<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022

12/06/2022

Sáng ngày 12/6/2022, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022.
Tham dự diễn đàn, có các đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phạm Đại Dương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.  

Quang cảnh diễn đàn.

Vùng biển Việt Nam có trữ lượng nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng, có giá trị kinh tế cao. Trong quá trính phát triển, ngành thủy sản luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định thủy sản là một trong các ưu tiên phát triển kinh tế biển.

Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương và Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga trao đổi với các đại biểu bên hành lang Diễn đàn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đấy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”. Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển, chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đại tá, PGS,TS Nguyễn Đăng Hội, Viện trưởng Viện Sinh thái Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát biểu tham luận tại Diễn đàn.

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, Đại tá, PGS,TS Nguyễn Đăng Hội, Viện trưởng Viện Sinh thái nhiệt đới/ TTNĐ Việt - Nga nhấn mạnh các hệ sinh thái biển ven bờ tỉnh Phú Yên có tính đa dạng sinh học khá cao, có nhiều loài sinh vật điển hình, đặc trưng cho khu vực như rạn san hô và hệ sinh thái rong - cỏ biển, có mối liên hệ mật thiết với các cảnh quan, hệ sinh thái vùng bờ và các thủy vực nội địa.…

Kết quả nghiên cứu của TTNĐ Việt – Nga ở vùng biển ven bờ tỉnh Phú Yên cho thấy, rạn san hô là một thành phần tài nguyên - môi trường quan trọng, không chỉ cung cấp các giá trị trực tiếp để duy trì nguồn lợi thủy sản mà còn đóng vai trò như dịch vụ hệ sinh thái - bảo vệ bờ biển, phục vụ nghiên cứu khoa học. Đã ghi nhận được 122 loài san hô, riêng tại khu vực Hòn Yến và phụ cận đã ghi nhận 22 loài thuộc 7 họ, gần 60 loài cá rạn thuộc 23 họ….

Trong thời gian tới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên và các tổ chức khoa học để rà roát, điều tra, nghiên cứu đầy đủ hơn về đặc điểm, động lực và tính quy luật phát triển cảnh quan, hệ sinh thái biển ven bờ và cảnh quan, rừng tự nhiên. Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cũng kiến nghị với UBND tỉnh Phú Yên sớm thực hiện đề án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Hinh - Đèo Cả và thành lập khu bảo vệ cảnh quan ở một số khu vực đặc trưng của Phú Yên: Gành Đá Đĩa, Hòn Yến và một số khu bảo vệ cảnh quan đặc thù. Triển khai thí điểm mô hình phát triển nông lâm nghiệp, nông lâm nghiệp gắn với bảo tồn. Ưu tiên các mô hình quy mô lớn và mô hình phát triển vùng đồng bào các tộc người thiểu số, tạo thế phát triển mạnh hơn cho khu vực miền Tây của tỉnh.

Uỷ viên BCT,Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh cho rằng, các ý kiến tham luận và phát biểu tại hội nghị đã tập trung vào những nội dung trọng tâm trong phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam.
Cụ thể, tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo; từng bước thực hiện đầy đủ và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm tính thống nhất, khả thi, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác trên các vùng biển và hải đảo; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trong khâu chế biến, bảo quản và xuất khẩu thủy sản, tạo động lực phát triển ngành thủy sản theo hướng tiềm năng, lợi thế.

Đặc biệt, chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo, khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển. Lập kế hoạch phục hồi và phát triển các khu, hệ sinh thái, đa dạng sinh học bị suy giảm, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguồn gốc từ đất liền và từ biển, đảo…

Tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo nhằm phát triển bền vững kinh tế biển bảo đảm quốc phòng, an ninh đối ngoại và hợp tác quốc tế. Ủy viên BCT, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh, thực tiễn của tỉnh Phú Yên cho thấy là bước đi đúng và rất cần thiết trong khảo sát điều tra cơ bản về tài nguyên biển và vai trò của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã giúp cho địa phương có những bước đi rất cơ bản và vững chắc./.

Tin, ảnh: Văn Diện(Phòng TTKHQS)