<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Đánh giá đa dạng di truyền để chọn lọc và phát triển nguồn gen chó Phú Quốc

10/01/2022

Chó lưng xoáy Phú Quốc là giống chó đặc hữu của Việt Nam, xuất hiện từ rất lâu trên đảo Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang - Việt Nam. Cùng với chó lưng xoáy Nam Phi và chó lưng xoáy Thái Lan, chó lưng xoáy Phú Quốc có kiểu hình đặc biệt hiếm có trên thế giới là có dải lông mọc ngược dọc theo sống lưng, được gọi là xoáy lưng. Chó lưng xoáy Phú Quốc trung thành, có khả năng săn mồi tốt, thông minh, nhanh nhẹn nên rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự lai tạo vì mục đích thương mại nhằm tạo ra những con chó lưng xoáy Phú Quốc theo những tiêu chuẩn không có cơ sở khoa học đã ít nhiều làm mất đi nguồn gen của chó lưng xoáy Phú Quốc. Nguồn gốc của chó lưng xoáy Phú Quốc cũng chưa được nghiên cứu rõ ràng. Đã có nhiều giả thuyết trái chiều về nguồn gốc của chó lưng xoáy Phú Quốc. Để giữ được thương hiệu giống chó quý của Việt Nam, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa trên chó Phú Quốc để xác định đúng nguồn gốc của giống chó này. Hiện nay ở Việt Nam đã có một số nghiên cứu trên chó Phú Quốc, tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ dừng lại ở việc khảo sát và ghi nhận lại các đặc điểm về hình thái như ngoại hình, các chiều đo cơ thể, khả năng sinh sản… hay nghiên cứu về phương thức chăn nuôi, cách huấn luyện... Chưa có nghiên cứu nào đi sâu về mặt di truyền, nghiên cứu ở mức độ phân tử để có thể cho được một kết luận về nguồn gốc chó Phú Quốc mang tính khoa học nhất. Việc bảo tồn và phát triển giống chó này là rất cần thiết và cấp bách và sau đó là khai thác chúng một cách phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của Huyện đảo Phú Quốc.

Để có cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn và phát triển đàn chó, các vấn đề nghiên cứu sâu cần được nghiên cứu tiếp là xác định ADN của nhóm chó được tuyển chọn cho nghiên cứu đại diện cho giống chó Phú Quốc, đề ra phương án bảo tồn và phát triển đàn chó. Đây là công việc rất quan trọng và cấp thiết để bảo vệ đàn chó, tránh nguy cơ thất thoát cũng như mất nguồn gen quí đặc thù của Phú Quốc vốn nổi tiếng đã lâu. Trước những vấn đề đặt ra, nhóm đề tài Trường Đại học Nguyễn Tất Thành do PGS.TS. Trần Hoàng Dũng đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Đánh giá đa dạng di truyền để chọn lọc và phát triển nguồn gen chó Phú Quốc”.

Sau một thời gian thực hiện, nhóm đề tài đã thu được một số kết quả như sau:

1. Đã tiến hành điều tra, thu thập cá thể chó Phú Quốc ở các vùng địa lý khác nhau.

 Đã thu thập hơn 100 cá thể chó Phú Quốc tại các trang trại nuôi chó Phú Quốc, các khu trung chuyển, các hộ dân, phù hợp với yêu cầu đặt ra. Các cá thể có thể lực và sức khỏe tốt tốt được lựa chọn một cách ngẫu nhiên;

Tiến hành gắn chip trên mỗi cá thể chó Phú Quốc để thuận tiện trong việc theo dõi và quản lý.

2. Đã tiến hành định loại kiểu gen đơn bội (haplotype) 100 cá thể chó Phú Quốc bằng trình tự vùng CR trong genome ty thể và xây dựng được quy trình nhận diện chó Phú Quốc bằng mã vạch ADN.

Hoàn thiện quy trình tách chiết ADN tổng số tối ưu từ lông chó;

Hoàn thiện quy trình khuếch đại đoạn trình tự 582 bp vùng HV1 trong genome ty thể;

Định loại haplotype 100 cá thể chó Phú Quốc, hầu hết các haplotype thuộc các haplotype thuộc các nhóm phổ quát A, B, C và đặc biệt có sự xuất hiện nhóm E (chỉ chiếm 1-2% phân bố hạn hẹp ở một số khu vực Đông Á như Shiba Nhật Bản, Indo Hàn Quốc, Shar-Pei Trung Quốc và Pungsang Triều Tiên) khoảng 26,2%;

Xây dựng được quy trình nhận diện chó Phú Quốc bằng mã vạch DNA.

3. Đã giải thành công genome ty thể 2 cá thể chó Phú Quốc thuộc haplotype E4 và B1.

