Đa dạng khu hệ nấm vườn quốc gia Cát Bà
10/07/2024Trong khuôn khổ nội dung thực hiện đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ được Uỷ ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt, mã số E-1.5, nhiệm vụ 1,2, nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học của TTNĐ Việt - Nga phối hợp với các nhà khoa học Viện Thực vật BIN RAN đã tiến hành chuyến khảo sát từ ngày 10 - 23/6/2024 tại Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà, thành phố Hải Phòng. Nghiên cứu được thực hiện tại các khu vực: Rừng kim giao, Rừng hỗn giao tuyến đường lên đỉnh Ngự Lâm, Rừng trồng Tùng Di, Rừng tre nứa Tùng Di, Rừng thông, Rừng lá rộng tuyến Giáo dục môi trường.
Nhóm nghiên cứu.
Kết thúc chuyến khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đã ghi nhận 72 loài nấm lớn, 50 loài địa y và 5 loài nấm lichenophilic (bằng mắt thường).
Sự đa dạng lớn nhất về phân loại và sinh thái đã được bộc lộ ở các đại diện của nấm aphyllophoroid, chủ yếu các loài nấm hoại sinh trên chất nền gỗ, các loài nấm ngoài rễ trong đất và các mầm bệnh của một số loài. Trong số các loài được xác định, tất cả các loại hình thái chính của nhóm nấm đảm Basidiomycetes có loài đại diện thuộc các chi: Antrodia, Ganoderma, Hexagonia, Microporus, Phellinus, Postia, Rhodofomes), nấm corticoid (các loài thuộc chi Hymenochaete, Peniophora, Phanerochaete, Phlebia, Trechispora, Xylodon), nấm clavioid (Lentaria sp.), nấm thelephoroid (Thelephora sp.), nấm tremelloid (Auricularia cf. auricular-judae).
Đáng chú ý là các loại nấm Agaricoid ghi nhận tại VQG Cát Bà có đặc điểm là quả thể nhỏ và chỉ tìm thấy trên giá thể lá mục hoặc cành rụng. Các đại diện phổ biến nhất là các loài nấm thuộc chi Marasmius, Marasmiellus, Gymnopus. Chúng tôi không ghi nhận được bất kỳ loài nấm cộng sinh nào tại đây. Có thể giải thích rằng, trong thời gian nghiên cứu, thời tiết khô và nóng (trên +30°C), điều này tác động tiêu cực đến sự hình thành quả thể của các loài nấm Agaricoid.
Địa y hầu như chỉ được ghi nhận trên vỏ cây và lá cây của một số loài thực vật thân gỗ; địa y macrolichen cực kỳ hiếm và chỉ được ghi nhận trong họ Parmeliaceae; không tìm thấy địa y trên đất. Hệ thực vật địa y của VQG Cát Bà có sự khác biệt rõ rệt so với các khu vực miền núi của Việt Nam như Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, nơi các loài địa y khá phổ biến và đa dạng. Hệ sinh vật của nấm ưa lichenophilic tại VQG Cát Bà có mức độ đa dạng thấp hơn nhiều so với ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà ở cùng thời điểm nghiên cứu. Những phát hiện thú vị nhất được thực hiện trên địa y biểu sinh, đặc biệt là các loài tương tự như đại diện của chi Ampullifera và Sphaerellothecium.
Một số hình ảnh về sự đa dạng khu hệ nấm VQG Cát Bà
Marasmiellus sp. 1
Marasmiellus sp. 2
Marasmiellus sp. 3
Filoboletus manipularis
Marasmius cf. haematocephalus
Marasmius sp. 3
Lentaria sp.
Geastrum sp.
Microporus sp. 2
Stereum sp.
Tin bài: TS. Phạm Thị Hà Giang (Viện Sinh thái nhiệt đới)
Bài viết liên quan