Ghi nhận loài chim di cư hiếm tại Việt Nam

05/01/2023

Chim trèo tường - Wallcreeper (Certhia muraria Linnaeus, 1766) thuộc họ chim trèo tường (Tichodromidae) nằm trong bộ Sẻ (Passeriformes). Là một loài chim có kích thước nhỏ với chiều dài từ mút mỏ đến mút đuôi khoảng 15,5 cm đến 17 cm nặng từ 17 g đến 19 g. Từ Tichodromidae có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là chạy trên tường, cũng đúng như cách di chuyển kiếm thức ăn của nó là bám và trèo dọc theo các thành núi đá.

Các nghiên cứu về khu hệ chim trên thế giới trước đây đã ghi nhận sự phân bố của loài này trong khu vực từ Châu Âu đến miền trung của Trung Quốc, chúng thường phân bố ở độ cao từ 1000 m đến 3000 m so với mực nước biển. Vào mùa đông, loài này di cư xuống các vùng có độ cao thấp hơn. Chim trèo tường cặp đôi và sinh sản vào mùa hè, chúng thường làm tổ bằng cỏ, rêu trong các khe và hốc đá. Chim mái đẻ từ 4 đến 5 trứng màu trắng với các đốm nhỏ màu đen hoặc nâu đỏ dài khoảng 21 mm, trứng được ấp trong 19-20 ngày, chim non được chăm sóc bởi cả chim trống và chim mái, ra ràng trong khoảng 28 đến 30 ngày. Vào mùa đông chúng thường kiếm ăn đơn lẻ, thức ăn chủ yếu của chúng là các loài côn trùng, kiếm ăn bằng cách bới trong các kẽ đá, đôi khi bay bắt côn trùng trên không.

Kết quả nghiên cứu khảo sát khu hệ chim ở Việt Nam cho đến nay mới ghi nhận được 2 lần có sự xuất hiện của loài Wallcreeper (Certhia muraria Linnaeus, 1766) tại các vùng núi đá. Lần đầu vào năm 2017 tại VQG Cúc Phương, Ninh Bình do Tác giả Bùi Đức Tiến ghi nhận và công bố; và lần thứ 2 do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái nhiệt đới/Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga ghi nhận ngày 4/1/2023 tại khi vực núi đá của Khu bảo tồn Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Một số hình ảnh về loài Wallcreeper (Certhia muraria Linnaeus, 1766) do Thạc sĩ Phạm Hồng Phương, nghiên cứu viên Viện Sinh thái nhiệt đới/Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga chụp tại Khu bảo tồn Bát Đại Sơn:

Bài và ảnh: Phạm Hồng Phương (Viện STNĐ)