TextBody

Đa dạng sinh học khu hệ chim Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát

18/07/2024

Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Bát Xát có diện tích hơn 18.600 ha nằm ở đầu dãy núi cao Hoàng Liên Sơn trên địa bàn của 5 xã Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ và Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, thuộc quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng Quốc gia.

Theo các kết quả điều tra, khảo sát trước đây đã đánh giá KBTTN Bát Xát là vùng rừng có tính đa dạng sinh học cao, tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng trên núi cao. Kết quả đã ghi nhận được 940 loài thực vật, 157 loài động vật có xương sống trên cạn. Trong đó, có tới 22 loài động vật thuộc Danh lục đỏ thế giới và 58 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam. Hệ sinh thái rừng ở đây bao gồm: Rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp; rừng kín hỗn giao cây lá rộng, lá kim á nhiệt đới núi thấp; rừng kín lá rộng thường xanh núi trung bình và rừng kín lá rộng thường xanh ôn đới núi cao, lạnh. Đặc biệt là hệ sinh thái rừng thường xanh ôn đới núi cao được xác định là một trong những hệ sinh thái rừng quan trọng bậc nhất Việt Nam.

Trong khuôn khổ nội dung nghiên cứu thuộc Chương trình nghiên cứu Khoa học và Công nghệ được Ủy ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt, mã số E-1.2, nhiệm vụ 3, nhóm nghiên cứu về điểu học của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu từ ngày 22/5/2024 - 03/6/2024 tại KBTTN Bát Xát. Nghiên cứu được thực hiện từ đai độ cao 2000 m đến 3000 m thuộc tuyến đường đi đỉnh Kỳ Quan San. Kết quả đã ghi nhận được 126 loài chim thuộc 42 họ và 8 bộ, cho thấy sự độc đáo về địa hình, khí hậu đã tạo cho khu hệ chim của KBTTN Bát Xát có sự đa dạng tương đối cao về thành phần loài, đại diện cho khu hệ chim của vùng núi cao miền Bắc Việt Nam. Thời gian khảo sát vào đầu mùa mưa, đã ghi nhận một số loài chim đang ở thời kỳ sinh sản, một số loài khác chim non đã ra ràng. Đối với nhiều loài chim thuộc bộ Sẻ trong giai đoạn này có các hoạt động phát ra âm thanh cao và ghi nhận một số tổ đã có trứng. Thời gian khảo sát cũng trùng với thời điểm cuối mùa di cư, nên số lượng các loài chim di cư ghi nhận được tương đối ít, chỉ ghi nhận cho khu hệ một số loài di cư thường gặp như Manh Vân Nam - Anthus hodgsoni, Đớp ruồi đầu xám - Culicicapa ceylonensis...

Phân tích về cấu trúc thành phần loài cho thấy, các loài chim ở KBTTN Bát Xát tập trung chủ yếu là các loài thuộc bộ Sẻ, bao gồm 98/126 loài đã ghi nhận được trong chuyến khảo sát, trong đó một số loài chim có dải phân bố hẹp đại diện cho khu hệ chim của vùng núi cao miền Bắc Việt Nam như: Khướu mặt đen - Trochalopteron affine , Khướu vằn - Trochalopteron subunicolor , Khướu cánh đỏ - Trochalopteron formosum, Lách tách họng vạch - Fulvetta manipurensis, Lách tách ngực vàng - Lioparus chrysotis, Lách tách mày trắng - Fulvetta vinipectus, Gõ kiến nhỏ sườn đỏ - Dendrocopos major, Gõ kiến nhỏ ngực đỏ - Dryobates cathpharius, Trèo cây Himalaya - Sitta himalayensis, Đớp ruồi đầu xanh - Ficedula sapphira, Chào mào mỏ lớn - Spizixos canifrons, Chích đớp ruồi mặt đen - Abroscopus schisticeps

Một số hình ảnh ghi nhận về khu hệ chim tại KBTTN Bát Xát:

Lách tách ngực vàng - Lioparus chrysotis

Lách tách họng vạch - Fulvetta manipurensis

Lách tách mày trắng - Fulvetta vinipectus

Chích đớp ruồi mặt đen - Abroscopus schisticeps

Đớp ruồi đầu xanh - Ficedula sapphira

Chào mào mỏ lớn - Spizixos canifrons

Khướu lùn đuôi đỏ - Minla ignotincta

Khướu lùn đuôi hung - Minla strigula

Khướu cánh đỏ - Trochalopteron formosum

Khướu vằn - Trochalopteron subunicolor

Khướu mặt đen - Trochalopteron affine 

Khướu mào cổ trắng - Yuhina diademata

                                                                   Bài và ảnh: Phạm Hồng Phương (Viện Sinh thái Nhiệt đới)