<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Điều trị bệnh lý viêm quanh khớp vai tại Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga

08/12/2023

Viêm quanh khớp vai là bệnh lý thường gặp, bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn tới viêm mạn tính kéo dài hay tái phát, gây đau nhức làm hạn chế chức năng vận động của khớp vai ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.

Viêm quanh khớp vai (tiếng Anh là Periarthritis humeroscapularis) là thuật ngữ được dùng để chỉ các bệnh lý viêm cấu trúc phần mềm quanh khớp vai như gân, túi thanh dịch, bao khớp, trừ các bệnh lý do tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp,… Viêm quanh khớp vai hay gặp nhất là từ tổn thương gân cơ trên gai và bó dài gân nhị đầu cánh tay.

Nghiên cứu của Welfling năm 1981 kết luận có 4 thể lâm sàng của viêm khớp xương vai, gồm:

- Thể đau khớp vai đơn thuần xuất phát từ các bệnh lý về gân;

- Thể đau vai cấp do lắng đọng tinh thể;

- Thể giả liệt khớp vai do đứt các gân của bó dài gân nhị đầu, hoặc đứt các gân mũ cơ khiến cơ delta không thể hoạt động;

- Thể đông cứng khớp vai do viêm dính bao hoạt dịch, co thắt bao khớp, bao khớp dày dẫn đến giảm khả năng vận động khớp ổ chảo - xương cánh tay.

Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai:

Bệnh xuất phát từ những tổn thương phần mềm xung quanh khớp vai, gây khó khăn cho người bệnh trong công việc và sinh hoạt hằng ngày. Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm quanh khớp vai gồm:

- Thoái hóa gân ở những người lớn tuổi, thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên;

- Tổn thương khớp vai do làm việc nặng hoặc chấn thương khi chơi thể thao (cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền, golf…) lặp đi lặp lại gây tổn thương các gân cơ quanh khớp vai; đôi khi bệnh phát sinh do quá trình lão hóa của cơ thể;

- Chấn thương do va đập mạnh, chống tay xuống đất gây áp lực lên vai khi trượt ngã hoặc tai nạn giao thông;

- Viêm bao hoạt dịch mỏm cùng vai hoặc viêm gân dài cơ nhị đầu cánh tay;

- Các bệnh lý khác như tim mạch, tiểu đường, hô hấp, thần kinh…

Triệu chứng bệnh nhân thường gặp: Đau và hạn chế vận động là 2 triệu chứng chính.

Người bệnh có thể đau dữ dội toàn bộ vùng cổ vai gáy, lan xuống cánh tay, bàn ngón tay, hoặc đau âm ỉ trong khớp vai; đau tăng lên khi vận động hoặc tỳ đè vào khớp vai; thường đau nhiều về đêm gần sáng.

Hạn chế vận động khớp vai: Tùy theo thể bệnh mà mức độ hạn chế vận động khớp vai khác nhau. Người bệnh thường không đưa tay lên cao và ra sau được, khó làm các động tác như: chải đầu, buộc tóc, mặc áo... Nếu thể đông cứng khớp vai thì người bệnh có biểu hiện hạn chế vận động rõ rệt.

Đầu tiên, khi bị các triệu chứng trên người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi, hạn chế và tránh các động tác tăng áp lực lên vai, cánh tay; sau đó nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa về cơ - xương - khớp để khám và điều trị.

Theo thống kê 06 tháng đầu năm 2023 tại Trung tâm Nghiên cứu - Điều trị kỹ thuật cao/Viện Y sinh nhiệt đới/Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga tiếp nhận điều trị 90 bệnh nhân viêm quanh khớp vai; tỷ lệ mắc gặp nhiều ở nữ (nữ 67%, nam 33%), chủ yếu gặp ở lứa tuổi lao động trung niên (trung bình 40 - 60 tuổi). Trong đó viêm một điểm bám gân đơn thuần chiếm 15%; tổn thương các gân kết hợp chiếm 85%; phần lớn nguyên nhân do người bệnh làm việc nặng hay chấn thương khi chơi thể thao (cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền, golf, yoga…), với triệu chứng chủ yếu đau do viêm gân cơ nhị đầu và viêm gân cơ trên gai (một số trường hợp đông cứng khớp vai do dày dính bao hoạt dịch).

Kết quả cho thấy, tất cả số bệnh nhân được điều trị khỏi, trong đó:

- Có 50 bệnh nhân (chiếm 55,6%) viêm quanh khớp vai không xơ cứng gân điều trị khỏi với liệu trình 15 ngày bằng kết hợp: Xoa bóp mở khớp, sóng ngắn, siêu âm, điện châm.

- 35 trường hợp (chiếm 38,9%) viêm quanh khớp vai có sơ cứng điều trị khỏi với liệu trình 20 ngày kết hợp: Xoa bóp mở khớp vai, tập vận động, siêu âm, điện châm, xung kích.

