Dơi có thể là ổ chứa quan trọng trong truyền bệnh Leptospira cho con người

05/07/2024

Leptospirosis là bệnh lây truyền từ động vật sang người do xoắn khuẩn vàng da thuộc chi Leptospira gây ra. Phân loại dựa vào huyết thanh học, chi Leptospira được chia thành hai nhóm chính: Leptospira interrogans sensu lato gây bệnh và Leptospira biflexa sensu lato không gây bệnh, tồn tại tự do trong môi trường.

Leptospira gây bệnh sống ở trong thận của động vật nhiễm bệnh và được thải ra ngoài môi trường qua nước tiểu và có thể tồn tại ở ngoài môi trường trong nhiều tuần. Con người có thể nhiễm Leptospira trực tiếp hay gián tiếp do tiếp xúc với động vật nhiễm Leptospira hay tiếp xúc với môi trường như sông suối, ao hồ, nước, đất có chứa mầm bệnh Leptospira. Động vật gặm nhấm hay các vật nuôi như chó, mèo, bò, lợn, cừu đều có khả năng nhiễm Leptospira đặc biệt là động vật gặm nhấm như chuột được xem là nguồn lây bệnh Leptospira chính trong tự nhiên.

Gần đây, dơi được xác định là vật chủ hoặc ổ chứa quan trọng của các nhiều tác nhân gây bệnh gồm cả virus và vi khuẩn. Vi khuẩn Leptospira đã được phát hiện ở hơn 50 loài dơi trên khắp các vùng nhiệt đới và châu Âu.

Trong giai đoạn 2021-2022, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dịch tễ Trung ương, Liên bang Nga đã tiến hành nghiên cứu dã ngoại thu thập các mẫu dơi tại 2 tỉnh miền núi phía Bắc giáp biên giới Trung Quốc gồm Lai Châu và Sơn La và tỉnh Đồng Tháp nơi có địa hình bằng phẳng, không có hang động.

 Chuyên gia động vật học Marat Makenov, Viện Nghiên cứu Dịch tễ Trung ương, Liên bang Nga đang thu thập dơi tại Hang dơi thuộc tỉnh Lai Châu.

Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã được thu thập 339 cá thể dơi tại 3 khu vực khác nhau. Kết quả định loại dơi bằng hình thái kết hợp sinh học phân tử bằng kỹ thuật realtime PCR cho thấy 339 cá thể dơi thuộc 11 loài trong đó Rousettus leschenaultii (54), R. amplexicaudatus (9), E. spelaea (34), Cynopterus sphinx (63), Cynopterus horsfieldii (13), Rhinolophus microglobosus (19), Rhinolophus malayanus (48), Tylonycteris robustula (35), Tylonycteris pachypus (27), Myotis hasseltii (25) và Taphozous longimanus (12). Các mẫu mô của 298 cá thể dơi gồm nội tạng (mẫu gộp gan, thận, lách) được tiến hành phát hiện sự hiện diện của Leptospira bằng PCR, mẫu máu, huyết thanh dơi được tiến hành xét nghiệm bằng kỹ thuật ELISA và vi ngưng kết MAT để phát hiện sự hiện diện của kháng nguyên và các kháng thể kháng Leptospira. Kết quả PCR phát hiện 40/298 cá thể dơi mang DNA của Leptospira gây bệnh trong đó loài Rousettus aplexicaudatus (5/9 - 55,5%), Rousettus leschenaultii (17/42 - 40,4%), Myotis hasseltii (25/8 - 32%), Taphozous longimanus (12/3 - 25%) và Eonycteris spelaea (7/32 - 21,9%). Dựa trên phát sinh chủng loại secY, các trình tự từ M. hasseltii có sự tương đồng cao với L. borgpetersenii. Kết quả ELISA đã phát hiện được 83/306 cá thể dơi mang kháng thể kháng Leptospira trong đó tỷ lệ nhiễm huyết thanh cao nhất được quan sát thấy ở loài dơi R. leschenaultii (44/48 - 91,6%), R. plexicaudatus (6/8 - 75%) và E. spelaea ( 25/19 - 76%). 66 mẫu dương tính với ELISA đã được xét nghiệm bằng MAT kết quả 41 mẫu dương tính, trong đó nhóm huyết thanh chiếm ưu thế trong nghiên cứu này là Tarassovi và Mini.

Hình 2. Xác định nhóm huyết thanh Leptospira bằng phản ứng vi ngưng kết MAT.

Như vậy, trong nghiên cứu này cho thấy đã phát hiện Leptospira gây bệnh trong các mẫu mô của loài dơi thu thập ở Việt Nam. Tuy nhiên, các nhóm huyết thanh được xác định trong nghiên cứu này khác với các nhóm nghiên cứu khác. Vì vậy, cần phải nghiên cứu thêm để làm rõ vai trò của dơi là nguồn lây bệnh Leptospirosis ở người.

Link bài báo: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0001706X24001803.

Tin bài: Lê Thị Lan Anh (Viện Y sinh nhiệt đới)