Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ về nghiên cứu thành phần loài họ nấm thông Boletaceae và Entolomataceae tại Vườn Quốc gia Tà Đùng và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng

16/05/2024

Sáng ngày 16 tháng 5 năm 2024, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ về nghiên cứu thành phần loài họ nấm thông Boletaceae và Entolomataceae tại Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng (Đắk Nông) và Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kon Chư Răng (Gia Lai), do Viện Sinh thái nhiệt đới là đơn vị chủ trì thực hiện; đồng chí TS. Phạm Thị Hà Giang là chủ nhiệm. 

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ.

TS. Phạm Thị Hà Giang, chủ nhiệm đề tài.

Việc lựa chọn đề tài nghiên cứu nấm lớn họ Boletaceae và Entolomataceae tại Việt Nam dựa trên nhiều yếu tố quan trọng. Trước hết, nấm lớn đóng vai trò thiết yếu trong hệ sinh thái, tham gia vào quá trình phân hủy các chất hữu cơ có nguồn gốc thực vật, giúp tái tạo dinh dưỡng cho đất và hỗ trợ sự phát triển của cây cối. Nhiều loài nấm còn hình thành mối quan hệ cộng sinh nấm rễ với thực vật bậc cao, đóng góp vào sự phát triển và sức khỏe của hệ thực vật. Cùng với đó, nấm lớn không chỉ là nguồn thực phẩm tiềm năng mà còn cung cấp nhiều chất có hoạt tính sinh học quan trọng cho y học, mở ra cơ hội nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dược liệu mới.

Tuy nhiên, các loài nấm trong họ Boletaceae và Entolomataceae đang bị đe dọa suy giảm do diện tích rừng nguyên sinh ở các vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam, đang giảm sút nghiêm trọng. Điều này đặt ra sự cần thiết phải nghiên cứu và bảo tồn các loài nấm này trước nguy cơ tuyệt chủng. Thêm vào đó, phân loại của hai họ nấm này đã thay đổi đáng kể nhờ sự tiến bộ trong các phương pháp di truyền phân tử, đòi hỏi cần có những nghiên cứu cập nhật để hiểu rõ hơn về đặc điểm và sự đa dạng của chúng.

Hiện nay, nghiên cứu về nấm thuộc họ Boletaceae và Entolomataceae ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đầy đủ nên việc chọn đề tài này không chỉ góp phần làm sáng tỏ về mặt phân loại và sinh thái của các loài nấm này mà còn hỗ trợ cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên nấm ở Việt Nam.

Tại buổi nghiệm thu, TS. Phạm Thị Hà Giang thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài. Theo đó, đề tài đã ghi nhận 62 loài nấm thuộc 14 chi, 2 họ Boletaceae và Entolomataceae trên tổng số 69 mẫu vật thu được ở VQG Tà Đùng (Đắk Nông) và Khu BTTN Kon Chư Răng (Gia Lai). Trong đó, 27 loài nấm thuộc họ Boletaceae và 35 loài nấm thuộc họ Entolomataceae (31 loài thuộc chi Entoloma, 4 loài thuộc chi Clitopilus).

Nhóm thực hiện đề tài.

Đề tài cũng ghi nhận 5 loài nấm mới cho khoa học, trong đó 1 loài thuộc họ Boletaceae: Tylopilus aurantiovulpinus; 4 loài thuộc họ Entolomataceae, chi Entoloma: Entoloma cycneum, Entoloma dichroides, Entoloma peristerinumEntoloma tadungense.

Nhóm nghiên cứu đã thiết lập danh lục 20 loài nấm thuộc họ Boletaceae và chi Entoloma tại VQG Tà Đùng và Khu BTTN Kon Chư Răng, trong đó 12 loài ghi nhận mới cho khu hệ nấm lớn Việt Nam: 7 loài thuộc họ Boletaceae: Cyanoboletus flavocontextus, Boletus mirabilis, Phylloporus nigrisquamus, Phylloporus hainanensis, Phylloporus subbacillisporus, Pulveroboletus ridleyi, Kgaria virescens; 3 loài thuộc chi Entoloma (họ Entolomataceae): Entoloma caespitosum, Entoloma mastoideum, Entoloma omiense;  2 loài thuộc chi Clitopilus (họ Entolomataceae): Clitopilus umbilicatus,  Clitopilus scyphodes.

Entoloma cycneum.

Entoloma dichroides.

Entoloma peristerinum.

Entoloma tadungense.

Nhóm thực hiện đề tài cũng chỉ ra rằng, trong mô hình mô phỏng, độ cao và yếu tố thảm thực vật không phải là yếu tố quan trọng đối với sự phân bố của cả hai nhóm nấm nghiên cứu. Yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bố của 2 nhóm loài chủ yếu là lượng mưa mùa khô và lượng mưa trung bình năm. Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian phát triển của nấm, lượng mưa không đủ vào mùa khô cản trở quá trình sinh trưởng của nấm khiến cho sợi nấm không thể hình thành quả thể. Tuy nhiên, kết quả chạy mô hình chưa chính xác với số liệu nghiên cứu thực tế. Độ cao, đặc điểm của thảm thực vật, nhiệt độ và độ ẩm là các yếu tố sinh thái ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành quả thể, sinh trưởng và phát triển của đa số các loài nấm rễ, trong đó có các loài nấm trong họ Boletaceae và chi Entoloma.

Tylopilus aurantiovulpinus.

Trong số các loài nấm Boletaceae và Entolomataceae ghi nhận ở VQG Tà Đùng và Khu BTTN Kon Chư Răng có 3 loài nấm ăn, 5 loài có khả năng ăn được, 7 loài có độc và 7 loài có khả năng gây độc.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được công bố trên 04 bài báo khoa học, trong đó, 02 bài trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI và 02 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước.

Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng đánh giá đây là nhiệm vụ rất cần thiết, có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn cao. Nhóm nghiên cứu đã hoàn tốt nhiệm vụ đề ra, cung cấp số liệu hoàn toàn mới, có hệ thống về sự đa dạng thành phần loài, một số đặc điểm sinh học và sinh thái học, giá trị của một số loài nấm họ Boletaceae và chi Entoloma tại VQG Tà Đùng và Khu BTTN Kon Chư Răng. Hội đồng cũng đánh giá các nội dung nghiên cứu được thực hiện phong phú, đa dạng, đáp ứng mục tiêu đề ra. Số liệu trình bày trong báo cáo là các tư liệu khoa học mới, phản ánh đầy đủ các nội dung nghiên cứu đã thực hiện. Các sản phẩm đã đạt được của nhiệm vụ đáp ứng về chủng loại, số lượng đăng ký, một số nội dung vượt chỉ tiêu. Trong số các sản phẩm của đề tài, cuốn Atlas các loài nấm thuộc Boletaceae và Entolomataceae ghi nhận ở VQG Tà Đùng và Khu BTTN Kon Chư Răng được trình bày đẹp mắt, có chất lượng khoa học và giá trị tham khảo cao.

Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá kết quả đề tài.

Hội đồng nhấn mạnh, việc phát hiện và công bố 05 loài mới cho khoa học; 12 loài ghi nhận mới khu hệ nấm lớn Việt Nam; cùng với việc xuất bản 04 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín là những thành tựu rất đáng ghi nhận của đề tài.

Hội đồng nhất trí nghiệm thu, đánh giá đề tài xếp loại mức “Xuất sắc”./.

Tin bài: Phòng TTKHQS