Công ước năm 1992 về Đa dạng sinh học, Nghị định thư Nagoya và các chính sách, quy định pháp luật về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam

27/05/2024

Trong vòng hơn hai thập kỷ trở lại đây, thế giới chứng kiến sự gia tăng nhận thức của cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của đa dạng sinh học (ĐDSH) đối với cuộc sống của con người, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của pháp luật quốc tế về ĐDSH. Trong số đó phải kể đến Công ước năm 1992 về Đa dạng sinh học (Convention on Biological Diversity - CBD) và Nghị định thư Nagoya năm 2010. Đây là những văn kiện quốc tế quan trọng nhằm bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên sinh học của thế giới.

Tại Việt Nam, việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ đa dạng sinh học và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen đã được cụ thể hóa thông qua hệ thống các chính sách và quy định pháp luật. Những văn bản này không chỉ bảo vệ tài nguyên quốc gia mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững, đảm bảo quyền lợi cho các cộng đồng sử dụng và bảo vệ nguồn gen. Hệ thống pháp luật Việt Nam về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích được xây dựng trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của Công ước ĐDSH và Nghị định thư Nagoya, đồng thời phù hợp với thực tiễn quốc gia.

Heliacria maritima - loài đặc hữu ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Quốc Khánh, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga).

I. CÔNG ƯỚC NĂM 1992 VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC

Công ước CBD được thông qua tại Nairobi, Kenya ngày 22/05/1992; được thoả thuận vào ngày 05/06/1992 tại Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro, Brazil vào năm 1992; và có hiệu lực vào ngày 29/12/1993. Đến nay đã có 196 thành viên (gồm 195 quốc gia Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu) tham gia Công ước này.

Công ước CBD được xem là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo tồn ĐDSH và phát triển bền vững. Công ước chính thức ghi nhận chủ quyền quốc gia đối với nguồn tài nguyên ĐDSH, trong đó có tài nguyên di truyền. Theo đó, nguồn tài nguyên này không còn là của “trời cho” để tất cả những bên tiếp cận ở các quốc gia phát triển có thể tìm kiếm và sử dụng một cách miễn phí. Công ước đã trao cho các quốc gia có quyền điều chỉnh cụ thể đối với nguồn tài nguyên này trong phạm vi chủ quyền quốc gia của mình.

Nấm ly hồng thô - Cookeina tricholoma. Đây là loài nấm có tình trạng bảo vệ là VU (Sách Đỏ Việt Nam 2007). (Nguồn: https://disanthiennhien.cebid.vn/no-luc-bao-ton/cong-uoc-quoc-te).

Mục tiêu của Công ước là: (1) Bảo toàn đa dạng sinh học, (2) Sử dụng lâu bền các bộ phận hợp thành của nó và (3) Phân phối công bằng hợp lý lợi ích có được nhờ việc khai thác và sử dụng nguồn gen bao gồm cả việc tiếp cận hợp lý nguồn gen và chuyển giao thích hợp công nghệ cần thiết có tính đến các quyền sở hữu tài nguyên, công nghệ, nhờ có các tài trợ thích đáng.

Công ước được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc sau: Các quốc gia, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc luật pháp quốc tế có toàn quyền khai thác các tài nguyên của họ theo các chính sách mà họ đề ra; và có trách nhiệm bảo đảm rằng các hoạt động trong phạm vi thẩm quyền hay kiểm soát của họ không làm tổn hại đến môi trường của các quốc gia khác hoặc các khu vực không thuộc thẩm quyền quốc gia.

Việt Nam ký kết tham gia Công ước CBD vào ngày 28/5/1993, được phê chuẩn vào ngày 16/11/1994 và trở thành thành viên chính thức của Công ước vào ngày 14/2/1995. Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm làm Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước này.

Nội dung Công ước CBD tham khảo tại đây

II. NGHỊ ĐỊNH THƯ NAGOYA NĂM 2010 VỀ TIẾP CẬN NGUỒN GEN VÀ CHIA SẺ CÔNG BẰNG, HỢP LÝ CÁC LỢI ÍCH PHÁT SINH TỪ VIỆC SỬ DỤNG NGUỒN GEN TRONG KHUÔN KHỔ CÔNG ƯỚC CBD

Để cụ thể hóa mục tiêu thứ ba của CBD, Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trong khuôn khổ Công ước CBD (sau đây gọi là Nghị định thư Nagoya) được các quốc gia thông qua vào ngày 29/10/2010 trong Hội nghị lần thứ 10 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP-CBD 10) tại Nagoya, Nhật Bản và có hiệu lực vào ngày 12/10/2014.

