Đa dạng khu hệ chim tại các khu Ramsar của Việt Nam
21/06/2023Công ước Ramsar là công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý, thích đáng những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước, được ký tại thành phố Ramsar, Iran năm 1971. Thỏa thuận liên Chính phủ này nhằm cung cấp khung hoạt động cho các Kế hoạch hành động quốc gia, hợp tác quốc tế về bảo tồn, sử dụng hợp lý đất ngập nước và các nguồn tài nguyên từ đất ngập nước. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có hệ sinh thái đất ngập nước đa dạng, là quốc gia thứ 50 trên thế giới và đầu tiên của khu vực ASEAN chính thức tham gia Công ước RAMSAR từ năm 1989.
Hiện nay, Việt Nam có 9 khu đất ngập nước được công nhận vào là khu Ramsar thế giới. Đây là các khu vực có tính đa dạng sinh học cao, cũng là nơi ghi nhận nhiều loài chim nước quý hiếm. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về đa dạng sinh học khu hệ chim cũng như thông tin về một số loài chim nước quý hiếm ghi nhận được tại các vùng đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar của Việt Nam.
1. Vườn quốc gia Xuân Thủy
Năm 1989, khu bãi bồi phía nam của sông Hồng thuộc huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định (Vườn quốc gia Xuân Thủy) được công nhận là khu Ramsar thứ 50 của thế giới và là khu Ramsar đầu tiên của khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Tại VQG Xuân Thủy đã ghi nhận được 9 loài chim quý hiếm tại đây: Cò thìa mặt đen - Platalea minor, Cò thìa châu Âu - Platalea leucorodia, Rẽ mỏ thìa - Calidris pygmeus, Choắt chân màng lớn - Limodromus semipalmatus, Choắt đốm đen - Tringa stagnatilis, Cò trắng Trung quốc - Egretta eulophotes, Choắt lớn mỏ vàng - Tringa guttifer, Mòng bể mỏ ngắn - Chroicocephalus saundersi...
Choắt chân màng lớn - Limodromus semipalmatus. Cấp độ bảo tồn NT-IUCN (2021) (Ảnh: Phạm Hồng Phương).
Cò thìa mặt đen - Platalea minor; Cấp độ bảo tồn EN - IUCN (2021); En - SĐVN (2007); NĐ - 84/2021. (Ảnh: Phạm Hồng Phương).
2. Khu hệ đất ngập nước Bàu Sấu
Bàu Sấu nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc tỉnh Đồng Nai được công nhận là Ramsar thứ 1.499 của thế giới, đồng thời là khu Ramsar thứ hai của Việt Nam. Bàu Sấu nằm trong vùng chim quan trọng của vùng đất thấp Đông Nam bộ, Việt Nam. Trong đó có rất nhiều loài sống mật thiết với các vùng đất ngập nước. Tại đây ghi nhận 154 loài thuộc 48 họ và 16 bộ. Trong số đó có đến hơn 60 loài chim nước hoặc có tập tính liên quan chặt chẽ đến đất ngập nước. Đặc biệt, tại khu vực này đã ghi nhận được nhiều loài chim quý hiếm, trong đó có 13 loài nằm trong Công ước CITES; 12 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam: Một số loài điển hình như: Hạc cổ trắng - Ciconia episcopus, Công - Pavo muticus, Già đẫy java - Leptoptilos javanicus, Le nâu - Dendrocygna javanica, Le khoang cổ - Nettapus coromandelianus, Gà lôi nước Ấn Độ - Metopidus indicus …
Le khoang cổ-Nettapus coromandelianus; Tình trạng bảo tồn En - SĐVN (2007). (Ảnh: Phạm Hồng Phương).
Hạc cổ trắng - Ciconia episcopus; Cấp độ bảo tồn VU - IUCN (2021); Sách Đỏ Việt Nam 2007; NĐ - 84/2021. (Ảnh: Phạm Hồng Phương).
