Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ về nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo tuổi thọ của một số chủng loại sơn trong điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam

16/05/2024

Sáng ngày 16 tháng 5 năm 2024, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ về nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo tuổi thọ của một số chủng loại sơn trong điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam, do Viện Độ bền nhiệt đới là đơn vị chủ trì thực hiện; đồng chí Thượng tá, ThS Chử Minh Tiến là chủ nhiệm. Buổi nghiệm thu được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với chi nhánh Ven biển.

Quang cảnh buổi nghiệm thu.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ.

Trong bối cảnh Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, các vật liệu xây dựng, đặc biệt là sơn, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các yếu tố môi trường như nhiệt độ cao, độ ẩm lớn và tác động của tia UV,… Điều này dẫn đến việc tuổi thọ của các loại sơn bị giảm sút nhanh chóng, gây tốn kém trong quá trình sử dụng. Hiện tại, việc dự báo tuổi thọ của các chủng loại sơn trong điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam vẫn chưa được nghiên cứu, xây dựng một cách đầy đủ và hệ thống.

Do đó, nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo tuổi thọ của một số chủng loại sơn trong điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam là vô cùng cần thiết. Đối với người sử dụng, việc này giúp cung cấp cái nhìn toàn diện về chủng loại cũng như chất lượng các loại sơn ở nước ta. Thêm vào đó, mô hình dự báo tuổi thọ sẽ hỗ trợ người dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm sơn phù hợp với mục đích của mình. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình sử dụng. Đối với nhà sản xuất, việc dự báo chính xác thời hạn sử dụng của các sản phẩm là cơ sở để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, giúp các nhà sản xuất tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua việc cung cấp những sản phẩm sơn có độ bền cao, phù hợp với điều kiện khí hậu đặc thù của Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm, đánh giá trên 4 hệ sơn: epoxy, polyuretan, alkyd và acrylic trong thời gian 12 tháng tại một số trạm thử nghiệm và phòng thí nghiệm của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.

Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm kỹ lưỡng, nhóm thực hiện đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu đề ra. Cụ thể:

Kết quả phân tích tương quan giữa thử nghiệm tự nhiên và thử nghiệm gia tốc theo các tham số: độ bóng, biến màu, độ dày, đều xác lập các quan hệ tuyến tính với hệ số tương quan cao, trong đó các hệ sơn kém bền hơn cho tương quan cao hơn. Điều này giúp khẳng định tính tương đồng về quy luật lão hóa các tham số của lớp phủ, không chỉ giữa các trạm thử nghiệm khác nhau mà còn giữa các thử nghiệm tự nhiên trong khí quyển và thử nghiệm gia tốc trong phòng thí nghiệm, qua đó mở ra khả năng thừa nhận lẫn nhau về kết quả thử nghiệm được tiến hành ở các trạm thử nghiệm và phòng thí nghiệm khác nhau.

Cùng với đó, kết quả thử nghiệm tự nhiên lặp lại trên hai mác sơn alkyd cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào trong quá trình lão hóa các tính chất của các mác sơn này trong các điều kiện tương tự nhau trong thời gian khác nhau. Có thể mở rộng logic này đến các mác sơn khác cho phép kết luận về tính ổn định của kết quả thử nghiệm tự nhiên và tiếp tục khẳng định thử nghiệm tự nhiên luôn là thước đo chuẩn mực để đánh giá độ bền khí hậu, làm cơ sở để kiểm chứng dự báo tuổi thọ các vật liệu sơn khi tiến hành thử nghiệm gia tốc.

Nghiên cứu cũng khẳng định việc sử dụng bộ ba tiêu chuẩn của Liên bang Nga (ГОСТ 9.401-2018, ГОСТ 15150-69 và ГОСТ 9.104-2018) làm công cụ dự báo tuổi thọ của đa số các hệ sơn bảo vệ kim loại cho sai số chấp nhận được (không quá 10%). Đối với các mác sơn có tuổi thọ thấp, dự báo cho độ chính xác cao hơn. Việc tăng số chu kỳ thử nghiệm gia tốc đối với các mác sơn có độ bền cao hơn, dẫn đến sai số dự báo tăng.

Nghiên cứu còn cho thấy, phương pháp thử nghiệm ГОСТ 9.401-2018 ngoài khả năng dự báo tuổi thọ theo tham số bảo vệ chống ăn mòn, còn có khả năng dự báo biến đổi các tính chất trang trí, do xác lập được tương quan tuyến tính với hệ số tương quan cao giữa hai hình thức thử nghiệm.

Nghiên cứu này là một trong các cách tiếp cận hiệu quả để phát triển phương pháp luận dự báo, vốn rất cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay của Viện Độ bền nhiệt đới.  Các tiêu chuẩn của Liên bang Nga tiếp tục chứng tỏ được độ tin cậy cao trong nghiên cứu đánh giá độ bền khí hậu và đặc biệt là dự báo tuổi thọ cho các vật liệu sơn bảo vệ kim loại khi khai thác sử dụng trong các điều kiện môi trường nhiệt đới khác nhau.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên 01 bài báo trên tạp chí khoa học thuộc danh mục Scopus.

Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá kết quả đề tài.

Tại buổi nghiệm thu, sau khi nghe đồng chí chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo kết quả đạt được của nhiệm vụ, Hội đồng đã đặt câu hỏi chất vấn, nhận xét đánh giá và đóng góp ý kiến cho báo cáo tổng kết nhiệm vụ và các tài liệu kèm theo.

Hội đồng đánh giá cao nỗ lực và những kết quả nhóm nghiên cứu đã đạt được; nhiệm vụ được thực hiện nghiêm túc, hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu và thử nghiệm so với thuyết minh được phê duyệt; sản phẩm nhiệm vụ đầy đủ về số lượng, chủng loại và đảm bảo chất lượng. Họ đồng cũng đánh giá, nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng và độ bền của các sản phẩm trong môi trường nhiệt đới khắc nghiệt của Việt Nam.

Với kết quả và giá trị thực tiễn của sản phẩm, Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ và đánh giá mức “đạt”; đề nghị đơn vị chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm dạng tài liệu, trình Thủ trưởng Trung tâm phê duyệt./.

Tin bài: Phòng TTKHQS