Nghị định thư Nagoya được thiết lập với mục tiêu chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen qua việc tiếp cận thích hợp nguồn gen và chuyển giao công nghệ phù hợp, xem xét tất cả các quyền đối với nguồn tài nguyên và công nghệ đó và với nguồn ngân quỹ thích hợp, từ đó, đóng góp cho việc bảo tồn ĐDSH và việc sử dụng bền vững các thành phần của ĐDSH. Việc thông qua Nghị định thư được xem là một thành công của COP-CBD 10, là một trong những công cụ pháp lý quốc tế góp phần ngăn chặn việc sử dụng trái phép và xâm phạm nguồn tài nguyên sinh học quốc gia.

Tính đến nay, Nghị định thư Nagoya đã được 141 bên phê chuẩn (bao gồm 140 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu). Việt Nam chính thức là thành viên của Nghị định thư từ ngày 23/4/2014. Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia đối với Nghị định thư này.

 Aethopyga gouldiae (Vigors, 1831) - loài đặc hữu của Việt Nam được ghi nhận tại cao nguyên Đà Lạt. (Ảnh: Phạm Hồng Phương, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga).

Nội dung chính của Nghị định thư Nagoya bao gồm các thành tố cơ bản của quá trình tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (sau đây gọi là ABS - Access and Benefit-sharing) và các yếu tố về thể chế, thực thi Nghị định thư. Trên cơ sở công nhận các quyền chủ quyền đối với ĐDSH, bao gồm nguồn gen, các quốc gia sẽ quy định cụ thể về cách thức tiếp cận nguồn gen và lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen phải được chia sẻ công bằng, hợp lý. Tại Việt Nam, các nguyên tắc này được thực hiện thông qua các quy định về Giấy phép tiếp cận nguồn gen và Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.

Trên cơ sở những quy định của Nghị định thư Nagoya, các quốc gia thành viên sẽ xây dựng khung pháp luật, chính sách quốc gia để thực thi về ABS. Tại Việt Nam, khi ABS được thực hiện, lợi ích được chia sẻ công bằng và hợp lý sẽ là một yếu tố quan trọng, là động lực để bảo tồn ĐDSH, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của cộng đồng địa phương.

Nội dung Nghị định thư Nagoya tham khảo tại đây.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã hưởng lợi đáng kể từ Công ước CBD và Nghị định thư Nagoya, trong số đó không thể không nhắc đến Ấn Độ và Nam Phi. Theo một nghiên cứu năm 2019 của  Avilés-Polanco, đây là hai trong số những quốc gia có số lượng thỏa thuận ABS thương mại lớn nhất (220 và 28) được đăng ký dưới dạng IRCC (Internationally Recognized Certificates of Compliance - Giấy chứng nhận tuân thủ quốc tế) trong ABSCH (Access and Benefit-sharing Clearing-House, một nền tảng trao đổi thông tin về tiếp cận và chia sẻ lợi ích nguồn gen. Đây là một công cụ quan trọng nhằm tăng cường sự chắc chắn và tính minh bạch về mặt pháp lý về các thủ tục ABS).

Một ví dụ ở Ấn Độ: Nước này đã sử dụng Nghị định thư Nagoya để bảo vệ tri thức y học truyền thống của mình và đảm bảo rằng lợi ích từ việc thương mại hóa tri thức này được chia sẻ công bằng với các cộng đồng địa phương. Một số công ty dược phẩm và sản xuất các sản phẩm Ayurvedic (Ayurvedic là một phương pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện đã có từ nhiều thế kỷ trước bắt nguồn từ miền bắc Ấn Độ) nổi tiếng như Piramal Life Sciences, Dabur India Limited, Himalaya Drug Company, Zandu Pharmaceuticals và Arya Vaidya Pharmacy đã hợp tác với các cộng đồng bản địa để khai thác nguồn dược liệu quý giá. Các công ty này không chỉ đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững mà còn thiết lập các thỏa thuận chia sẻ lợi ích, đảm bảo rằng các cộng đồng địa phương nhận được lợi ích xứng đáng và hỗ trợ phát triển. Thông qua sự quản lý của Cơ quan Đa dạng sinh học quốc gia (NBA), Ấn Độ đã thành công trong việc áp dụng cơ chế tiếp cận và chia sẻ lợi ích (ABS), tạo điều kiện cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội cho các cộng đồng địa phương.

Curculigo orchioides, một loại thảo mộc được tìm thấy ở Western Ghats, được thu hoạch để sử dụng trong các phương pháp chăm sóc sức khỏe Ayurvedic. (Ảnh: Aathira Perinchery, https://india.mongabay.com/2020/04/india-bioresource-access-and-benefit-sharing-how-far-have-we-come/).