3. Vườn quốc gia Ba Bể
Năm 2011, Vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn được công nhận là khu Ramsar thứ 1.938 của thế giới và là khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam. Khu hệ chim VQG Ba Bể đã ghi nhận được danh lục thành phần loài có 322 của 38 họ thuộc 16 bộ. Chiếm gần 40% tổng số loài chim trong cả nước. Trong đó, ghi nhận 7 loài đang và sắp bị đe dọa trên toàn cầu gồm: Vạc hoa - Gorsachius magnificus, Rẽ giun lớn - Gallinago nemoricola, Gà so ngực gụ - Arborophila chloropus, Gõ kiến xanh cổ đỏ - Picus rabieri, Hồng hoàng - Buceros bicornis, Niệc nâu - Anorrhinus austeni, Uyên ương - Aix galericulata…
Uyên ương - Aix galericulata-Loài trú đông hiếm ở Đông Bắc Bộ. (Ảnh: Phạm Hồng Phương).
Vạc hoa - Gorsachius magnificus; Cấp độ bảo tồn EN - IUCN (2021); Cr -SĐVN (2007); NĐ - 84/2021. (Ảnh: Internet).
4. Vườn quốc gia Tràm Chim
Năm 2012, VQG Tràm Chim tỉnh Đồng Tháp đã được công nhận và trở thành khu Ramsar thứ 2.000 trên thế giới và thứ 4 của Việt Nam. Tại VQG Tràm Chim đã ghi nhận được 203 loài chim của 55 họ thuộc 15 bộ. Trong đó, có hơn 35 loài quý hiếm bị đe dọa, có ý nghĩa bảo tồn đối với khu vực và thế giới, cần được ưu tiên bảo vệ, với nhiều loài đã và đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức độ khác nhau như: Sếu đầu đỏ - Grus antigone sharpii, Già đẫy lớn - Leptoptilos dubius, Quắm đầu đen - Threskiornis melanocephalus, Cổ rắn - Anhinga melanogaster, Cốc đế -Phalacrocorax carbo, Vịt mồng - Sarkidiornis melanotos, Bồ nông chân xám - Pelecanus philippensis…
Sếu đầu đỏ - Grus antigone sharpii; Cấp độ bảo tồn VU - IUCN (2021);Vu - SĐVN (2007); NĐ - 84/2021. (Ảnh: Internet).
Bồ nông chân xám-Pelecanus philippensis; Cấp độ bảo tồn NT - IUCN (2021); En - SĐVN (2007); NĐ - 84/2021. (Ảnh: Phạm Hồng Phương).
5. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau
Năm 2012, VQG Mũi Cà Mau tỉnh Cà Mau được công nhận là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới và là thứ 5 của Việt Nam. Hệ động vật tại VQG Mũi Cà Mau tiêu biểu là lớp chim. Đã ghi nhận được khu hệ chim ở đây có 93 loài, của 33 họ thuộc 9 bộ, trong đó có 11 loài chim quý hiếm, với 7 loài đang bị đe dọa cấp quốc gia, 7 loài đang bị đe dọa cấp toàn cầu. Các loài điển hình như: Cò trắng Trung Quốc - Egretta eulophotes, Choắt mỏ cong lớn - Numenius arquata, Choắt mỏ cong hông nâu - Numenius madagascariensis, Rẽ mỏ rộng - Limcola falcinellus, Bồ nông chân xám - Pelecanus philippensis, Giang sen - Mycteria leucocephala, Quắm đầu đen - Threskiornis melanocephalus…
Cò trắng trung quốc - Egretta eulophotes; Cấp độ bảo tồn VU - IUCN (2021); Vu - SĐVN (2007); NĐ - 84/2021. (Ảnh: Phạm Hồng Phương).
Choắt mỏ cong lớn - Numenius arquata; Cấp độ bảo tồn NT - IUCN (2021). (Ảnh: Phạm Hồng Phương).