- 04 trường hợp (chiếm 4,4%) viêm khớp vai thể cứng điều trị khỏi với liệu trình 20 ngày kết hợp: Xoa bóp mở khớp vai, sóng ngắn, siêu âm, điện châm, xung kích và tiêm Colagen hướng đích

- 01 trường hợp (chiếm 1,1%)  viêm quanh khớp vai có tràn dịch điều trị với liệu trình 30 ngày bằng: Điện châm, từ trường kết hợp sử dụng thuốc giảm đau chống viêm.

Hiện tại, bộ phận Đông y và Phục hồi chức năng thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị kỹ thuật cao/Viện Y sinh Nhiệt đới đang sử dụng đa phương pháp trị liệu. Trong đó, sử dụng kết hợp các thiết bị hiện đại giúp rút ngắn thời gian điều trị và hạn chế tối đa việc sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm có thể gây tác dụng phụ không mong muốn. Cụ thể, bệnh nhân sau khi được bác sĩ thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng và kết luận cụ thể các điểm viêm tại khớp vai sẽ được thực hiện theo chu trình sau:

- Xoa bóp bấm huyệt trị liệu: Tăng tuần hoàn dinh dưỡng chuyển hóa ở cơ giúp tăng cường tính đàn hồi của gân cơ, giúp gân mềm mại hơn đồng thời tăng cường dinh dưỡng bao hoạt dịch, tiết chất nhờn làm trơn ổ khớp.

- Vận động trị liệu: Giãn cơ, tăng cường sức mạnh cơ, tăng tính đàn hồi dẻo dai của cột sống, tăng tầm vận động của khớp vai.

Tập vận động trị liệu.

- Châm cứu trị liệu: Giảm đau, giãn cơ, tăng dẫn truyền thần kinh, kích thích vào các huyệt đạo giúp hành khí hoạt huyết, thư cân, hóa ứ chỉ thống.

Châm cứu trị liệu.

- Siêu âm trị liệu: Giúp các vết thương sớm hồi phục, dẫn truyền thuốc qua da thuận lợi hơn.

Siêu âm trị liệu.

- Sóng ngắn trị liệu: Chống viêm, giãn cơ, tăng cường tuần hoàn đến các mô sâu, tăng dinh dưỡng cho các vùng tổn thương. 

Sóng ngắn trị liệu.

- Sóng xung kích trị liệu: kích thích quá trình tái tạo mạch máu - mô tế bào, tăng cấp máu tại vùng tổn thương.

 

Sóng xung kích trị liệu.

Liệu trình điều trị trung bình: 15 ngày và liệu trình này phụ thuộc vào mức độ tổn thương, độ tuổi, thời gian mắc bệnh.

Qua con số thống kê trên chúng tôi đưa ra khuyến cáo điều trị và dự phòng bệnh như sau: Tránh các hoạt động thể lực gắng sức, đột ngột, luyện tập theo sự hướng dẫn của giáo viên, vận động viên theo cấp độ tăng dần từ dễ đến khó, thường xuyên tập thể dục vận động trong tầm của cơ khớp… tăng cường bổ sung dinh dưỡng đặc biệt là canxi..;

Viêm quanh khớp vai không phải là một bệnh phức tạp và có thể điều trị bằng vật lý trị liệu ngay ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, viêm quanh khớp vai sẽ gây ra sự khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày, nên bệnh nhân rất cần đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, không những tối ưu hóa quá trình phục hồi mà còn giúp giảm thiểu được chi phí điều trị, hạn chế nguy cơ tái phát bệnh.

Thông tin về điều trị viêm quanh khớp vai tại Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị kỹ thuật cao/Viện Y sinh Nhiệt đới/Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga:

+ Khám tư vấn và điều trị: Bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền Phùng Quang Tùng. ĐT: 0375878035.

+ Khi đi mang theo kết quả đã được làm như: Phim chụp Xquang, xét nghiệm máu, đo mật độ loãng xương (nếu có) và các thuốc đã từng sử dụng để bác sĩ tham khảo và định hướng rõ hơn.

+ Kết hợp giữa khám lâm sàng, cận lâm sàng bác sĩ sẽ đánh giá mức độ bệnh, tiên lượng bệnh và lên phác đồ điều trị cụ thể.

+ Trong quá trình điều trị bệnh nhân sẽ được bác sĩ theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh hằng ngày để có liệu trình phù hợp nhất.

Bệnh nhân bị viêm quanh khớp vai đến bộ phận Đông Y và Phục hồi chức năng sẽ được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng đánh giá mức độ tổn thương tại khớp và tổ chức xung quanh khớp, bác sĩ tại phòng khám sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhất đối với từng cá thể bệnh./.

Tin bài: Nguyễn Thành Trung, Phùng Quang Tùng, Nguyễn Phương Thảo  - Trung tâm Nghiên cứu & Điều trị kỹ thuật cao/Viện Y sinh Nhiệt đới.