Công nghệ đem lại hiệu quả cao trong công tác giám sát tài nguyên và môi trường

16/11/2018

Vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của một loại công nghệ mới đã tạo nên những bước đột phá trong công tác giám sát, khảo sát địa hình, đặc biệt đã giúp cho công tác đo đạc và thành lập bản đồ địa hình diễn ra thuận lợi và nhanh chóng với độ chính xác cao. Đó chính là thiết bị UAV Drone.

Ảnh minh họa UAV đang trong trạng thái hoạt động

UAV là viết tắt của Unmanned aerial vehicle, có nghĩa là Thiết bị bay không người lái, hoặc Máy bay không người lái, các loại máy bay không có phi công ở buồng lái và được điều khiển từ xa từ trung tâm.
Đầu năm 2018, trong khuôn khổ của đề tài E 1.2, UVA Drone đã được sử dụng thành công trong công tác trinh thám địa hình, thành lập bản đồ cảnh quan, bản đồ thực vật cho Vườn quốc gia BiDoup Núi Bà tỉnh Lâm Đồng và Vườn quốc gia Cát Tiên tỉnh Đồng Nai.

Cán bộ khoa học Viện Sinh thái Nhiệt đới tự học tập điều khiển thiết bị UAV

UAV đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới cho các mục đích quay phim, chụp ảnh và thám hiểm những nơi con người khó tiếp cận. Tuy nhiên, hiện nay loại máy bay này được dùng để phục vụ cho mục đích trinh thám quân sự, hoặc dân sự phục vụ xây dựng mô hình số 3D các công trình kiến trúc, thành lập bản đồ nhằm phân tích các khối trượt, đánh giá biến động và lượng hóa sự mất rừng một cách nhanh chóng và độ chính xác cao.

Các loại máy ảnh chuyên dụng với độ phân giải ngày càng cao được thiết kế chế tạo lắp trên các UAV để tiến hành chụp ảnh địa hình. Sự kết hợp với công nghệ GPS/GNSS đã làm tăng hiệu quả ứng dụng UAV trong công tác đo vẽ địa hình (do xác định được chính xác tọa độ địa lý của các pixel trên ảnh chụp).

Ứng dụng UAV có nhiều ưu điểm nổi trội so với các phương pháp đo vẽ ảnh hàng không truyền thống, nhiều loại UAV được thiết kế gọn nhẹ, thao tác nhanh; khởi bay bằng tay. Thuận tiện trong mang vác và tác nghiệp dài ngày trên địa hình khó tiếp cận.

Hiện nay, UAV đã được thử nghiệm thành công trong môi trường thực tế với trần bay lên tới 500 m và khối lượng cất cánh tối đa là 12 kg, cho phép mang theo những trang thiết bị phức tạp, như: máy quét hồng ngoại, camera chuyên dụng…

Đối với các loại bản đồ tỷ lệ lớn cần mức độ chi tiết cao thì đo đạc theo phương pháp truyền thống bằng hệ thống máy toàn đạc điện tử dần lộ rõ những hạn chế nhất định như cự ly đo ngắn, đi lại vất vả. Để giải quyết những khó khăn trên, một trong những nội dung hợp tác giữa cán bộ khoa học Việt Nam và Viện Hàn Lâm khoa học Liên Bang Nga trong khuôn khổ đề tài Ủy ban Phối hợp đã được triển khai từ đầu năm 2018 đã đem lại những kết quả rất khả quan, mở ra những xu hướng mới trong điều tra giám sát lớp phủ bề mặt bằng công nghệ UAV này.

Cán bộ khoa học Nga và Việt Nam tác nghiệp tại BiDoup – tỉnh Lâm Đồng

Chỉ số VARI và TGI được thiết kế đặc biệt cho các máy ảnh thường (không có khả năng ghi lại phổ hồng ngoại) và ở một mức độ nào đó có thể thay thế chỉ số NDVI (ở máy hồng ngoại) (Hunt, 2011). Để chứng minh, nhóm nghiên cứu đã sử dụng ảnh của UAV trong quá trình phân loại thảm thực vật. Đây là một bước tiến mới quan trọng nhất trong lĩnh vực xây dựng bản đồ rừng của Viện Sinh thái Nhiệt đới mà không cần sử dụng tới ảnh hồng ngoại.

Xác định đổi mới công nghệ là yếu tố quan trọng, đội ngũ chuyên gia của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã phối hợp với Cục Bản đồ Bộ TTM trong việc đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu cho cán bộ Trung tâm. Với những bước đi vững chắc, trong tương lai không xa, Viện Sinh thái Nhiệt đới sẽ tiếp tục có những bước phát triển nhằm rút ngắn thời gian và công sức trong việc trinh sát địa hình, giám sát tài nguyên môi trường, là động lực quan trọng để có những sản phẩm khoa học chất lượng./.

Bài và ảnh: Phạm Mai Phương/Viện STNĐ