Đảm bảo an ninh, quốc phòng từ góc nhìn đánh giá tổng hợp địa sinh thái – hàng rào thiên nhiên có dễ vượt qua?

20/08/2024

Video tóm tắt nhanh bài viết:

Trong bài viết kỳ trước, chúng tôi đã trình bày kinh nghiệm tổ chức phát triển tiềm lực của các nhà khoa học Nga trong điều kiện phi đối xứng - dùng nguồn lực nhỏ về vật chất và con người để mang lại những kết quả đáng kể về lý thuyết và ứng dụng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng xem xét một trong các ý tưởng có tiềm năng hợp tác quốc tế, với vai trò chủ đạo là các nhà khoa học Việt - Nga.

Xem bài viết kỳ trước tại đây: 

Vườn Quốc gia nhỏ nhất thế giới - tại đất nước lớn nhất thế giới; Chiến lược phi đối xứng của nhà khoa học Nga?

Ngày Môi trường Thế giới 5/6 nhắc chúng ta về trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường sống của bản thân và thế hệ tương lai. Ngày 22/6 cũng ghi dấu sự kiện Adolf Hitler đơn phương xé bỏ hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau, xua quân Phát xít Đức tấn công Liên bang Xô Viết năm 1941. Bài học lịch sử này vẫn lặp lại ở nhiều nơi, mỗi quốc gia đều cần có chiến lược đảm bảo an ninh, quốc phòng, gìn giữ hòa bình lâu dài cho Tổ quốc. Cùng với dư âm từ những sự kiện truyền thông rộng rãi đã được tổ chức về công tác bảo vệ môi trường, chúng tôi xin trình bày góc nhìn và một số ý tưởng ứng dụng đánh giá tổng hợp địa sinh thái trong phát triển bền vững và bảo đảm an ninh, quốc phòng. 

Sự phát triển mạnh mẽ về khoa học và kỹ thuật đi kèm với thực tế rằng, con người đang ngày càng xa rời không gian sống tự nhiên và đôi khi tự tin thái quá vào những cỗ máy công nghệ hàng đầu của mình có thể thống trị thiên nhiên, dẫu loài người chỉ là một trong vô số loài sinh vật trên hành tinh này. Cũng như con tằm ăn lá và nhả ra tơ trong lòng chiếc nong, hay vi khuẩn phát triển trong môi trường nuôi cấy trên đĩa Petri, con người cũng tiêu thụ các vật chất, năng lượng từ môi trường xung quanh và tạo ra những sản phẩm/chất thải của mình trong một không gian giới hạn mang tên Sinh quyển Trái đất. 

Hình 1 - Không gian giới hạn của Quyển công nghệ do con người tạo ra trong lòng Sinh quyển Trái đất, với tài nguyên giới hạn như trong đĩa Petri nuôi cấy vi sinh vật.

Sinh quyển Trái đất không chỉ bao gồm con người, mà bao gồm rất nhiều thực thể sống vô cùng đa dạng, có quy mô sản xuất vượt trội hơn rất nhiều so với nền công nghiệp hiện nay của nhân loại. Trên thế giới ngày nay, tổng lượng ô tô sản xuất được chưa tới 200 triệu chiếc/năm, tổng lượng sản xuất điện thoại di động đạt chưa tới 2 tỷ chiếc/năm. Một số loài động vật, trong vài tuần, có thể sản xuất ra hàng tỷ tinh trùng, mỗi tinh trùng lại bao hàm cấu trúc, thành phần vật chất di truyền với độ phức tạp hơn xe ô tô và điện thoại di động hàng tỷ lần. Bất kỳ loài vi khuẩn nào ở điều kiện tối ưu đều có thể tăng gấp đôi số lượng trong thời gian ngắn, tạo ra hàng ngàn tỷ bản sao tương tự trong 1 ngày. Tới nay, chưa có công nghệ kỹ thuật sản xuất nhân tạo nào có thể theo kịp quy mô này.

Từ quan điểm địa sinh thái, sự phát triển của công nghệ kỹ thuật nhân tạo hiện nay và trong nhiều thập kỷ tới, được dự báo là chưa thể tuyệt đối vượt qua giới hạn thiên nhiên. Những chướng ngại địa hình, địa vật tự nhiên ở miền Đông Ukraine khiến cả hai lực lượng quân sự mạnh và có trang bị những khí tài hiện đại, vẫn phải lựa chọn tiến quân theo những địa hình phù hợp, chưa thể thành công trong việc băng rừng vượt sông, tấn công và hạ gục dứt điểm đối phương. Có lẽ, nếu địa hình Ukraine không phải miền đồng bằng, mà là miền đồi núi như tại Cộng hòa Chechnya, thì cuộc xung đột hiện nay sẽ gây tổn thất hơn rất nhiều trong mỗi chiến dịch tiến quân.

Nghiên cứu tổng hợp địa sinh thái có thể ứng dụng không chỉ trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, quy hoạch không gian, đảm bảo phát triển dân sự bền vững như thường thấy tại các đề tài, dự án nghiên cứu ở quy mô địa phương chi tiết. Ở quy mô không gian nghiên cứu lớn, đây chính là cơ sở để vận dụng hiệu quả các điều kiện cảnh quan tự nhiên trong phòng thủ quân sự, đặc biệt trong điều kiện các quốc gia nằm ở vị trí chiến lược trên bản đồ thế giới, bao gồm Việt Nam.

