TextBody

COP 29 - Cơ hội và thách thức trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

03/12/2024

Với chủ đề “Đoàn kết vì một thế giới xanh” (In solidarity for a green world), từ ngày 11-22/11, Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã diễn ra tại Thủ đô Baku, Cộng hoà Azerbaijan và thu hút sự chú ý toàn cầu. Hội nghị lần này tuy để lại nhiều dấu ấn với những tiến triển đáng kể như hoàn thiện khung thị trường carbon và tăng cường tài chính khí hậu, nhưng cũng chỉ ra nhiều thách thức lớn trong hành trình đối phó với biến đổi khí hậu. Sự thiếu đồng thuận về tài trợ cho thích ứng khí hậu, minh bạch trong giám sát và thực hiện giao dịch tín chỉ carbon, hay các vấn đề về dịch chuyển khỏi nguyên liệu hóa thạch cho thấy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều trở ngại cần vượt qua trong tương lai.

COP29 được tổ chức tại Thủ đô Baku, Cộng hoà Azerbaijan (Ảnh: https://vneconomy.vn).

Cam kết tài chính khí hậu: Bước tiến chưa đủ lớn

Một trong những điểm đáng chú ý tại COP29 là cam kết tài chính của các quốc gia phát triển, với lời hứa đóng góp 300 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2035 để hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. Khoản tài trợ này được dự kiến sẽ dành cho hai mục tiêu chính: xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững để giảm thiểu tác động của thời tiết cực đoan và thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang phát triển như Ấn Độ và Nigeria đã chỉ trích cam kết này là không đủ khi nhu cầu thực tế ước tính lên đến 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm. Đại diện Ấn Độ, bà Chandni Raina, đã không ngần ngại bày tỏ sự thất vọng, gọi đây là một "ảo ảnh thị giác" (optical illusion) khi nhận thấy sự chênh lệch quá lớn giữa cam kết và những gì thực sự cần thiết để đối phó với tác động mà người dân đang phải gánh chịu.

Description: https://esgnews.com/wp-content/uploads/2024/11/image-166.png

Bà Chandni Raina, Đại biểu Ấn Độ. (Ảnh: ESGnews).

Malawi là một ví dụ điển hình khi đứng thứ 26 trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, nhưng lại chỉ xếp thứ 158 về mức độ chuẩn bị đối phó với những thách thức này. Ở đây, các dự án quan trọng như chống hạn hán hay phát triển nông nghiệp bền vững vẫn phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn quỹ quốc tế, trong khi tiến độ giải ngân chậm khiến việc bảo vệ cộng đồng khỏi tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu trở nên khó khăn hơn. Những bất đồng này cho thấy rằng dù đã đạt được một số tiến triển, song vẫn cần nhiều nỗ lực hơn trong hành động toàn cầu để đáp ứng các thách thức ngày càng lớn.

Ở Malawi, những nỗ lực quốc tế chưa đủ để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và sinh kế bấp bênh của người dân. (Ảnh: https://www.concern.net/).

Khung thị trường carbon toàn cầu: Thành tựu và thách thức

Sau một thập kỷ đàm phán, COP29 đã chính thức hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường carbon quốc tế, đánh dấu một cột mốc mang tính bước ngoặt trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu. Những nội dung này được quy định rõ ràng tại Điều 6 của Thỏa thuận Paris, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế về giảm phát thải.

Theo đó, Điều 6.2 mở ra cơ chế trao đổi tín chỉ carbon giữa các quốc gia thông qua các thỏa thuận song phương hoặc đa phương, tạo điều kiện để tận dụng tối đa tiềm năng giảm phát thải trên quy mô toàn cầu.Trong khi đó, Điều 6.4 đề cập đến việc xây dựng hệ thống tín chỉ quốc tế, dựa trên các dự án giảm phát thải, như trồng rừng hay phát triển năng lượng tái tạo. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ huy động hàng tỷ USD vào các dự án khí hậu, từ đó giúp đẩy mạnh các sáng kiến bảo vệ môi trường cũng như hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc đạt được mục tiêu khí hậu. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn là đảm bảo tính minh bạch và khả năng giám sát của hệ thống này, nhằm tránh tình trạng lợi dụng, làm giả tín chỉ carbon hoặc không thực hiện đúng cam kết.

Tổ chức Carbon Market Watch đã chỉ trích thỏa thuận của COP29, cảnh báo rằng các “thị trường carbon tự do không kiểm soát” (cowboy carbon markets) có nguy cơ xuất hiện. Đây là những thị trường nơi giao dịch tín chỉ carbon diễn ra với mức độ giám sát và minh bạch rất thấp, tiềm ẩn rủi ro về chất lượng tín chỉ và hiệu quả thực tế trong việc giảm phát thải. Ông Jonathan Crook, trưởng bộ phận chính sách của tổ chức này, bày tỏ mối lo ngại: “Các quốc gia vẫn tự do giao dịch tín chỉ carbon chất lượng thấp mà không có bất kỳ cơ chế giám sát thực sự nào”.