6. Vườn quốc gia Côn Đảo
Năm 2013, VQG Côn Đảo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được công nhận là khu Ramsar thứ 2.203 của thế giới và thứ 6 của Việt Nam. VQG Côn Đảo có tài nguyên đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động thực vật quý, hiếm, đặc hữu, cảnh quan đẹp, hoang sơ. Tại đây ghi nhận 85 loài chim của 32 họ thuộc 17 bộ. Trong đó có một số loài quý hiếm như: Bồ câu Nicobar - Caloenas nicobarica, Gầm ghì trắng - Ducula bicolor, Chim Điên bụng trắng - Sula leucogaster ...
Bồ câu Nicobar - Caloenas nicobarica; Cấp độ bảo tồn NT - IUCN (2021); DD - SĐVN (2007); NĐ - 84/2021. (Ảnh: Internet).
Chim Điên bụng trắng - Sula leucogaster. (Ảnh: Internet).
7. Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen
Năm 2015, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen tỉnh Long An đã được công nhận là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2227 của thế giới. Tại đây đã ghi nhận 122 loài chim. Ngoài các loài bị đe dọa toàn cầu, nơi đây còn có nhiều loài chim bị đe dọa ở cấp gần bị đe dọa như Sếu đầu đỏ - Grus antigone sharpii, Giang sen - Mycteria leucocephala, Cổ rắn - Anhinga melanogaster, Cò Nhạn - Anastomus oscitans …
Giang sen - Mycteria leucocephala; Cấp độ bảo tồn NT - IUCN (2021); DD - SĐVN (2007). (Ảnh: Phạm Hồng Phương).
Cò nhạn - Anastomus oscitans; Cấp độ bảo tồn: Vu - SĐVN (2007). (Ảnh: Phạm Hồng Phương).
8. Vườn quốc gia U Minh Thượng
Năm 2016, Vườn quốc gia U Minh Thượng trở thành khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới. khu hệ chim VQG U Minh Thượng đã ghi nhận được 187 loài chim, trong đó có 9 loài bị đe dọa toàn cầu hoặc gần bị đe dọa toàn cầu như Cổ rắn - Anhinga melanogaster, Bồ nông chân xám - Pelecanus philippensis, Giang sen - Mycteria leucocephala, Quắm đầu đen - Threskiornis melanocephalus, Quắm đen - Plegadis falcinellus, Rồng rộc vàng - Ploceus hypoxanthus, Cốc đen - Pharacrocorax niger…
Quắm đen - Plegadis falcinellus. (Ảnh: Phạm Hồng Phương).
Cốc đen - Pharacrocorax niger. (Ảnh: Phạm Hồng Phương).
9. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long
Tháng 10/2018, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long tỉnh Ninh Bình được công nhận là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam và thứ 2.360 của thế giới. Khu hệ chim tại đây tương đối đa dạng với 129 loài chim thuộc 45 họ của 14 bộ. Trong đó, có hơn 40 loài chim nước thuộc 11 họ. Các loài chim ở đây có rất nhiều loài nằm trong Danh lục Đỏ của IUCN và Sách Đỏ Việt Nam. Một số loài điển hình như: Cò nhạn - Anastomus oscitans, Gà lôi nước - Hydrophasianus chirurgus, Vịt lưỡi liềm - Mareca falcata, Cuốc ngực nâu - Porzana fusca, Sẻ đồng ngực vàng - Emberiza aureola, Sâm cầm - Fulica atra.
Sẻ đồng ngực vàng - Emberiza aureola; Cấp độ bảo tồn: CR - IUCN (2021); II - NĐ84/2021. (Ảnh Phạm Hồng Phương).
Sâm cầm - Fulica atra. (Ảnh: Phạm Hồng Phương).
Tổng hợp: Nguyễn Thị Kim Oanh (Phòng STMTQS-Viện STNĐ)
Bài viết liên quan
Khoa học & công nghệ