Trình tự hệ gen ty thể chó Phú Quốc PQ1 (haplotype E4), PQ2 (haplotype B1) đã được giải hoàn chỉnh, với chiều dài lần lượt: 16.760 bp và 16.731 bp. Trong đó vùng kiểm soát dài 1.298 bp ở chó PQ1 và 1.269 bp ở chó PQ2. 202;

Hệ gen ty thể chó PQ1 và PQ2 chứa 13 gen mã hóa protein, 22 gen tRNA, 2 gen rRNA (12S và 16S rRNA) và một vùng không mã hóa gọi là vùng kiểm soát;

Đặc điểm hệ gen ty thể chó PQ1 và PQ2 được so sánh với hệ gen ty thể của chó được nghiên cứu trong công trình của Kim và cộng sự, 1998 cho thấy tổng chiều dài của mtDNA mã hóa cho 13 gen mã hóa protein ở chó PQ1 và chó PQ2 là 11.406 bp. Vùng kiểm soát của mtDNA của chó PQ1 dài 1.299 bp và của chó PQ2 dài1.270 bp. Sự khác nhau về chiều dài là do sự thay đổi số lần lặp lại của một khuôn gồm 10 nucleotide 5’-GTACAC-GT(G/A)C-3’nằm giữa vùng bảo tồn I và II.

4. Đã đánh giá kiểu hình (phenotype) để xây dựng xây dựng quy trình nhận diện chó Phú Quốc bằng đặc tính hình thái.

Đánh giá được một số chỉ tiêu hình thái chó Phú Quốc như cân nặng, chiều cao, chiều dài, ngực, hông, xoáy lưng, ... của chó lưng xoáy Phú Quốc.

Số đo trung bình vòng ngực là 58,31 cm (đực) và 53,92 cm (cái), vòng hông là 47,38 cm (đực) và 44,69 cm (cái), độ dài đuôi là 30,00cm (đực) và 26,85 cm (cái).

Chiều cao ở chó đực và chó cái Phú Quốc trong khoảng 39-51(cm);

Xoáy lưng chó Phú Quốc trong tự nhiên có nhiều hình dạng, tuy nhiên khi quan sát thì được phân thành 5 kiểu cơ bản: hình nốt nhạc, hình gươm, hình yên ngựa, hình nửa yên ngựa và hình mũi tên;

Màu lông chó Phú Quốc được phân làm hai nhóm chính: màu chủ đạo là màu đen và nâu vàng, có nhiều cá thể lông vằn và đốm do quá trình lai tạo bởi con người.

Nghiên cứu quan sát và áp dụng một số chỉ tiêu kiểu hình thông dụng và cơ bản cho các dòng chó nhà trê thế giới trong nghiên cứu chó Phú Quốc cho thấy dòng chó xoáy lưng đặc trưng này thuộc đảo Phú Quốc, Kiên Giang, Việt Nam hoàn toàn khác so với hai dòng chó xoáy lưng còn lại là chó xoáy Thái Lan và Châu Phi. So với hai dòng chó xoáy đã được công nhận trên thế giới, chó xoáy Phú Quốc có trọng lượng nhẹ hơn hẳn, chúng có chiều cao đến vai (BWH) thấp hơn rõ nét so với hai dòng chó xoáy lưng còn lại.

5. Đã xây dựng mô hình bảo tồn chó Phú Quốc tại trang trại chó Thanh Nga tại Huyện đảo Phú Quốc, trang trại của Minh Khang tại Bà Rịa-Vũng Tàu và trang trại của Ruedger Zabler tại Củ Chi.

Các trại nuôi và bảo tồn bán hoãng dã chó xoáy lưng Phú Quốc cần tuân thủ các nguyên tắc quan trọng trong quá trình phát triển, sinh trưởng đồng thời thời giữa lại các tập tính tự nhiên, tránh thoái hóa cần thực hiện các bước theo các khuyến cáo trong báo cáo của đề tài.

Ngoài ra, đề tài đã tạo ra quy trình nhận diện chó Phú Quốc bằng bộ tiêu chuẩn mã vạch DNA cơ sở dữ liệu dưới dạng trang web: http://chd.vnbiology.com/, và trang thông tin chó Phú Quốc: Trung Tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Chó VN. Xác định đặc tính di truyền chó Phú Quốc, cho thấy chó Phú Quốc có quan hệ di truyền với chó nhà Việt Nam hơn là chó lưng xoáy Thái Lan (chó lưng xoáy Thái Lan quan hệ gần với chó nhà Thái Lan) Phân tích dữ liệu hình thái cho thấy chó lưng xoáy Phú Quốc khác biệt rõ nét so với chó lưng xoáy Thái Lan như thân hình nhỏ gọn.... Đã tập hợp đủ dữ liệu hình thái và di truyền cho thấy chó lưng xoáy Phú Quốc có thể là một nòi chó riêng biệt, và đề nghị FCI công nhận là chó giống riêng biệt.

Nguồn: P.T.T (NASATI)