TextBody

Clathrus ruber - loài nấm có hình thái đặc biệt được ghi nhận tại Vườn quốc gia Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông

24/11/2023

Được mô tả ban đầu từ Địa Trung Hải, Clathrus ruber được tìm thấy ở miền bắc California, cũng như ở Nam Mỹ và Châu Á. Mặc dù được coi là một loài châu Âu, Clathrus ruber hiện nay phân bố rộng rãi ở cả vùng Bắc Phi, Châu Á, Úc, Bắc và Nam Mỹ. Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga ghi nhận loài Clathrus ruber lần đầu tiên tại Vườn quốc gia Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông trong chuyến khảo sát thực địa tháng 5 năm 2023.

Quả thể Clathrus ruber non có hình trứng, đường kính 3 - 5 cm, màu trắng đến nâu nhạt; sau đó phát triển làm cho màng ngoài nứt lộ ra phần thịt nấm màu đỏ cam. Bề mặt được phủ lớp chất nhầy sền sệt màu nâu đen, mùi hôi khó chịu. Quả thể trưởng thành có dạng mạng lưới, các mắt lưới phát triển dài theo chiều dọc, sau đó vỡ ra giải phóng bào tử vào tự nhiên; gốc nấm gắn với thân rễ màu trắng.

Bào tử kích thước 4-6 x 1,5-2 µm; hình trụ; trơn nhẵn. Các nang bào chiều ngang 6-15 µm; trơn; vách mỏng; hệ sợi chuyển sang màu vàng trong KOH. Sợi nấm xoắn rộng 1-7 µm; trơn; vách mỏng; không màu trong KOH; thường có vách ngăn; thỉnh thoảng có kết nối kẹp; đôi khi kết thúc ở các tế bào phình rộng, hình vảy có đường kính lên tới 10 µm.

Sinh thái: Clathrus ruber mọc đơn độc hoặc thành nhóm 2-3 cá thể, thường gần các mảnh vụn gỗ, trên bãi cỏ, vườn, đất canh tác…

Hình 1: Quả thể Clathrus ruber hình trứng khi còn non.

Hình 2: Quả thể Clathrus ruber ở các giai đoạn trưởng thành.

Tin bài: Phạm Thị Hà Giang (Viện Sinh thái nhiệt đới)