Với Nam Phi, nơi được biết đến với sự đa dạng sinh học phong phú, đã tận dụng hiệu quả Công ước CBD và Nghị định thư Nagoya để hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên di truyền của mình. Quốc gia này đã phát triển các quy định pháp lý để đảm bảo rằng lợi ích từ việc sử dụng các tài nguyên sinh học bản địa và tri thức truyền thống được chia sẻ với các cộng đồng địa phương. Một ví dụ điển hình là việc thương mại hóa cây Hoodia - Hoodia gordonii (Xhoba), một loại cây mà người San sử dụng như một chất ức chế sự thèm ăn. Tri thức truyền thống này của người San đã được Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (CSIR) sử dụng trong nghiên cứu của họ và đăng ký bằng sáng chế vào năm 1996. Tuy nhiên, năm 2001, người San đã phản đối việc này và đòi hỏi quyền lợi dựa trên tri thức truyền thống của mình. Cuối cùng, CSIR đã phải công nhận người San là người sở hữu tri thức này và năm 2003, tổ chức này đã phải ký một thỏa thuận chia sẻ lợi ích, trong đó, người San được nhận 6% lợi nhuận từ tri thức truyền thống của mình trong tương lai. Mặc dù sau đó, bằng sáng chế này không thành công khi cấp phép lần đầu cho Pfizer Inc. và sau đó là Unilever năm 2005, nhưng hiện tại CSIR đang lên kế hoạch thương mại hóa mới cho Hoodia, và người San giữ vị trí đối tác liên doanh nhỏ trong đó.

III. CHÍNH SÁCH VÀ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TIẾP CẬN NGUỒN GEN VÀ CHIA SẺ LỢI ÍCH TẠI VIỆT NAM

Ở nước ta, việc sử dụng nguồn gen có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên. Những giá trị kinh tế mà nguồn gen mang lại đóng góp không nhỏ vào nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, đồng thời cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng, triển vọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước nếu được áp dụng và quản lý một cách hiệu quả.

Vẹt Hainesii - Tại Côn Đảo, loài chỉ phân bố ở khu vực Đầm Quốc, Hòn Bà với số lượng chỉ có 04 cây.  Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã chấp thuận và đặt hàng Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phối hợp với Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen loài Vẹt hainesii (Bruguiera hainesii C.G. Rogers) cực kỳ nguy cấp ở Vườn quốc gia Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu”. 

Tuy nhiên, trong thực tế, nguồn gen của nước ta đang bị khai thác cạn kiệt, dẫn đến suy thoái. Thêm vào đó, nhiều nguồn gen quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam bị thất thoát, một số nguồn gen có giá trị cao bị tiếp cận, khai thác thương mại khá phổ biến mà không được chia sẻ lợi ích một cách hợp lý, thậm chí nhiều nguồn gen còn bị thất thoát ra nước ngoài qua các dự án hợp tác nghiên cứu.

Đứng trước thực tại đó, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện các biện pháp quyết liệt để bảo vệ lợi ích công bằng trong việc sử dụng nguồn gen thông qua Luật ĐDSH năm 2008, Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về việc quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen và một số văn bản pháp luật khác nhằm đảm bảo rằng nguồn gen quý báu của đất nước được quản lý và sử dụng một cách bền vững và công bằng.

1. Luật ĐDSH năm 2008

Các nội dung về ABS đã được quy định lần đầu tiên tại Luật ĐDSH năm 2008 từ Điều 55 đến Điều 61. Do thời điểm đó, Nghị định thư Nagoya chưa được thông qua, nên các quy định liên quan đến quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen của Luật ĐDSH 2008 được xây dựng phù hợp với nguyên tắc cơ bản của CBD.

Luật ĐDSH tập trung vào thực hiện nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia tối cao và trách nhiệm quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen trên toàn lãnh thổ. Điều này khẳng định Nhà nước là chủ sở hữu duy nhất toàn bộ nguồn gen trên lãnh thổ Việt Nam, với chế độ sở hữu toàn dân. Các quyền và nghĩa vụ của cá nhân được giao quản lý nguồn gen, các quy định cụ thể về cách thức và phương thức tiếp cận, mục đích, kế hoạch, thời gian, chủ thể tiếp cận và các điều kiện đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái cũng được đề ra trong Luật ĐDSH 2008, nhằm đảm bảo sự quản lý hiệu quả và bền vững của nguồn gen tại Việt Nam.

Nội dung Luật Đa dạng sinh học năm 2008 tham khảo tại đây.

2. Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về việc quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen

Nhằm hướng dẫn các nội dung về ABS tại Luật ĐDSH và thực hiện nghĩa vụ là quốc gia thành viên của Nghị định thư Nagoya, vào ngày 12/5/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về việc quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017.

Nghị định được thực hiện trên các nguyên tắc: (1) Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với toàn bộ nguồn gen trên lãnh thổ quốc gia; (2) Bên tiếp cận là tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được thực hiện hoạt động tiếp cận nguồn gen khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép; (3) Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển nguồn gen; (4) Việc chia sẻ lợi ích từ sử dụng nguồn gen phải đảm bảo công bằng, hợp lý giữa các bên có liên quan và góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên sinh học, thúc đẩy các quá trình nghiên cứu khoa học và thương mại hóa nguồn gen, chú trọng đến vai trò của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền.

Về vấn đề chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen, Nghị định nêu rõ các loại hình lợi ích và cách thức chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen dưới hai hình thức bằng tiền và không bằng tiền.

* Các loại hình lợi ích: bao gồm lợi ích bằng tiền và lợi ích không bằng tiền.

- Lợi ích bằng tiền gồm có: (a) Tiền thu thập mẫu vật di truyền; (b) Tiền bản quyền; (c) Tiền nhượng quyền thương mại; (d) Các khoản tiền thanh toán một lần hoặc theo đợt theo thỏa thuận; (đ) Các lợi ích bằng tiền khác phát sinh trong quá trình sử dụng nguồn gen.

- Lợi ích không bằng tiền gồm có: (a) Chia sẻ kết quả nghiên cứu; (b) Quyền được tham gia hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất các sản phẩm thương mại; (c) Quyền được tiếp cận với thông tin khoa học, kỹ thuật liên quan; (d) Chuyển giao công nghệ cho Bên cung cấp nguồn gen; (đ) Đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển nguồn gen; (e) Quyền sở hữu trí tuệ chung tương ứng với tỷ lệ đóng góp đối với kết quả sáng tạo trên cơ sở tiếp cận nguồn gen; (g) Các lợi ích không bằng tiền khác.

* Cách thức chia sẻ lợi ích: bao gồm cách thức chia sẻ lợi ích bằng tiền và cách thức chia sẻ lợi ích không bằng tiền.

- Cách thức chia sẻ lợi ích bằng tiền:

+ Tỷ lệ chia sẻ lợi ích bằng tiền đối với sản phẩm được tạo ra từ quá trình sử dụng nguồn gen không thấp hơn 1% tổng doanh thu hàng năm của sản phẩm đó.

+ Tỷ lệ chia sẻ lợi ích bằng tiền thu được từ việc chuyển giao nguồn gen, dẫn xuất của nguồn gen; sử dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả sáng tạo từ việc sử dụng nguồn gen phải đảm bảo cho Bên cung cấp không thấp hơn 2% tổng giá trị chuyển giao hoặc tổng tiền thu được từ việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ.

+ Tổng lợi ích bằng tiền từ việc tiếp cận, sử dụng nguồn gen được chia sẻ cho các bên liên quan như sau:

Bên cung cấp là Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu bảo tồn, Chủ cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen thuộc nhà nước quản lý, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được nhà nước giao quản lý được chia sẻ 30% lợi ích bằng tiền theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 22 chương III của Nghị định; 70% lợi ích bằng tiền thu được còn lại nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học;

Bên cung cấp là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen được chia sẻ 50% lợi ích bằng tiền được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 22 chương III của Nghị định; 50% lợi ích bằng tiền thu được còn lại nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

- Cách thức chia sẻ lợi ích không bằng tiền:

Việc chia sẻ lợi ích không bằng tiền phát sinh từ hoạt động sử dụng nguồn gen do các bên thỏa thuận và được ghi nhận tại Hợp đồng.

Các đối tượng được chia sẻ lợi ích không bằng tiền, bao gồm: Bên cung cấp đối tác trong nước của Bên tiếp cận là tổ chức nước ngoài và các tổ chức, cá nhân liên quan khác.

Khi công bố các kết quả nghiên cứu khoa học hoặc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả sáng tạo từ sử dụng nguồn gen, các tổ chức, cá nhân phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ của nguồn gen đã tiếp cận.

Ngoài ra, Nghị định còn cung cấp những thông tin liên quan đến giấy phép tiếp cận nguồn gen và chế độ thông tin, báo cáo kết quả việc thực hiện tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.

Nội dung Nghị định số 59/2017/NĐ-CP tham khảo tại đây.