Ông Jonathan Crook. (Ảnh: ESGnews).

Sự bất cập này không chỉ làm giảm hiệu quả trong việc giảm phát thải mà còn có nguy cơ phá hoại uy tín của thị trường carbon toàn cầu. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng nếu không có sự kiểm tra chất lượng và cơ chế minh bạch, thị trường này có thể bị biến tướng thành một công cụ mang tính hình thức hơn là thực chất.

Vấn đề về năng lượng tái tạo: Thiếu sự đồng thuận

Năm 2023, COP28 tại UAE đã thông qua một thỏa thuận mang tính lịch sử mang tên “UAE Consensus”. Thỏa thuận này đánh dấu cam kết của các quốc gia trong việc thực hiện các hành động mạnh mẽ nhằm giảm phát thải từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên. Mục tiêu là giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong thập kỷ này và hướng tới đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, UAE Consensus cũng tập trung vào việc đẩy mạnh năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí methane, coi đây là những yếu tố then chốt trong lộ trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, tại COP29, Saudi Arabia và các đồng minh lại tìm mọi cách để làm chậm tiến trình hoặc đảo ngược cam kết chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch. Thay vì tập trung trực tiếp vào việc giảm phát thải và lộ trình chuyển dịch năng lượng bền vững, những nước này lại đưa các cuộc thảo luận sang khía cạnh tài chính. Cụ thể, họ tìm cách làm cho cam kết giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch được thảo luận như một vấn đề phụ thuộc vào các vấn đề tài chính và các cơ chế hỗ trợ từ các quốc gia phát triển, thay vì ưu tiên các mục tiêu cam kết giảm phát thải trực tiếp.

Theo số liệu của Mỹ, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên chiếm khoảng một nửa tổng nền kinh tế của Azerbaijan và hơn 90% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này. Vì vậy, việc bước sang năm thứ hai liên tiếp COP được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo có mối liên hệ gần gũi với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch cũng gây ra nhiều tranh cãi. Việc ông Mukhtar Babayev (Bộ trưởng Sinh thái và Tài nguyên thiên nhiên của Azerbaijan, đồng thời là cựu Giám đốc điều hành của công ty dầu khí nhà nước Socar), được bổ nhiệm vào vị trí này đã làm nhiều người ủng hộ hành động chống biến đổi khí hậu thất vọng. Họ lo ngại rằng ngành công nghiệp dầu khí đang chiếm ưu thế trong các quyết định và quy trình thảo luận của COP.

Theo Independent, các nhà hoạt động khí hậu đã cảnh báo rằng sự ảnh hưởng của ngành dầu khí có thể làm suy yếu các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. BBC News cũng đưa tin gần đây về việc một quan chức cấp cao của COP đến từ Azerbaijan đã sử dụng vai trò của mình để thúc đẩy các thỏa thuận có lợi cho nhiên liệu hóa thạch trong các cuộc đàm phán quốc tế. Thông tin này càng làm gia tăng lo ngại về việc các mục tiêu chuyển dịch năng lượng và cam kết giảm phát thải có thể bị cản trở bởi lợi ích kinh tế từ ngành dầu khí.

Description: COP29 - kỳ vọng không trọn vẹn -0

Các nhà hoạt động khí hậu phản đối nhiên liệu hóa thạch tại COP29. (Ảnh: https://www.theguardian.com).

COP29 một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của hợp tác toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mặc dù đã đạt được nhiều thỏa thuận và cam kết vì lợi ích chung, song nhiều thách thức lớn vẫn còn đó. Điều này đặt ra yêu cầu các cam kết và thỏa thuận phải được triển khai thông qua các hành động thực tế cụ thể, rõ ràng, minh bạch và hiệu quả hơn trong thời gian tới với tốc độ nhanh và quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường chung và phát triển bền vững của nhân loại./.

Ngọc Nguyễn (P.TTKHQS)

Nguồn tham khảo:

https://esgnews.com/5-key-takeaways-from-cop29-progress-challenges-and-what-lies-ahead/

https://unfccc.int/cop29

https://www.bbc.com/news/articles/crmzvdn9e18o

https://www.earthisland.org/journal/index.php/articles/entry/worlds-first-climate-loss-and-damage-fund-helps-malawians-rebuild/##

https://www.theguardian.com/environment/2024/nov/22/cop29-uae-united-arab-emirates-transition-fossil-fuels-climate

https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cop29-khai-mac-tai-azerbaijan-trong-boi-canh-tranh-cai-ve-moi-quan-he-voi-nhien-lieu-hoa-thach-720475.html