Sơn tỉnh Lạng Sơn: 250 cây; BQL Rừng phòng hộ huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang: 400 cây; BQL Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái: 850 cây.
Thủ trưởng TTNĐ Việt-Nga cũng chỉ đạo Viện Sinh thái nhiệt đới và nhóm thực hiện đề tài phối hợp với các đơn vị tiếp nhận cây giống tiếp tục theo dõi sự phát triển của số cây đã chuyển giao để đánh giá hiệu quả đề tài khi ứng dụng thực tế, đồng thời mở rộng hướng nghiên cứu sang các cây rừng quý hiếm, có giá trị bảo tồn khác.
Buổi tham quan và làm việc của Giám đốc BQL Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải - tỉnh Yên Bái tại Vườn ươm Sa mu dầu Trường ĐH Lâm nghiệp do nhóm cán bộ khoa học Viện Sinh thái nhiệt đới đảm nhiệm (8/2022). (Ảnh: Vũ Đình Duy và cộng sự).
Nhóm đề tài Viện Sinh thái nhiệt đới chuyển giao 850 cây giống Sa mu dầu cho BQL Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Phạm Mai Phương và cộng sự).
Nhóm đề tài Viện Sinh thái nhiệt đới chuyển giao 400 cây giống Sa mu dầu cho BQL RPH huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Phạm Mai Phương và cộng sự).
Nhóm đề tài Viện Sinh thái nhiệt đới chuyển giao 250 cây giống cho BQL Rừng đặc dụng Mẫu Sơn tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Hoàng Thị Thu Trang).
Nhóm đề tài Viện Sinh thái nhiệt đới chuyển giao 500 cây giống cho BQL KBTTN Pù Hoạt - Nghệ An. (Ảnh: Phạm Mai Phương và cộng sự).
Cán bộ kỹ thuật của BQL KBTTN Pù Hoạt - huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An tiếp nhận 500 cây giống đưa vào tiếp tục nhân nuôi tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Na Chạng - Nghệ An. (Ảnh: Phạm Mai Phương và cộng sự).
Các đề tài, nhiệm vụ do TTNĐ Việt-Nga thực hiện nhằm bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển bền vững như một nghiên cứu điển hình để chứng minh sự tiến triển từng bước thông qua đánh giá của các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan, bổ sung cơ sở dữ liệu cho các chương trình quỹ gen, có thể tạo ra lợi ích cho cả nông dân và xã hội. Trọng tâm là những kinh nghiệm thu được và những bài học từ việc thu nhận các đánh giá về hiện trạng và khả năng triển khai trên các địa phương và vùng sinh thái phù hợp.
Tin bài: Nguyễn Đặng Thành (Phòng Kế hoạch khoa học),
Phạm Mai Phương (Viện Sinh thái nhiệt đới).
Bài viết liên quan
Khoa học & công nghệ