Hemiphyllodactylus cattien - Thạch sùng dẹp Cát Tiên lần đầu tiên được mô tả năm 2023 bởi nhóm nghiên cứu Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và hiện chỉ thu thập được một mẫu vật duy nhất. (Ảnh: Nguyễn Quốc Khánh, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga).

Ngoài Luật ĐDSH, Nghị định số 59/2017/NĐ-CP, ngày 11/9/2019, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BTNMT quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại nhằm hỗ trợ công tác thẩm định, cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen. Cùng với đó, Quyết định số 1141/QĐ-TTg, ngày 27/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen giai đoạn 2016 - 2025. Đề án này của Bộ TN&MT đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để tăng cường năng lực cho các cơ quan liên quan, nhằm bảo đảm đến năm 2025, hệ thống tổ chức, các công cụ quản lý và kỹ thuật tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen được hoàn thiện và vận hành hiệu quả.

Dibamus tropcentr - Thằn lằn mù Ninh Thuận, được nhóm nghiên cứu Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát hiện tại Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận (Ảnh: Lê Xuân Sơn, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga).

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu hiện nay, việc quản lý và bảo vệ ĐDSH trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính sách và quy định pháp luật về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam không chỉ phản ánh cam kết quốc tế mà còn là minh chứng cho sự quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên quý giá này./.

Tin bài: Nguyễn Xuân Ngọc - Phòng TTKHQS

Một số khái niệm sử dụng trong bài:

Nguồn gen: Theo Nghị định 59/2017/NĐ-CP, nguồn gen bao gồm các loài sinh vật, các mẫu vật di truyền trong khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và trong tự nhiên, điều đó có nghĩa là phạm vi của Nghị định bao gồm tất cả các nguồn tài nguyên sinh học ở Việt Nam; nguồn gen có nguồn gốc bản địa hoặc ngoại lai, hoang dã hoặc đã được thuần hóa.

Tiếp cận nguồn gen: Tiếp cận nguồn gen là hoạt động điều tra, thu thập nguồn gen để nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm thương mại.

Sử dụng nguồn gen: Là các hoạt động nghiên cứu và phát triển có sử dụng các thành phần di truyền, hóa sinh và dẫn xuất của nguồn gen, bao gồm cả việc áp dụng công nghệ sinh học theo quy định tại Nghị định 59/2017/NĐ-CP.

Bên cung cấp: Là tổ chức, cá nhân được nhà nước giao quản lý nguồn gen theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Đa dạng sinh học, bao gồm: Ban quản lý khu bảo tồn, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn quản lý nguồn gen trong khu bảo tồn; Chủ cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen quản lý nguồn gen thuộc cơ sở của mình; gen thuộc cơ sở của mình; Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý, sử dụng đất, rừng, mặt nước quản lý nguồn gen thuộc phạm vi được giao quản lý, sử dụng; Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nguồn gen trên địa bàn.

Bên tiếp cận: Là tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động tiếp cận để sử dụng nguồn gen thuộc chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thuật ngữ này có thể được hiểu như thuật ngữ về “Bên sử dụng” của Nghị định thư Nagoya.

*****

Tài liệu tham khảo:

1. Công ước năm 1992 về Đa dạng sinh học.

2. Nghị định thư Nagoya năm 2010 về tiếp cận các nguồn gen và chia sẻ công bằng và hợp lý các lợi ích.

3. Luật số 20/2008/QH12 của Quốc hội: Luật Đa dạng sinh học năm 2008.

4. Nghị định 59/2017/NĐ-CP ngày 12/5/2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.

5. Thông tư số 15/2019/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại.

6. Quyết định số 1141/QĐ-TTg, ngày 27/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen giai đoạn 2016 – 2025.

7. Tài liệu hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12/5/2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen của Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

8. https://www.cbd.int/

9. https://www.thiennhien.net/2018/11/27/vuong-mac-trong-thuc-hien-quy-dinh-ve-tiep-can-va-chia-se-loi-ich-nguon-gen-trong-linh-vuc-lam-nghiep/

10. Roger Chennells, ‘Traditional Knowledge and Benefit Sharing After the Nagoya Protocol: Three Cases from South Africa’, 9/2 Law, Environment and Development Journal (2013), p. 163, available at http://www.lead-journal.org/content/13163.pdf.

11. Avilés-Polanco G, Jefferson DJ, Almendarez-Hernández MA, Beltrán-Morales LF. Factors That Explain the Utilization of the Nagoya Protocol Framework for Access and Benefit Sharing. Sustainability. 2019; 11(20):5550. https://doi.org/10.3390/su11205550.