<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Ghi nhận loài chim di cư quý hiếm tại Việt Nam: Đại bàng đầu nâu

31/01/2024

Trong chuyến khảo sát về đa dạng sinh học khu hệ chim của Việt Nam tại tỉnh Bắc Giang vào tháng 01 năm 2024, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái nhiệt đới/Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã ghi nhận được 02 cá thể Đại bàng đầu nâu, trong đó có 01 cá thể trưởng thành và 01 cá thể chưa trưởng thành. Đây là loài chim ăn thịt rất quý hiếm cần có các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, tuân thủ Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Một số thông tin chi tiết về loài chim:

Tên Việt Nam: Đại bàng đầu nâu

Tên tiếng Anh: Imperial Eagle

Tên khoa học: Aquila heliaca (Savigny, 1809)

Mô tả: Đại bàng đầu nâu là một loài chim săn mồi lớn, với tổng chiều dài cơ thể đạt từ 68 đến 90 cm, sải cánh rộng từ 1,76 đến 2,16 m. Về trọng lượng, chim mái thường sẽ lớn hơn chim trống khoảng 10%. Chim trống nặng từ 2,45 đến 2,72 kg, chim mái nặng từ 3,26 đến 4,54 kg. Bộ lông của chim trưởng thành phần lớn có màu nâu đen, xuất hiện thêm màu kem tương phản lốm đốm trên lưng và cánh, đầu và vùng phía trên cổ màu vàng da bò. Hai bên vai cánh có vệt màu trắng sáng nổi bật. Mắt nâu, lớp da trần ở đầu mỏ và bàn chân màu vàng, móng vuốt và mỏ có đen, cong quặp sắc nhọn. Chim non có màu cát nâu nhạt với lông cánh và đuôi có màu tối tương phản, ngực có một đám sọc ngang màu tối, viền cánh trắng, phần lưng dưới và phần lưng trên đuôi có một mảng to màu kem. Chim sắp trưởng thành dần có bộ lông của chim trưởng thành trong vòng hơn 6 năm, trong 3 năm đầu vẫn giữ hình dáng của chim non và sau đó bộ lông trông loang ố.

Phân bố: Trên thế giới Đại bàng đầu nâu phân bố ở Đông Nam châu Âu, Bắc Phi, Tây Á, Trung Á, Đông Á, Đông Nam Á. Vào mùa đông hầu hết các cá thể di trú về phía Đông Bắc châu Phi hay miền Nam và miền Đông châu Á. Tại Việt Nam, có thể quan sát được loài này ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong mùa chim di cư.

Tình trạng bảo tồn: Hiện tại số lượng của Đại bàng đầu nâu trên toàn cầu đang bị sụt giảm nghiêm trọng do nạn săn bắn trái phép, mất môi trường sống, thiếu hụt và ngộ độc nguồn thức ăn. Cấp độ bảo tồn của loài theo Danh lục đỏ của IUCN ở mức sắp nguy cấp (VU).                                 

Bài và ảnh: Phạm Hồng Phương (Viện Sinh thái nhiệt đới)