Việc nghiên cứu xây dựng các công trình, cụm tổ hợp cảnh quan tự nhiên-bán nhân tạo phục vụ ngụy trang, nghi trang có một số ưu thế như sau: chi phí thấp, tận dụng được các địa hình, địa vật có sẵn, với sự chỉnh sửa tối thiểu; vì bản chất “tự nhiên”, nên các cảnh quan này có mức độ hòa nhập rất cao vào môi trường xung quanh, giúp cản trở bị các phương tiện trinh sát kỹ thuật nhân tạo phát hiện; hoạt động ngụy trang, nghi trang thông qua cải tạo cảnh quan tự nhiên (trồng rừng, tôn tạo địa hình, cải thiện chất lượng môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu...) khó có thể bị diễn giải là tăng cường hoạt động quân sự, chạy đua vũ trang, gây căng thẳng leo thang trong quan hệ láng giềng quốc tế.

Về mặt ngụy trang, nghiên cứu địa sinh thái, tính chu kỳ trong sự biến đổi cảnh quan, là cơ sở quan trọng cho phép “tái lập” cảnh quan tự nhiên, che dấu nguồn lực, hạn chế nguy cơ bị phát hiện. Ví dụ, nếu chỉ đơn thuần trồng 1 ha cây thân gỗ của 1 loài riêng biệt, tạo tán thực vật đơn thuần che dấu công trình và lực lượng quân sự, thì chỉ cần dùng ảnh vệ tinh đa phổ đơn giản, độ phân giải thấp như Landsat của Mỹ sẽ hoàn toàn có thể bóc tách, phát hiện sự khác biệt về thảm rừng nhân tạo (đơn phổ) này so với thảm rừng “phiên bản gốc” gây nhiễu đa phổ - đa dạng thành phần sinh vật tương tác. Khi vị trí thảm rừng nhân tạo bị phát hiện, gây nghi ngờ, thì việc sử dụng các thiết bị trinh sát đường không độ phân giải cao hơn sẽ chắc chắn làm tăng nguy cơ lộ vị trí, bố phòng quân sự. Như vậy, ứng dụng nghiên cứu địa sinh thái cho phép tăng mức độ gây nhiễu đối với hoạt động trinh sát của đối phương, là một khía cạnh cần thiết được xem xét trong chiến lược ngụy trang quốc phòng.

Về mặt nghi trang, việc thực hiện các dự án bảo tồn, phát triển cảnh quan tự nhiên có thể được lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, đem lại hiệu quả lưỡng dụng, đảm bảo phát triển bền vững kết hợp giữa quốc phòng và thúc đẩy kinh tế miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ví dụ, thực hiện trồng các thảm rừng tre, nứa với mật độ dày đặc tại các tuyến biên giới nhất định tại Việt Nam, sẽ làm cản trở hành tiến, giúp bộ đội biên phòng vạch sẵn thế cờ, nâng cao hiệu quả quản lý biên giới trong cả thời bình và thời chiến (hình 2). Khi kết hợp với các hoạt động quảng bá, tổ chức sản xuất và phân phối quốc tế, sẽ tạo vùng nguyên liệu bền vững cho nhiều lĩnh vực xuất khẩu triển vọng từ nhiên liệu (viên nén gỗ có hiệu suất phát nhiệt tốt tương đương than đá), đồ thủ công, mỹ nghệ, các sản phẩm có nguồn gốc từ sợi tre, thuận theo xu hướng sản xuất xanh toàn cầu... Việc phát triển các dự án môi trường lưỡng dụng khó bị diễn giải là tăng cường hoạt động đầu tư quân sự, gây căng thẳng với láng giềng. Nghiên cứu tổng hợp địa sinh thái với ứng dụng công nghệ, phân tích dữ liệu ở quy mô lớn, kết hợp với tư duy và tầm nhìn quản lý liên ngành, sẽ cung cấp phương pháp luận cùng nhiều ý tưởng có tính khả thi cao, tận dụng hợp lý điều kiện cảnh quan và tiềm lực địa phương, tăng cường hiệu quả quản lý biên giới, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Hình 2 - Mô tả vị trí thực địa đã được bố trí thảm rừng với thực vật dày đặc, bắt buộc kẻ xâm lược phải lựa chọn tuyến đường theo ý đồ định trước của bên phòng thủ.

Tóm lại, nghiên cứu địa sinh thái là cơ sở cho sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, quy hoạch lưỡng dụng - đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng trong bối cảnh thế giới hiện nay. Nhận diện đúng vị trí, vai trò, quy mô nghiên cứu địa sinh thái sẽ góp phần kịp thời xây dựng cảnh quan địa sinh thái lưỡng dụng. Một đám cỏ hoang bên bờ sông có thể bị dẫm nát bởi một đứa trẻ, nhưng một cánh rừng rậm phủ lên những triền núi với hang sâu thẳm đã và sẽ luôn là ác mộng cho cả những đội quân xâm lược thiện chiến nhất. 

Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga trực thuộc Bộ Quốc phòng, với kinh nghiệm tích lũy nhiều năm về nghiên cứu tổng hợp địa sinh thái tại các khu vực quân sự, cũng như tiến hành nhiều dự án hợp tác quốc tế về công nghệ, phát triển lưỡng dụng, thường xuyên tiếp thu các ý tưởng trong nước và nước ngoài, đặc biệt về lĩnh vực phân tích dữ liệu không gian, có đủ tiềm lực, kinh nghiệm và triển vọng trở thành đơn vị hàng đầu thế giới về tham mưu chiến lược phi đối xứng trong điều kiện nhiệt đới, quy hoạch xây dựng cảnh quan địa sinh thái lưỡng dụng, đảm bảo an ninh, quốc phòng và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững. 

Bài viết, hình ảnh, video: Nguyễn Trung Hiếu

NCS TS tại Đại học Tổng hợp Voronezh, LB Nga

Trợ lý phòng Kế hoạch khoa học/TTNĐ Việt - Nga