TextBody

Ghi nhận loài chim quý hiếm Cao cát bụng trắng tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long

24/12/2024

Cao cát bụng trắng, tên khoa học - Anthracoceros albirostris (Shaw & Nodder, 1807), tên tiếng Anh - Oriental Pied Hornbill. Là một loài chim thuộc họ Hồng hoàng (Bucerotidae) trong bộ Hồng hoàng (Bucerotiformes).

Cao cát bụng trắng - Anthracoceros albirostris (Shaw & Nodder, 1807).

Đây là loài chim có kích thước tương đối lớn, với tổng chiều dài cơ thể từ 68 đến 70 cm. Chim có phần dưới ngực, họng, dưới đuôi, phần mút các lông đuôi ngoài, mép cánh, phần gốc và mút các lông cánh sơ cấp, trừ hai lông ngoài cùng và mút các lông cánh thứ cấp màu trắng. Toàn bộ các phần còn lại của bộ lông màu đen. Mỏ có cấu tạo hai tầng màu vàng nhạt, phần giữa hai tầng và chóp tầng trên của mỏ màu đen. Chim càng già tầng mỏ trên càng cao và dài. Hai bên họng có đám da trần. Mắt nâu đỏ. Da trần quanh mắt màu xanh nhạt hay xanh ánh đỏ. Phần họng có đám da màu xanh phớt tím.

Cao cát bụng trắng, tên khoa học - Anthracoceros albirostris (Shaw & Nodder, 1807).

Sinh cảnh sống của Cao cát bụng trắng là rừng thường xanh, rừng hỗn giao rụng lá, rừng thứ sinh, rừng trên đảo, thỉnh thoảng có thể gặp ăn quả cây ở các khu rừng phục hồi. Thức ăn chủ yếu là các loài quả cây và còn bắt gặp ăn một số loài côn trùng, bò sát, ếch nhái, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc phát tán hạt giống, góp phần bảo vệ và phát triển rừng. Mùa sinh sản từ tháng 1 đến tháng 6, làm tổ trong hốc cây to và cao, đẻ từ 1-3 trứng. Chim trống vít miệng tổ bằng đất sét chỉ để lỗ trống đủ mớm thức ăn cho chim mái và chim non trong suốt thời gian ấp trứng đến khi con non trưởng thành, sau đó dùng mỏ phá tổ để chim mái và chim non bay ra ngoài.

Cao cát bụng trắng, tên khoa học - Anthracoceros albirostris (Shaw & Nodder, 1807).

Trên thế giới Cao cát bụng trắng phân bố ở Myanma, Thái Lan, Đông Dương và Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam loài này có ở  các rừng rậm rạp trong cả nước nhưng phổ biến hơn tại khu vực miền Nam.

Cao cát bụng trắng, tên khoa học - Anthracoceros albirostris (Shaw & Nodder, 1807).

Kết quả khảo sát về đa dạng sinh học khu hệ chim của Vườn Quốc gia (VQG) Bái Tử Long tháng 11 năm 2024, Viện Sinh thái nhiệt đới/Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã ghi nhận được 01 đàn Cao cát bụng trắng gồm 5 cá thể đang kiếm ăn trên sinh cảnh rừng thường xanh trên núi đá vôi tại vùng lõi của VQG Bái Tử Long. Theo kết quả phỏng vấn người dân địa phương và các cán bộ kiểm lâm của vườn cho biết tại VQG Bái Tử Long còn có các đàn khác với số lượng nhiều hơn. Hiện tại số lượng của loài Cao cát bụng trắng bị sụt giảm nghiêm trọng do nạn săn bắn trái phép, mất môi trường sống, thiếu hụt nguồn thức ăn. Đây là loài quý hiếm nằm trong mục IIB thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP, ngày 22/09/2021 của Chính phủ. Việc ghi nhận quần thể chim Cao cát bụng trắng quý hiếm tại VQG Bái Tử Long là tín hiệu rất tích cực. Đồng thời cũng đặt ra vấn đề quản lý, bảo tồn và có các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, tuân thủ Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/5/2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam nói chung và VQG Bái Tử Long nói riêng.

                                       Bài và ảnh: Phạm Hồng Phương (Viện Sinh thái nhiệt đới)